Quạt của Bác Hồ
- Chú tôi là thương binh nặng: hai mắt bị mù và mất một cánh tay phải. Chú bảo chú bị thương ở Điện Biên Phủ trong đợt tổng công kích đêm mồng 6, rạng ngày mồng 7/5/1954 ở đồi A1.
Điện Biên Phủ đại thắng, miền Bắc được giải phóng. Chú tôi được về an dưỡng ở phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng) Hà Nội, nơi dành cho thương binh mù. Hằng năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán hoặc ngày thương binh liệt sỹ là bố tôi lại về thăm chú.
Hồi còn nhỏ đôi ba lần tôi được bố cho cùng đi. Trong những lần đi ấy tôi nhớ nhất là chuyến đi vào dịp hè năm 1955. Bố tôi bảo năm nay tôi học giỏi, được xếp thứ nhất (lớp 2A trường huyện) nên thưởng cho một chuyến tham quan Thủ đô Hà Nội và về thăm chú tôi luôn.
Hôm ấy (tôi không nhớ ngày nữa) thời tiết Hà Nội nóng vô cùng. Ngồi trong phòng khách của nhà an dưỡng, mấy chiếc quạt máy chạy vù vù mà tôi vẫn cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Chẳng biết bố tôi nói với chú phụ trách ở đây thế nào mà ít phút sau bố con tôi được vào tận nơi chú nghỉ để thăm.
Cửa phòng mở ra. Tôi bước vào. Một luồng khí mát ùa tới. Sự chênh lệch rõ rệt giữa không khí ngoài trời và ở đây đến mức kỳ lạ. Mồ hôi trên áo tôi ít phút sau biến mất. Tôi cảm thấy mát mẻ và thoải mái vô cùng.
Biết bố con tôi đến chú mừng lắm. Chú ngồi dậy, hướng đôi mắt tật nguyền, lõm sâu nhìn vô định về phía chúng tôi. Một cánh tay cụt cũng đang cựa quậy dơ lên hạ xuống một cách khó nhọc.
Chú đưa bàn tay của cánh tay còn lại rờ rờ tìm tôi rồi kéo tôi sát lại gần chú với cử chỉ thật âu yếm. Tôi thấy trên đôi mắt bố tôi rớm lệ. Bố tôi nói chuyện với chú nhiều lắm. Qua bố tôi chú biết tôi ngoan ngoãn, học giỏi, chú khen và cúi xuống hôn tôi mấy cái.
Lựa lúc câu chuyện giữa bố tôi và chú tạm ngừng tôi tò mò hỏi tại sao phòng chú ở không thấy quạt điện đâu mà mát thế. Giây lát nét mặt chú nghiêm trang, rồi chú cười hiền lành, nói: “Phòng chú được mát là vì có cái quạt của Bác Hồ…”.
Sợ tôi không hiểu, ngừng một lát chú nói thêm vẻ xúc động: “Chiếc máy này là của Bác Hồ tặng đấy, mới lắp được mấy ngày nay thôi…”, chú chỉ nói có thế rồi lại ôm ghì tôi vào lòng. Thú thật tôi cũng chỉ hiểu lơ mơ, nhưng sợ chú mệt nên tôi không hỏi thêm chú nữa.
Vào những năm “Năm mươi”(1950) của thế kỷ trước ở thành phố lớn những người có máy điều hòa nhiệt độ còn rất hiếm. Huống chi ở vùng quê xa xôi như quê tôi, điện đóm không có thì máy điều hòa nhiệt độ lại càng xa lạ. Nghe chú tôi nói tôi chỉ hiểu một cách chung chung là, máy điều hòa nhiệt độ dùng trong nhà kín, khi trời nóng người ta có thể điều khiển cho nó làm giảm nhiệt độ xuống theo ý muốn để cho mát mẻ, dễ chịu… thế thôi.
“Quạt của Bác Hồ tặng…”, câu nói này của chú đã theo tôi trong ý nghĩ hết năm này sang năm khác tôi chưa được rõ.
Rồi tình cờ vào tháng 5/1970, nhân dịp Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam được đổi tên, mang tên Bác là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Các chi đoàn trong đơn vị tôi tổ chức đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề: “Sống chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
“Quạt của Bác Hồ tặng…”, câu nói này của chú đã theo tôi trong ý nghĩ hết năm này sang năm khác tôi chưa được rõ.
|
Một chiến sỹ trong buổi diễn đàn đã kể một câu chuyện về tấm lòng của Bác đối với thương binh thật cảm động. Câu chuyện đã kéo tôi trở về quá khứ…,làm cho tôi biết rõ hơn về lai lịch của cái máy điều hòa nhiệt độ ở nhà an dưỡng dành cho thương binh mù năm 1955 ở phố Hàng Bột mà khi còn sống chú tôi đã nói. Và tôi là người được chứng kiến, cũng là người đã có những giây phút được hưởng cái không khí mát dịu từ cái máy lạnh đó.
Chuyện như thế này: Năm 1954 miền Bắc được giải phóng, Bác Hồ và Chính phủ về lại Thủ đô. Tổ chức dự kiến bố trí cho Bác ở và làm việc tại Dinh toàn quyền Pháp (cũ) trên đường Hùng Vương, Bác không nghe. Rồi Bác chọn ở một ngôi nhà mái bằng cũ kỹ vốn là của một người thợ điện của chế độ cũ nay không có người ở.
Khi dọn vệ sinh và sửa sang lại căn nhà ai cũng lo ngại trần nhà thấp, vào mùa hè nóng nực sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của Bác. Nhưng tất cả mọi người đều biết khi quyết định một điều gì đó Bác thường cân nhắc kỹ, ít khi thay đổi mà phải làm theo đúng điều Bác dặn.
Sống giữa nơi phồn hoa đô thị như Hà Nội nhưng cuộc sống của Bác vẫn giản đơn như hồi ở chiến khu Việt Bắc. Mùa hè nóng nực Bác thường dùng quạt nan hoặc cái quạt bằng lá cọ từ trong vườn. Người không thích dùng quạt điện nên anh em trong cơ quan đang suy nghĩ tìm cách chống nóng để bảo vệ sức khỏe của Bác, thì các đồng chí ở Bộ ngoại giao đi công tác nước ngoài mang đến biếu Bác một chiếc máy lạnh.
Trong lúc Bác đang đi công tác xa chưa về nên không biết giải quyết ra sao. Cuối cùng mọi người đi đến thống nhất là gắn chiếc máy điều hòa nhiệt độ đó vào phòng Bác ở và giao cho đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) báo cáo lại với Bác sau.
Thế là chiếc máy điều hòa nhiệt độ được khẩn trương lắp vào phòng ở của Bác. Khi đóng cầu dao điện được vài phút thì nhiệt độ trong phòng mát dịu, mọi người lại ngửi thấy thoang thoảng mùi thơm của hương nhụy hoa lan, hoa hồng phảng phất. Người công nhân thợ máy giải thích: đó là nước hoa đặt trong hệ thống tự động của máy điều hòa.
Hôm sau Bác đi công tác về, đúng vào trưa hè, nhiệt độ cao, ngoài vườn cây cối đứng lặng không một làn gió. Bác vừa bước vào phòng thì dừng lại hỏi: “Các chú, hôm nay nhà mình có mùi gì lạ quá”. Không ai dám trả lời, tất cả đứng nhìn đồng chí Vũ Kỳ chờ đợi.
Đến lúc này thì đồng chí Vũ Kỳ mới xin lỗi Bác và báo cáo lại công việc gắn máy lạnh vào phòng để giữ gìn sức khỏe của Bác. Nghe xong Bác không nói gì, mọi người đều mừng và thở phào nhẹ nhõm và tin là Bác sẽ đồng ý.
Nhưng đến đầu giờ làm việc buổi chiều Bác gọi đồng chí Vũ Kỳ lại và nhẹ nhàng bảo: “Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy. Theo Bác chú nên báo cáo lại với văn phòng gỡ chiếc máy đó ra mang tặng nhà an dưỡng của các chú thương binh bị mù ở phố Hàng Bột, vì hôm Bác đến thấy ở đó chật chội, thời tiết hè này chắc các chú ấy nóng lắm”. Mặc dù cơ quan văn phòng đã đề nghị Bác nên sử dụng chiếc máy này nhưng Bác vẫn không thay đổi ý kiến.
Nghĩa cử cao đẹp đó của Bác giờ đây vẫn đọng lại trong ta bài học về “Uống nước nhớ nguồn” đối với thương binh nói riêng và những người có công với nước nói chung.
Ý kiến ()