Quốc hội bổ sung nhiều giải pháp thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia
Để tiếp tục thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Quốc hội cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024.
Sáng 29/11, với 92,91% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia: Xây dựng Nông thôn Mới 2021-2025, Giảm nghèo Bền vững 2021-2025, Phát triển Kinh tế-Xã hội vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số và Miền núi 2021-2030.
Còn tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm
Theo nội dung Nghị quyết, các Chương trình Mục tiêu Quốc gia hiện đã đạt được những kết quả nhất định như: Làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả; đời sống nhân dân cải thiện…
Dù vậy, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn rất chậm, phải chuyển nguồn, kéo dài, nhất là vốn sự nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đến năm 2025.
Ở một số địa phương, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao; việc xây dựng nông thôn mới còn chạy theo thành tích, tiêu chí đạt được chưa bền vững, còn nợ, hụt tiêu chí.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai chậm, còn lúng túng; một số chính sách, dự án chưa sát với thực tế nên chưa phát huy được hiệu quả, đời sống đồng bào chậm được cải thiện.
Nghị quyết chỉ ra tình trạng cát cứ, phân tán, manh mún trong tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia; việc thực hiện cơ chế lồng ghép, phân cấp, phân quyền, cơ chế đặc thù theo chủ trương của Đảng và Nhà nước chưa thực sự phát huy hiệu quả; thu hút nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế.
Nguyên nhân khách quan của những tồn tại, hạn chế là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hậu quả kéo dài; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Nguyên nhân chủ quan là do các Chương trình còn dàn trải, manh mún, chia cắt, chưa có cơ chế rõ ràng về phân cấp, phân quyền; chưa có cơ chế đặc thù để xử lý các nội dung vướng mắc, khó, nhạy cảm.
Cạnh đó, công tác phối hợp của một số bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm đã làm chậm tiến độ triển khai, giảm hiệu quả thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Cho phép kéo dài giải ngân vốn đến năm 2024
Trước thực tiễn đã nêu, để tiếp tục thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Quốc hội cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024.
“Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và việc thực hiện, giải ngân số vốn được kéo dài nêu trên bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm,” Nghị quyết nêu.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các đề xuất, kiến nghị, khắc phục tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo của đoàn giám sát đồng thời khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền các quy định, cơ chế, chính sách về nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp, nhất là các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giảm thủ tục hành chính… để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Quốc hội cũng giao Chính phủ giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao hiệu quả đào tạo nghề tại các huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết những bất cập của Quyết định 861/QĐ-TTg đối với các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đối với chính quyền địa phương thì Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai thực hiện, tiến độ, hiệu quả các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn; phát huy vai trò, sự tham gia, hỗ trợ hiệu quả của lực lượng quân đội, công an, các tổ chức, đơn vị khác trên các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề nêu trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cho biết Chính phủ đã có Tờ trình số 614/TTr-CP ngày 1/11/2023 trình Quốc hội xem xét việc kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 sang thực hiện trong năm 2024.
Qua xem xét Tờ trình của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc cho phép kéo dài số vốn trên là cần thiết để bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số và đã có Thông báo số 3155/TB-TTKQH ngày 25.11.2023 về việc thống nhất cho phép Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị đối với số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()