Quê hương luôn ở trong tim
Có một người Việt xa quê đã miệt mài ngày đêm sưu tầm tư liệu khẳng định chủ quyền của đất nước. Với ông, dù ở nơi đâu, làm gì thì Tổ quốc luôn ở trong tim.
Ông Trần Thắng (bên trái) trao tặng bản đồ Partie de la Cochinchine cho UBND huyện đảo Hoàng Sa. |
Đó là ông Trần Thắng, hiện là Chủ tịch Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ, người đã sưu tầm và tặng Đà Nẵng hơn 150 tấm bản đồ và 3 cuốn atlas quý hiếm, góp phần làm dày kho tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Kể về hành trình sưu tầm những tấm bản đồ quý hiếm này, ông Trần Thắng cho biết tuy là người yêu thích sưu tầm những đồ cổ Việt Nam từ thời xưa, nhưng bản thân chưa bao giờ sưu tầm bản đồ cổ. Cơ duyên nhen nhóm đến vào tháng 7/2012, trong một lần được tham dự buổi triển lãm tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà Thanh (Trung Quốc) ấn hành, hoàn toàn không có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, ông bắt đầu nảy ra ý tưởng sưu tầm những tấm bản đồ này để góp phần khẳng định chủ quyền cho đất nước.
Kể từ đó ông bước đầu hành trình tìm kiếm. Khi có thông tin nơi bán, ông tìm tận nơi để xem, chụp ảnh bản đồ, rồi gửi thông tin và hình ảnh về nước để nhờ chuyên gia trong lĩnh vực bản đồ, các nhà sử học chuyên nghiên cứu kiểm định.
Tính từ tháng 7/2012 đến nay ông đã cất công sưu tầm được 150 tấm bản đồ (gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản), 3 sách atlas quý, được in tại nhiều nơi trên thế giới, như Anh, Đức, Australia, Canada, Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc) trong giai đoạn 1626-1980. Toàn bộ chi phí sưu tầm (130.000 USD) do ông cùng người thân, bè bạn đóng góp.
Ông cho biết, kỷ niệm đáng nhớ nhất là dịp có thông tin về một nhà sưu tầm sách cổ ở New York đang rao bán tập atlas “Trung Hoa bưu chính dư đồ” do Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1933, không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Khi có thông tin, ông đã lái xe từ Connecticut về New York để tìm hiểu và hỏi mua tập atlas này, do giá cao, nhưng tiếc vì tài liệu quý, nếu không mua thì lỡ mất cơ hội, nên ông đã kêu gọi, vận động bạn bè quyên góp thêm tiền để mua bằng được tập atlas này.
Sau khi sưu tầm kho bản đồ, ông còn bỏ tiền của, công sức để sửa sang những tấm bản đồ hoàn chỉnh, tiến hành phân loại, viết chú thích cho từng tấm bản đồ, rồi mới mang những tư liệu quý này về tặng cho quê hương.
Mới đây nhất vào ngày 10/1, ông tiếp tục trở về trao tặng Đà Nẵng tấm bản đồ Partie de la Cochinchine do chính Hoàng đế Pháp Napoleon chỉ thị cho Viện trưởng Viện địa lý Hoàng gia Bỉ thực hiện năm 1827. Theo nhận định, đây là tấm bản đồ vô cùng quý giá góp phần cho việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.
Ông Trần Thắng cho biết: Để mang tính pháp lý và khách quan, tạo thành một mệnh đề đầy đủ, không phiến diện một chiều, ông không chỉ sưu tầm những bản đồ của Việt Nam khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà ông còn sưu tầm nhiều bản đồ của thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
“Việc dày công sưu tầm bản đồ và gửi tặng quê hương như một bản năng, trách nhiệm tự nhiên thôi. Mình là người con nước Việt Nam thì đi đâu, làm gì, tình yêu đất nước, Tổ quốc luôn ở trong tim mình”, ông Trần Thắng tâm sự.
Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng cho biết: Sắp tới khi bảo tàng Hoàng Sa tại TP. Đà Nẵng đi vào hoạt động, nơi đây sẽ trưng bày toàn bộ tư liệu, hiện vật liên quan đến chủ quyền về Hoàng Sa. Trong đó tập trung vào các vấn đề như Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam thời nhà Nguyễn; những tư liệu của Trung Quốc và phương Tây minh chứng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, chủ quyền Hoàng Sa trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược.
Những tư liệu quý hiếm ông Trần Thắng tặng đã góp phầm làm cho kho tư liệu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam càng dày hơn, giúp cho chúng ta có những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi, khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()