Quảng Trị: Một dòng sông, một khát vọng thống nhất đất nước
Tháng 7/1954, khi hiệp định Genève được ký kết, đất nước tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17 nơi dòng sông Bến Hải. Cầu Hiền Lương với vị trí bắc qua đôi bờ cũng trở thành “điểm nối” hai nửa non sông.
Có một đoạn sông chỉ rộng gần 100m mà một dân tộc phải đi hơn 20 năm mới tới bờ. Có một cây cầu không đắp thành xây lũy mà lại là hàng rào vô hình chia cắt hàng triệu gia đình Việt Nam. Đó là sông Bến Hải, là cầu Hiền Lương, là khúc ca bi tráng về khát vọng thống nhất non sông, mà hàng triệu con người Việt Nam sẵn sàng hy sinh xương máu để viết nên ngày độc lập.
Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, sông Bến Hải chảy dọc theo vĩ tuyến 17, qua địa phận huyện Vĩnh Linh và Gio Linh tỉnh Quảng Trị rồi đổ ra Biển Đông ở Cửa Tùng.
Tháng 7/1954, khi hiệp định Genève được ký kết, đất nước tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17 nơi dòng sông Bến Hải. Cầu Hiền Lương với vị trí bắc qua đôi bờ cũng trở thành “điểm nối” hai nửa non sông.
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải gồm 7 nhịp, dài 178m. Theo Hiệp định, mỗi bên nhận 89m cầu. Cuộc phân ly tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng thực tế, nó đã kéo dài tới 21 năm. Trong mấy chục năm đó, không mảnh đất nào chịu đựng nhiều đau thương như ở Bến Hải, Hiền Lương. Đó là sự cách trở, ngóng trông, sự chia ly và nỗi đau mất mát…
“Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ/Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa.”
Dòng sông Bến Hải bên nhớ, bên thương trở thành mảnh đất oằn mình chịu bom đạn quân thù. Đồn bốt được kẻ thù dựng lên bằng sắt thép, lưỡi lê, bằng xe tăng đại bác, nhưng không có sức mạnh nào khuất phục được lòng quả cảm, trí thông minh và niềm tin son sắt vào chân lý nhất định sẽ chiến thắng của nhân dân đôi bờ Bến Hải.
Nhà điện ảnh Thụy Điển Giôrít Iven khi được chứng kiến đã phải thốt lên: “Vĩ tuyến 17 là nơi “trưng bày” sự man rợ đến tột cùng của đế quốc Mỹ và lòng dũng cảm đến mức thần thánh của nhân dân Việt Nam.”
Những năm 1954-1964, Hiền Lương được chia là khu vực phi quân sự, nhưng thực tế, đây lại là tâm điểm của cuộc chiến không kém phần khốc liệt về lý trí, tâm lý, tư tưởng và cả sinh mạng. Cuộc đọ sức không tiếng súng với những hình thức đấu tranh đặc thù, có một không hai, như đấu cờ, đấu loa nhưng rồi, phần thắng vẫn luôn thuộc về chính nghĩa.
Giữa cầu Hiền Lương có một vạch trắng kẻ ngang được dùng làm ranh giới. Để tạo nên hình ảnh chia cắt đất nước ta, chính quyền Sài Gòn chủ động sơn một nửa cầu phía Nam thành màu xanh, nhưng với ý nguyện “thống nhất non sông” ta liền sơn màu xanh cho nửa cầu còn lại. Sau chúng chuyển sang màu nâu, ta cũng sơn lại màu nâu. Cứ như thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc, hễ chúng sơn khác đi để tạo ra hai màu đối lập, thì ngay lập tức ta lại sơn lại cho giống. Cây cầu không thể chia đôi. Cuối cùng, vào năm 1975, toàn bộ cầu được sơn chung một màu xanh hòa bình, thống nhất.
Một huyền thoại có thật khác, là cuộc đấu cờ giữa ta và địch. Quy định của Hiệp định, các đồn cảnh sát giới tuyến phải treo cờ và địch khiêu khích ta bằng cách dựng một cột cờ 15 m, cao hơn của ta. Theo yêu cầu của nhân dân giới tuyến, ta dựng lên cột cờ cao 18m, và cứ thế, cuộc đấu cờ diễn ra quyết liệt.
Cho đến năm 1962, khi Ngô Đình Diệm cho dựng một trụ cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m tại bờ Nam, thì quân và dân ta lại xây cột cờ mới cao 38,6m với lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg. Và đây là cột cờ cao nhất khu vực giới tuyến.
Cũng từ đó, suốt 20 năm tranh đấu, mọi tầm ngắm của đạn pháo địch đều hướng về ngọn cờ ở bờ Bắc sông Bến Hải. Để cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trên kỳ đài Hiền Lương, giữ vững biểu tượng sức mạnh chiến thắng của dân tộc, quân và dân ta đã đánh trên 300 trận lớn nhỏ với không ít hy sinh.
Nhiều tấm gương giữ cờ khiến bất cứ ai cũng phải cảm phục, như mẹ Nguyễn Thị Diệm, dù tuổi già sức yếu nhưng không đi sơ tán, kiên quyết ở lại vá cờ. Không bao giờ lá cờ đỏ sao vàng vắng bóng trên cột cờ Hiền Lương.
Ngoài đấu cờ, còn là cuộc chiến âm thanh-đấu loa giữa ta và địch. Để vạch trần âm mưu xâm lược đất nước ta của chính quyền Mỹ-ngụy và động viên, tiếp sức cho nhân dân miền Nam vững bước đấu tranh, chúng ta đã xây dựng một hệ thống âm thanh quy mô lớn và hiện đại. Tổng công suất giàn loa trên bờ Bắc Hiền Lương là 180.000 W, riêng khu vực cầu Hiền Lương 7.000W.
Cùng với những chương trình phát thanh phong phú, đa dạng, hệ thống loa này đã thực sự lấn át giàn loa bờ Nam của chính quyền Mỹ-ngụy. Hệ thống loa phát thanh đã góp phần giữ trọn niềm tin của nhân dân vào Đảng và Bác Hồ, vào một ngày thống nhất đất nước.
Ngày nay, bên dòng sông Bến Hải hiền hòa, cách không xa cây cầu Hiền Lương lịch sử là “Khu di tích đôi bờ Hiền Lương” đã được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia. Đôi loa công suất lớn được sử dụng trong cuộc đọ loa với địch, nay nằm đây như một chứng nhân của lịch sử, góp tiếng nói của mình trong hành trình “con đường di sản miền Trung,” đưa du khách trong và ngoài nước hoài niệm về một thời hoa lửa đau thương mà kiêu hùng.
Trong những đổi thay của đất nước, cuộc sống ở đôi bờ Hiền Lương cũng từng ngày thay da đổi thịt. Dọc bờ sông Bến Hải là những vùng thâm canh cây lúa, cây nông nghiệp chất lượng cao. Ngược lên vùng gò đồi phía thượng nguồn Bến Hải là những nông trường cao su, hồ tiêu xanh mướt.
Vĩnh Linh, Bến Hải hôm nay đang tiếp tục những trang sử mới, trong một tâm thế mới, khi những cây cầu được sinh ra đúng với bản chất của chúng: không phải để chia cắt, mà để nối những bờ vui, kéo dài hạnh phúc và thống nhất một dải non sông Việt Nam đẹp tươi, hòa bình.
Một dòng sông, một khát vọng độc lập và thống nhất đất nước. Khát vọng ấy đã phải trả bằng cái giá của hơn 20 năm trường kỳ kháng chiến. Và ngày hôm nay, chín hòn đá tảng từ quần đảo Trường Sa cũng được đưa về chân cột cờ Hiền Lương này như lời thề khẳng định độc lập và toàn vẹn lãnh thổ mãi mãi là chân lý không bao giờ thay đổi./.
Ý kiến ()