Quốc gia Đông Nam Á đầu tiên vượt mốc 1 triệu ca COVID-19
Ngày 26/1, Indonesia đã trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên chính thức chạm mốc 1 triệu ca mắc COVID-19, theo Reuters. Đây được coi là dấu mốc nghiệt ngã với quốc gia đông dân thứ 4 thế giới.
Hiện các bệnh viện được chỉ định điều trị COVID-19 tại Indonesia đã đạt 80% công suất. Ngoài bệnh viện, khu chôn cất nạn nhân COVID-19 cũng kín chỗ. Chính phủ Indonesia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc từ đầu tháng 1/2021 với hy vọng sớm giảm tải áp lực cho các bệnh viện khắp cả nước.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181 triệu người, tương đương khoảng 70% dân số đất nước, với chi phí do ngân sách nhà nước tài trợ hoàn toàn. Thời hạn hoàn tất chương trình tiêm chủng ở Indonesia ban đầu được đặt ra là cuối năm 2021 nhưng sau đó được lùi lại tới tháng 3 năm sau do nguồn cung chậm hơn dự kiến.
Trong khi đó, Thái Lan, Campuchia, Philippines đều ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới COVID-19, trong số đó có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng và các ca nhập cảnh.
Ngày 26/1, Thái Lan ghi nhận 959 ca mắc mới COVID-19. Đây là số ca mới ghi nhận trong ngày cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện tại quốc gia này.
Theo Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA), có 937 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 914 ca ở tỉnh Samut Sakhon và 22 ca nhập khẩu.
Dịch bắt đầu bùng phát mạnh tại tỉnh Samut Sakhon từ tháng trước. Phần lớn các ca phát hiện tại tỉnh Samut Sakhon nhờ chương trình xét nghiệm chủ động, được tiến hành đối với những người nhập cư từ Myanmar và công dân Thái Lan.
Hiện, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 14.646 ca mắc COVID-19. Hơn 10.000 bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi trong khi vẫn còn hơn 3.600 bệnh nhân đang được điều trị. Số ca không qua khỏi là 75 ca.
Cùng ngày, Campuchia thông báo thêm 2 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên là 460.
Theo Bộ Y tế Campuchia, các ca bệnh đều là những người trở về từ Indonesia và Thái Lan từ ngày 12/1. Đáng chú ý, các ca này chỉ có kết quả xét nghiệm dương tính trong lần xét nghiệm thứ 2 và thứ 3.
Tính tới nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 640 ca mắc bệnh COVID-19, không có ca tử vong, 412 bệnh nhân đã hồi phục.
Bộ Y tế Philippines thông báo thêm 1.173 ca mắc mới trong ngày 26/1, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên 516.166 ca.
Tổng số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 10.386 ca, cao hơn 94 ca so với một ngày trước đó, trong khi có hơn 475.400 bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi.
Philippines, với dân số 110 triệu, đã xét nghiệm cho 7,1 triệu người kể từ khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện hồi tháng 1/2020.
Mới đây, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bày tỏ quan ngại khi quốc gia này phát hiện ngày càng nhiều ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn.
Chính phủ nước này cũng đã tái áp dụng quy định yêu cầu trẻ em từ 10-14 tuổi ở nhà, không ra đường.
WHO ban hành hướng dẫn điều trị COVID-19 mới
Ngày 26/1, WHO đã ban hành hướng dẫn lâm sàng mới trong điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh COVID-19, bao gồm cả những bệnh nhân có những triệu chứng dai dẳng sau phục hồi.
Phát biểu tại cuộc họp báo của Liên Hợp Quốc tại Geneve (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO Margaret Harris cho biết, hướng dẫn mới này khuyến khích chỉ định dùng thiết bị đo nồng độ oxy để phát hiện kịp thời những bất thường trong điều trị tại nhà cho bệnh nhân COVID-19, qua đó tránh nguy cơ phải nhập viện.
WHO khuyên các đội ngũ điều trị đặt bệnh nhân nằm sấp, giúp cải thiện lưu thông oxy trong cơ thể. Trong hướng dẫn mới, WHO khuyến nghị nên dùng thuốc chống đông máu liều thấp để ngăn ngừa hình thành các cục máu đông trong mạch máu. Tuy nhiên, WHO lưu ý chỉ dùng liều thấp vì nếu dùng liều cao sẽ dẫn tới những vấn đề khác.
Ngoài ra, bà Harris cho biết, một nhóm chuyên gia độc lập do WHO dẫn đầu, hiện đang có mặt ở thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, sẽ hoàn tất thời gian cách ly trong 2 ngày tới. Sau đó, nhóm sẽ bắt đầu nghiên cứu về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 tại nơi phát hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên ở người, hồi tháng 12/2019.
Bà Harris đã từ chối bình luận các thông tin về sự chậm trễ trong việc triển khai vaccine ở Liên minh châu Âu. Bà cho biết, không có dữ liệu cụ thể và ưu tiên của WHO là tất cả nhân viên y tế ở mọi quốc gia cần được tiêm chủng trong 100 ngày đầu tiên của năm.
Đến sáng 27/1, thế giới đã ghi nhận trên 100,6 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 2,16 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()