Quang Trung: Triển vọng phát triển kinh tế từ nuôi ong mật
– Quang Trung là xã vùng ba còn nhiều khó khăn của huyện Bình Gia. Những năm gần đây, với lợi thế có nhiều loại hoa rừng, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Đến nay, mô hình nuôi ong mật bước đầu đã đem lại hiệu quả, mở ra triển vọng trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã.
Những ngày đầu tháng 4/2023, cùng cán bộ xã Quang Trung, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong mật của gia đình ông Vi Văn Hiệu, thôn Nà Ngần, đây là một trong những hộ có thâm niên nuôi ong nhiều năm trên địa bàn xã. Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nuôi vong, ông Hiệu cho biết: Khoảng 20 năm trước, tôi đã bắt đầu nuôi ong mật, nhưng số lượng ít, chỉ nuôi 1 – 2 đàn lấy mật phục vụ nhu cầu của gia đình. Từ năm 2020 trở lại đây, do nhu cầu của thị trường, gia đình tôi đã mở rộng quy mô, tăng đàn. Hiện, gia đình tôi nuôi duy trì ổn định khoảng 20 đàn ong, trung bình thu được 80 – 100 lít mật/năm, nhờ đó, mỗi năm, tôi có thêm thu nhập 40 đến 60 triệu đồng. Thời gian tới, tôi dự kiến sẽ nhân thêm đàn, tập trung phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
Người dân thôn Kéo Giểng, xã Quang Trung kiểm tra chất lượng đàn ong
Không chỉ gia đình ông Hiệu, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã phát triển mô hình nuôi ong mật, trong đó, tập trung nhiều tại các thôn như: Kéo Giểng, Nà Tồng, Nà Trang, Nà Ngần, Bản Chang.
Từ năm 2020 đến nay, nhận thấy việc nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu hoa sim sẵn có nên nhiều hộ dân mạnh dạn phát triển mô hình. Đến nay, toàn xã có gần 80 hộ nuôi ong với trên 500 đàn ong, hộ nuôi ít có 4 – 6 đàn ong, hộ nuôi nhiều từ 20 đến 25 đàn. Bình quân một đàn ong cho thu hoạch từ 3 – 5 lít mật/năm, nhờ chất lượng mật ngon, khách hàng tìm đến tận nơi mua với giá 350 đến 400 nghìn đồng/lít. Đây cũng là xã có số lượng đàn ong lớn nhất trên địa bàn huyện.
Bên cạnh sự chủ động của người dân, từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức 2 – 4 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cũng như định hướng phát triển nghề nuôi ong mật cho các hộ dân. Đáng chú ý, năm 2022, UBND xã đã vận động, thành lập tổ hợp tác nuôi ong lấy mật. Ông Triệu Văn Bao, thôn Kéo Giểng, Tổ tưởng Tổ hợp tác nuôi ong mật cho biết: Tổ hợp tác được thành lập từ năm 2022, với 37 thành viên. Tổ hợp tác thành lập nhằm vận động nông dân trên địa bàn tham gia nuôi ong, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao trình độ nuôi ong cho các thành viên. Theo đó, tổ hợp tác đăng ký nhãn hiệu sản phẩm “mật ong hoa sim” có bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ mở rộng không chỉ phục vụ khách trong huyện mà còn được khách hàng ở các tỉnh, thành khác tìm mua và sử dụng như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang…
Ông Lương Đình Chuyên, Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết: Xã Quang Trung có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển mô hình nuôi ong mật, từ mô hình này đã giúp nhiều hộ có thêm thu nhập từ 40 đến 60 triệu đồng/năm, góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân.
Khác với các loại mật ong khác trên thị trường, mật ong hoa sim mang hương vị ngọt thanh, thơm bùi, mang nét độc đáo riêng biệt của loại hoa rừng Xứ Lạng. Năm 2022, sản phẩm mật ong hoa sim của tổ hợp tác nuôi ong lấy mật xã Quang Trung được huyện lựa chọn để xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), đến nay, sản phẩm đã gửi tới Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh chờ chấm điểm sản phẩm theo các tiêu chí quy định.
Có thể thấy, nghề nuôi ong mật trên địa bàn xã Quang Trung đã và đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới, bước đầu giúp người dân có thêm thu nhập, vươn lên phát triển kinh tế. Thời gian tới, UBND xã và các cơ quan chuyên môn của huyện tiếp tục tăng cường đẩy mạnh quảng bá sản phẩm mật ong hoa sim trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và hỗ trợ quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại và các gian hàng trưng bày trong và ngoài tỉnh.
Ý kiến ()