Quang Trung: Hiệu quả từ việc xây dựng quy chế tự quản trong dòng họ
(LSO) – Việc xây dựng quy chế tự quản và thành lập các ban trong dòng họ trên địa bàn xã Quang Trung, huyện Bình Gia đã góp phần tích cực trong giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng. Từ đó giúp cho việc triển khai các chính sách của Nhà nước thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn xã.
Quang Trung là xã vùng III, là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia. Toàn xã có trên 3.300 nhân khẩu với 714 hộ thuộc 17 dòng họ sinh sống tại 11 thôn.
Trước đây, trên địa bàn xã Quang Trung xảy ra một số vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn giữa một số dòng họ với nhau và mâu thuẫn nội bộ dòng họ khiến việc huy động sự hưởng ứng của người dân vào thực hiện một số nhiệm vụ như: xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông, kéo điện lưới… không được sự đồng thuận cao, từ đó ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của xã. Theo thống kê của Công an xã Quang Trung, chỉ tính riêng trong năm 2015 và 2016, đã có 31 vụ mâu thuẫn nội bộ cũng như giữa các dòng họ với nhau liên quan đến lĩnh vực đất đai, phân chia tài sản, hôn nhân – gia đình…
Bà con dòng họ Hứa, họ Hoàng tham gia làm tuyến đường Quang Trung – Hồng Phong . Ảnh: Công Quân
Xác định những “nút thắt” của vấn đề, năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã bàn, thống nhất ban hành Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo, chỉ đạo việc phối hợp xây dựng tổ chức thực hiện quy chế tự quản của dòng họ. Để triển khai nghị quyết chuyên đề này, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các đoàn thể chính trị – xã hội phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền vận động đến người có uy tín, trưởng các dòng họ.
Với sự quyết tâm của Đảng bộ xã, từ năm 2017 đến nay, 6/17 dòng họ đã thành lập được ban tự quản, ban đại diện trong dòng họ. Ông Lý Văn Trường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với việc xây dựng quy chế, thành lập các ban trong dòng họ, khi có việc thôn, việc xã, đại diện các dòng họ đã bàn, thống nhất cách làm, mức đóng góp. Điển hình như năm 2017, khi triển khai dự án xây dựng tuyến đường Quang Trung – Hồng Phong, đại diện các dòng họ ở các thôn có tuyến đường đi qua đã tổ chức họp, vận động gia đình, bà con họ hàng hiến hơn 10 nghìn mét vuông đất, góp vận liệu và góp ngày công lao động để tổ chức làm đường. Từ đó đến nay, dự án có chiều dài hơn 13 km đã cơ bản hoàn thành. Ngoài dự án này, để đưa điện lưới quốc gia đến các thôn, nhất là các thôn đặc biệt khó khăn, một số dòng họ đã vận động các hộ dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng mua dây, làm cột để đưa điện về thôn Bản Chang, Bản Quần…
Ông Hứa Quan Ba, trưởng dòng họ Hứa, thôn Nà Cao, xã Quang Trung cho biết: Thông qua sự suy tôn của các hộ trong dòng họ, ban tự quản, ban đại diện dòng họ được thành lập đã đóng vai trò trọng tài, giải quyết, hòa giải mẫu thuẫn nảy sinh, đặc biệt là đóng vai trò “sứ giả” để huy động, triển khai các việc trong thôn, trong xã.
Quang Trung là xã còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác xây dựng nông thôn mới, vì vậy, trong thời gian tới, các dòng họ còn lại sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành quy chế tự quản. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ dân trong thôn, trong dòng họ tự nguyện hưởng ứng tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()