Quanh chuyện công bằng
Nhiều hạn chế, bất cập
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), sự ra đời và phát triển của giáo dục ĐH NCL đã tạo ra mô hình mới về quản trị ĐH, là nhân tố góp phần tạo sự cạnh tranh và động lực giữa các cơ sở giáo dục ĐH nói chung. Khi mới thành lập, các trường ĐH, CĐ NCL chủ yếu tập trung đào tạo các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng là những ngành ít phải đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành. Tuy nhiên, đến nay, nhiều trường đã chuyển hướng đào tạo nhân lực các ngành theo nhu cầu xã hội, thuộc nhóm kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành. Theo thống kê, năm học 2012-2013, số ngành, chuyên ngành đào tạo khối kỹ thuật, công nghệ chiếm 37% tổng số ngành, chuyên ngành đào tạo của các trường ĐH, CĐ NCL.
Một số trường có nhiều chính sách phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu đông đảo. Điển hình như Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) có 840 giảng viên cơ hữu (20 GS, PGS; 44 TS và 389 thạc sĩ…), Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh có 627 giảng viên cơ hữu (15 GS, PGS; 144 TS; 349 thạc sĩ…).
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển cho thấy, số lượng và quy mô đào tạo của các trường ĐH, CĐ NCL tăng nhanh nhưng điều kiện bảo đảm chất lượng chưa tương xứng. Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga: Vừa qua, Bộ GD và ĐT đã dừng tuyển sinh 42 ngành của 20 trường ĐH NCL do không bảo đảm điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu. Tình trạng giảng viên cơ hữu “ảo” còn xảy ra ở nhiều trường ĐH, CĐ NCL.
Đáng chú ý, một số trường ĐH, CĐ NCL để xảy ra mâu thuẫn nội bộ kéo dài ảnh hưởng đến môi trường sư phạm cũng như uy tín của các trường. Nhiều trường vi phạm quy chế tuyển sinh, đào tạo như tuyển số lượng sinh viên vượt quá so với năng lực đào tạo, sai đối tượng. Nhiều trường không thực hiện đúng như cam kết khi thành lập… Đến nay, cả nước vẫn còn 15 trường ĐH, CĐ chưa tiến hành xây dựng tại địa điểm đã đăng ký (trường ĐH: Hòa Bình, Quốc tế Bắc Hà, Công nghệ và Thông tin Gia Định…) hoặc có đất nhưng đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị hạn chế, dạy học cầm chừng (trường ĐH: Tài chính Ngân hàng Hà Nội; Công nghệ và quản lý Hữu nghị…).
Bảo đảm công bằng
Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân (Huế) Nguyễn Đình Ngộ cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế của trường NCL hiện nay do việc các cấp quản lý và xã hội coi trường như một doanh nghiệp. Nếu đã coi trường như một doanh nghiệp thì có những trường chạy theo đồng tiền, bất chấp yêu cầu bảo đảm mục tiêu, chất lượng giáo dục. Vì vậy, trong quản lý, cần xác định nếu xem trường là một doanh nghiệp thì phải là một doanh nghiệp rất đặc biệt. Mặt khác, việc một số địa phương công khai không tuyển dụng sinh viên trường NCL; Nhà nước có cơ chế chính sách cho vay ưu đãi đối với trường NCL nhưng thực tế, Trường ĐH Phú Xuân không thể vay được tiền để đầu tư cơ sở vật chất cũng chính là những “rào cản” cho thấy sự thiếu công bằng đối với hoạt động của trường ĐH, CĐ NCL hiện nay.
Từ thực tiễn hoạt động của trường mình, GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng cho biết, nhà trường đã có 17 năm xây dựng và phát triển, là một trong 20 trường đầu tiên được kiểm định chất lượng và tham gia đánh giá độc lập, được xếp vào tốp 100 trường ĐH hàng đầu của Việt Nam, nhưng những năm gần đây lại tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Nếu cứ theo quan niệm của cơ quan quản lý cho rằng, các trường NCL không đủ uy tín cho nên không có sinh viên theo học là không thỏa đáng mà còn có nguyên nhân từ một số cơ chế thiếu công bằng. Thí dụ, khi tuyển sinh đầu vào điểm sàn như nhau, điều kiện vào ĐH như nhau nhưng khi vào trường ĐH, CĐ NCL, sinh viên phải chịu mọi chi phí đào tạo, do vậy bao giờ người học cũng chọn trường công lập (CL). Mặt khác, nhà tuyển dụng nói chung và một số cơ quan quản lý nhà nước nói riêng chỉ tuyển dụng dựa vào địa chỉ nơi đào tạo, thấy trường NCL là từ chối mà không căn cứ trên cơ sở năng lực người dự tuyển cũng gây nên những “tiếng xấu” cho trường ĐH, CĐ NCL. “Nếu không giải quyết vấn đề nói trên thì làm sao có thể bảo đảm công bằng cho trường ĐH, CĐ NCL phát triển được?” -GS Trần Hữu Nghị chia sẻ.
Thừa nhận những bất cập từ công tác quản lý, Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trường ĐH, CĐ NCL là mô hình mới ở nước ta cho nên trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách còn lúng túng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chậm điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Bộ GD và ĐT chưa thông tin đầy đủ về chất lượng đào tạo, điều kiện bảo đảm chất lượng… làm cho người học và xã hội khó nhận diện và đánh giá về trường NCL. Bộ GD và ĐT sẽ thực hiện phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH theo quy định, không phân biệt CL hay NCL; bảo đảm bình đẳng, công khai, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng đào tạo giữa trường CL và NCL.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Nhiều hoạt động trong lĩnh vực giáo dục công lập chưa thể làm được ngay thì lĩnh vực NCL có thể làm được. Sự ra đời của giáo dục ĐH NCL góp phần thúc đẩy giáo dục ĐH CL đổi mới.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề chưa thật sự công bằng đối với giáo dục ĐH NCL. Vì vậy, trong quản lý giáo dục ĐH cần thực hiện triệt để nguyên tắc bảo đảm công bằng từ chính sách nhỏ nhất đến chính sách vĩ mô. Thí dụ khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thay vì đơn thuần tăng số lượng cho các trường ĐH, CĐ CL có thể khuyến khích hợp tác giữa trường công lập và NCL sẽ tạo điều kiện cho trường NCL phát triển. Bộ GD và ĐT cần tập hợp các kiến nghị, tập trung hướng dẫn, tháo gỡ cho các trường ĐH, CĐ NCL. Đặc biệt, cần rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách đối với sinh viên, nếu còn những gì bất bình đẳng trong quá trình học tập phải giải quyết ngay. Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để bảo đảm công bằng, bình đẳng thật sự, Bộ GD và ĐTcùng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cần nghiên cứu thay vì có Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL bằng việc thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ. Từ đó bảo đảm các trường cùng một “sân chơi” và các hoạt động tổ chức kiểm định, phân tầng, đánh giá chất lượng là vai trò hiệp hội chứ Bộ GD và ĐT không nhất thiết phải làm.
★Cả nước có 90 trường ĐH, CĐ NCL (gồm 61 trường ĐH, 29 trường CĐ), chiếm 22% tổng số trường ĐH, CĐ. ★Các trường ĐH, CĐ NCL đào tạo 1.143 ngành, chuyên ngành. Trong đó, có 522 ngành trình độ CĐ, 582 ngành trình độ ĐH, 36 ngành, chuyên ngành trình độ thạc sĩ và ba chuyên ngành trình độ tiến sĩ. ★Quy mô đào tạo chính quy trường ĐH, CĐ NCL năm 2000 là 100.136 sinh viên, đến năm 2013 tăng lên 314.054 sinh viên, bằng 14,4% tổng số sinh viên. |
Ý kiến ()