Quốc hội bàn quy định cụ thể về nghi thức tuyên thệ trang trọng
Ngày 27-10, trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII với các phóng viên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm thông tin chung quanh quy định Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp sau khi được bầu. Đây là nội dung mới được quy định trong Hiến pháp và đã được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức Quốc hội.
Phóng viên: Xin ông cho biết, xuất phát từ đâu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra đề xuất về quy định này trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đây là nội dung mới được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và đã được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức Quốc hội.
Ban soạn thảo cho rằng, để bảo đảm thực hiện quy định này, trong Nội quy kỳ họp Quốc hội cần phải quy định cụ thể nghi thức tuyên thệ. Trong đó, cần cụ thể các thủ tục thực hiện nghi thức này để việc tuyên thệ được diễn ra kịp thời, trang trọng trước khi người được bầu bắt đầu thực hiện nhiệm vụ mới. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định riêng về vấn đề này, bao gồm các quy định cụ thể về nghi lễ, hình thức, thời điểm tuyên thệ, trình tự các bước trong lễ tuyên thệ, nội dung tuyên thệ, trách nhiệm của người tuyên thệ…
Để bảo đảm tính trang nghiêm, tính pháp lý, các vị trí này sau khi bầu xong phải tuyên thệ, khẳng định việc hứa trước đồng bào và cử tri cả nước về việc thực hiện trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân và Hiến pháp.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn phóng viên (Ảnh: Văn Chúc).
Hỏi: Thưa ông, liên quan hoạt độ ng giám sát, cụ thể là chất vấn ở Quốc hội, có ý kiến cho rằng, việc đại biểu đặt câu hỏi trực ti ế p tốt hơn là việc gửi ý kiến trước cho các Bộ trưởng ?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Chúng ta thực hiện theo hai cách khác nhau. Việc đại biểu Quốc hội gửi câu hỏi chất vấn các thành viên Chính phủ là theo yêu cầu của cử tri. Và các thành viên Chính phủ có trách nhiệm phải trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Còn khi vào phiên chất vấn, đại biểu không nhất thiết phải hỏi những câu như vậy. Nếu đại biểu hỏi, thành viên Chính phủ trả lời không đạt yêu cầu thì mới hỏi và chất vấn lại. Nếu các thành viên trả lời tốt rồi, thoả mãn yêu cầu của đại biểu rồi thì không hỏi nữa.
Phóng viên: Liên quan đến kỳ họp Quốc hội, kỳ này cũng bổ sung vấn đề tăng trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Thí dụ, việc đại biểu vắng mặt trên ba ngày cần báo cáo lại và trình Thư ký Quốc hội và báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Theo ông, việc đó làm tăng hiệu quả hoạt động của Quốc hội như thế nào?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Dự thảo có đề cập như thế. Hy vọng qua quá trình thảo luận, các đại biểu Quốc hội có đồng thuận hay không. Thật ra, cơ chế hiện nay có khó khăn là Quốc hội chúng ta có gần 70% đại biểu kiêm nhiệm. Vì thế, các đồng chí kiêm nhiệm đang hoạt động trong các lĩnh vực, ở các địa phương, đương nhiên không tránh khỏi phải chỉ đạo hoạt động của lĩnh vực và địa phương mình phụ trách.
Về số lượng đại biểu chuyên trách, trong nhiệm kỳ này, cao nhất là 35% đại biểu chuyên trách, còn 65% là đại biểu kiêm nhiệm. Thể chế chính trị của chúng ta như thế, đại biểu Quốc hội hoạt động và chấp hành theo. Trong mỗi quốc gia khác nhau, Quốc hội – nghị viện của mỗi nước hoạt động khác nhau, hoạt động nghị trường phù hợp với thể chế chính trị của mỗi nước.
Phóng viên: Cũng liên quan vấn đề số lượng đại biểu chuyên trách vẫn còn đang hạn chế, số lượng đại biểu có mặt ở hội trường quyết định thế nào đến việc nhấn chuông, bỏ phiếu thông qua các luật, chính sách?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Trong luật có quy định rõ, nội dung nào phải yêu cầu có 2/3 số đại biểu Quốc hội thông qua mới có hiệu lực, nội dung nào thì 50% số đại biểu. Thí dụ, việc bãi nhiệm đại biểu phải có 2/3 đại biểu Quốc hội đồng tình thì mới được chấp thuận. Hoặc bàn về vấn đề thông qua Hiệp ước, cũng quy định 2/3 tổng số đại biểu. Luật quy định rõ, Nội quy không nhắc lại. Lần này, Nội quy chủ yếu sửa đổi những nguyên tắc, thủ tục, quy trình. Điều gì trong Luật có rồi, Nội quy không đề cập đến.
Nội quy chỉ bàn đến các nội dung như quy trình bầu các vị trí như Chủ tịch nước, Thủ tướng… hay quy trình bỏ phiếu tín nhiệm như thế nào, thủ tục ra sao, chứ không đi vào quy định những vấn đề liên quan đến luật pháp.
Phóng viên: Vì sao chọn quy định đại biểu Quốc hội không được nghỉ quá ba ngày?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Nếu đại biểu Quốc hội nghỉ một ngày mà phải báo cáo theo các trình tự, thủ tục thì khó cho họ, vì phải trình từ Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ tịch Quốc hội, sẽ diễn ra rất chậm, có thể nhỡ công việc của đại biểu. Cơ quan nghiên cứu và trình phương án ba ngày là phù hợp nhất. Trước ba ngày, đại biểu phải báo cáo, trước tiên trình lên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký và Chủ tịch Quốc hội, khi đã đồng ý thì được nghỉ. Nhiều đại biểu cho rằng, một ngày xin phép mà chưa xong, thì đã hết thời gian rồi, còn đâu mà nghỉ nữa!
Phóng viên: Những quy định của Nội quy đơn thuần là quy trình, thủ tục. Nhưng nếu không có quy trình, thủ tục đó thì Quốc hội rất khó làm việc. Vậy thì những thay đổi, cải tiến, đổi mới sẽ tác động như thế nào đến chất lượng các hoạt động của Quốc hội, từ những hoạt động nhỏ nhất liên quan đến làm việc, chất vấn, giám sát…?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Thời gian qua, chúng ta đã có Nghị quyết 27/2012 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Hoạt động đổi mới trong quá trình làm luật đã được kiểm chứng trong thực tiễn. Nội dung này sẽ được đưa vào trong Nội quy kỳ họp này. Trong Quốc hội khóa XIII, chúng ta ban hành Nghị quyết 27. Quá trình này thể hiện sự cải tiến. Nếu nội dung nào thực hiện không hợp lý sẽ không đưa vào, nội dung nào hợp lý rồi thì đưa vào thành nội quy.
Trân trọng cảm ơn ông!
* Điều 2. Trình tự bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
1. Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Ngoài danh sách do Chủ tịch nước đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm, hoặc tự ứng cử vào chức danh Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.
3. Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, mời Chủ tịch nước tham dự để trao đổi về các vấn đề có liên quan.
4. Uỷ ban T hường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.
5. Chủ tịch nước báo cáo trước Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
6. Ủy ban T hường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.
7. Quốc hội thảo luận, thông qua danh sách để bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
8. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.
9. Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín.
10. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.
11. Quốc hội thảo luận và thông qua nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
12. Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()