Quảng Trị : Nông dân điêu đứng vì dịch bệnh
Nông dân huyện Hải Lăng ra đồng diệt chuột. - Do thời tiết mưa nắng thất thường, dịch bệnh “kép” (cùng xảy ra trên cây lúa và đàn lợn) nên người dân đang gặp khó khăn trong công tác phòng, chống, nhất là về kinh phí mua thuốc đặc hiệu diệt chuột và trị bệnh trên đàn lợn.Chuột tàn phá lúa đông xuân diện rộngNhững ngày này, về các vùng quê như Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ, nơi đâu cũng nghe người dân hết sức ca thán về sự hoành hành của chuột trên ruộng lúa đông xuân. Những thửa ruộng lúa xanh mơn mởn bị chuột phá nát; bờ ruộng ngăn nước bị chuột đào hang dày đặc, nước thấm vào hang chảy về chân ruộng thấp, làm những chân ruộng cao không còn giữ được nước.Mải miết đào hang bắt chuột trên bờ ruộng lúa bị chuột phá tan hoang, nông dân Nguyễn Tân, ở thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong xót xa nói: “Không biết năm nay chuột đâu ra mà nhiều thế. Chúng ăn chẳng bao nhiêu mà phá thì quá nhiều”.Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát...
Nông dân huyện Hải Lăng ra đồng diệt chuột. |
– Do thời tiết mưa nắng thất thường, dịch bệnh “kép” (cùng xảy ra trên cây lúa và đàn lợn) nên người dân đang gặp khó khăn trong công tác phòng, chống, nhất là về kinh phí mua thuốc đặc hiệu diệt chuột và trị bệnh trên đàn lợn.
Chuột tàn phá lúa đông xuân diện rộng
Những ngày này, về các vùng quê như Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ, nơi đâu cũng nghe người dân hết sức ca thán về sự hoành hành của chuột trên ruộng lúa đông xuân. Những thửa ruộng lúa xanh mơn mởn bị chuột phá nát; bờ ruộng ngăn nước bị chuột đào hang dày đặc, nước thấm vào hang chảy về chân ruộng thấp, làm những chân ruộng cao không còn giữ được nước.
Mải miết đào hang bắt chuột trên bờ ruộng lúa bị chuột phá tan hoang, nông dân Nguyễn Tân, ở thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong xót xa nói: “Không biết năm nay chuột đâu ra mà nhiều thế. Chúng ăn chẳng bao nhiêu mà phá thì quá nhiều”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong Trương Quang Hùng cho hay, trên địa bàn có hơn 650 ha lúa bị chuột tàn phá, tập trung ở xã Triệu Đại, Triệu Hòa, Triệu Long và Triệu Trạch… Mặc dù huyện đã đẩy mạnh công tác diệt chuột và tiến hành gieo lại diện tích lúa đông xuân nhưng người nông dân không khỏi lo lắng vì nếu không có giải pháp tận diệt chuột, thời điểm khi lúa trổ đòng chuột sẽ quay trở lại cắn phá thì xem như mất trắng vụ đông xuân do gieo lại không kịp thời vụ.
Đến xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, chúng tôi được Phó Chủ tịch UBND xã Hải Tân Bùi Văn Giang cho biết: Cả xã có 470 ha lúa nhưng ha nào cũng bị chuột phá, thửa ít nhất vài m2, có thửa chuột phá tan hoang phải gieo lại hoàn toàn. Chuột nhiều tới mức bà con ra đồng bắt bằng tay một cách thủ công cũng được vài chục con một buổi.
Nhiều xã khác thuộc huyện vùng trũng Hải Lăng như Hải Dương, Hải Hòa, Hải Chánh, Hải Thiện…chuột cũng tàn phá lúa đông xuân rộng khắp.
Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 2.500 ha lúa đông xuân ở các địa phương bị chuột phá hoại, trong đó hơn 1.700 ha bị hại nặng, tỷ lệ gây hại phổ biến 20%, nơi cao 40-80% (gấp 10 -15 lần so với các năm trước). Các địa phương có diện tích lúa bị chuột phá hoại nặng là huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Cam Lộ và thành phố Đông Hà. Đến nay, các địa phương đã tiến hành gieo lại hơn 200 ha lúa và tỉa dặm những diện tích lúa bị chuột gây hại.
Bên cạnh, chủ động gieo lại diện tích lúa để kịp thời vụ, các địa phương đẩy mạnh diệt chuột bằng nhiều hình thức như bẫy, chó săn, đào bắt, bơm nước vào hang…Một số địa phương đã trích ngân sách thu mua đuôi chuột với giá 1.000-3.000 đồng/đuôi để khuyến khích người dân diệt chuột bảo vệ lúa đông xuân, Đến nay, toàn tỉnh diệt hơn 120 nghìn con chuột. Hiện nay, các địa phương ở tỉnh Quảng Trị đang chỉ đạo nông dân diệt chuột bảo vệ mùa màng và thường xuyên thăm đồng phát hiện các loại sâu bệnh gây hại để sớm có biện pháp phòng trừ, đảm bảo vụ mùa đông xuân thắng lợi.
Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết: Tình hình chuột phá hoại lúa đông xuân diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là vào thời điểm cây lúa đẻ nhánh làm đòng. Ngành nông nghiệp đề nghị tỉnh Quảng Trị cấp thêm kinh phí hỗ trợ các địa phương triển khai các biện pháp diệt chuột có hiệu quả.
Để giúp nông dân diệt chuột bảo vệ mùa màng, tỉnh Quảng Trị phát động phong trào diệt chuột trong toàn dân và huy động các cơ quan, đơn vị và tổ chức, đoàn thể ở địa phương cùng tham gia. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa cung ứng cho nông dân hơn 14,5 tấn thuốc diệt chuột, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thuốc diệt chuột sinh học 11 tấn và thuốc diệt chuột hóa học hơn 3,5 tấn.
Dịch lợn tai xanh bùng phát
Tiêu hủy lợn mắc bệnh tai xanh ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong.
Đến nay, ở tỉnh Quảng Trị xuất hiện bốn ổ dịch lợn tai xanh tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hướng Hóa, với tổng số lợn mắc bệnh hơn 700 con, chết và tiêu hủy hơn 120 con. Ổ dịch lợn đầu tiên được phát hiện trên đàn lợn ở khóm 1, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh và thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, với 188 con bị bệnh, 84 con chết. Do điều kiện vệ sinh thú y trong chăn nuôi kém, cộng với tính chất lây lan rất nhanh của dịch bệnh nên nếu công tác phòng, chống không được thực hiện tốt thì dịch bệnh dễ tiếp tục lây lan sang nhiều địa phương khác.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị Lê Thị Nga cho biết: Qua điều tra, nguyên nhân dịch được xác định là do các hộ chăn nuôi mua lợn giống không rõ nguồn gốc và không qua kiểm soát về nuôi bị phát bệnh, chết và lây lan cho lợn đang nuôi trong gia đình. Khi lợn phát bệnh, người dân không báo cho cán bộ thú y cấp thôn, xã mà tự chữa trị, dẫn đến dịch bệnh lây lan và phát sinh ở nhiều địa phương khác…Hiện nay, ngoài công tác phòng chống dịch lợn tai xanh, ngành thú y tỉnh đang triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Bà Nga cho biết thêm, đàn vịt đẻ hơn 500 con, của gia đình ông Lê Hiến, ở khu phố Trung Chỉ, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà có triệu chứng sốt, tiêu chảy, bại liệt, bỏ ăn và chết hàng loạt nên địa phương đã tổ chức tiêu hủy.
Ngày 23-2, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 265/QĐ-UBND công bố dịch tai xanh trên đàn lợn và có công văn hỏa tốc gửi các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch tai xanh trên đàn lợn.
Khẩn trương dập dịch, tiêu độc khử trùng trong vùng dịch.
Ngành thú y tỉnh Quảng Trị đã cấp hơn 18.600 liều vắc xin tiêm phòng cho đàn lợn tại các ổ dịch và vùng có nguy cơ phát triển dịch bệnh cao thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hướng Hoá… Đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.000 con lợn tại các địa phương được tiêm phòng dịch tai xanh. Quảng Trị vận động người dân tự giác thực hiện “5 không”: không giấu bệnh, không mua lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh, không bán chạy lợn mắc bệnh, không tự vận chuyển lợn mắc bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt xác lợn bừa bãi…
Ngoài chỉ đạo nỗ lực dập dịch lợn tai xanh ở các địa phương, tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho tỉnh 30.000 liều vắc xin phòng bệnh tai xanh và 20.000 lít hoá chất sát trùng để chủ động trong công tác phòng chống dịch hiện nay…
Theo Nhandan
Ý kiến ()