Hỗ trợ doanh nghiệp
Nhờ triển khai sớm kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết cho nên đến thời điểm này, hàng Tết đã đến với người dân với giá ổn định, mẫu mã đa dạng, chất lượng bảo đảm. Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết, Siêu thị Co.opmart Đông Hà đã dự trữ nguồn hàng, với tổng trị giá hơn 30 tỷ đồng. Từ thời điểm này đến hết ngày 6-2, siêu thị đồng loạt giảm giá 50% cho các sản phẩm, như: đồ dùng gia đình, hàng thời trang, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống… Đặc biệt, giảm giá mạnh cho hơn 300 sản phẩm đồ dùng gia đình và chất tẩy rửa giúp các gia đình trang trí nhà cửa đón năm mới. Siêu thị còn dành tặng 2.000 phiếu giảm giá 150.000 đồng cho khách hàng và triển khai chương trình “Tích điểm chào xuân”. Các sản phẩm bánh kẹo, đồ uống, lạp xưởng, giò chả… đã có các mẫu bao bì chủ đề mùa xuân và được siêu thị trưng bày theo những khu vực riêng với giá cả hợp lý…
Tỉnh Quảng Trị trích ngân sách hàng chục tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn mua hàng dự trữ thực hiện bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016. Theo đó, các doanh nghiệp phải bình ổn giá các mặt hàng trong thời gian trước và sau Tết, bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân các địa phương trong tỉnh, nhất là đồng bào miền núi, vùng sâu và vùng xa. Các mặt hàng bình ổn, gồm: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ và một số mặt hàng thiết yếu khác. Các doanh nghiệp thương mại, như: Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty Cổ phần thương mại Hiền Lương, Công ty TNHH thương mại Dịch vụ Sài Gòn – Đông Hà tổ chức đưa các mặt hàng thiết yếu đến các điểm bán hàng ở các vùng quê, vùng núi cao phục vụ nhân dân mua sắm. Để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, hàng hóa của các công ty bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ yếu là các mặt hàng do trong nước và địa phương sản xuất, có nhãn mác rõ ràng theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương tiếp tục động viên các doanh nghiệp tham gia tốt các đợt bán hàng bình ổn giá và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đó, các doanh nghiệp có nhiệm vụ cung cấp nguồn hàng có chất lượng cao, có thương hiệu do trong nước sản xuất, giá cả hợp lý; quan tâm việc tổ chức bán hàng tại địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, kết hợp với các chương trình quảng bá, khuyến mại, chăm sóc khách hàng… Ngoài ra, Chi cục Quản lý thị trường tăng cường lực lượng trực 24/24 giờ tại các địa bàn, thường xuyên nắm bắt và dự báo tình hình thị trường, nắm diễn biến giá cả, lượng cung cầu hàng hóa, lượng hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống; kịp thời báo các cơ quan chức năng xử lý.
Đưa hàng bình ổn giá lên miền núi
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị Hồ Xuân Hiếu cho biết: Công ty tập trung đầy đủ các mặt hàng bình ổn giá, bán bằng hai hình thức là lưu động và cố định. Hệ thống bán hàng lưu động đưa hàng Tết về địa bàn 18 xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, với hơn 250 mặt hàng các loại. Các mặt hàng phục vụ người dân rất phong phú, đa dạng, chủ yếu là hàng nhu yếu phẩm, hàng phục vụ Tết và hàng bình ổn giá, như: gạo, muối, dầu ăn… Đó là những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, hạn sử dụng. Giá bán đúng theo giá niêm yết và thấp hơn so với thị trường từ 15 đến 20%. Để kiểm soát chất lượng hàng hóa và giá cả, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái, tại mỗi điểm bán hàng, công ty đều mời đại diện chính quyền địa phương đến giám sát, kiểm tra chất lượng hàng hóa. Ngoài các mặt hàng nhập khẩu và hàng trong nước sản xuất, năm nay công ty chú trọng đến các mặt hàng do địa phương sản xuất, như: gạo đỏ Hải Lăng, mứt gừng Mỹ Chánh, rau sạch,… Theo xe của đơn vị bán hàng lưu động của Công ty, chúng tôi có mặt ở xã A Ngo (huyện Đa Krông) từ sáng sớm. Thông tin bán hàng đến trước với bà con cho nên người dân trong vùng tấp nập đến mua sắm rất đông từ sáng cho đến chiều tối. Chị Căn Hit, thôn A Đang, xã A Ngo sau một hồi lựa chọn đã có một gùi hàng đầy ắp, nói với chúng tôi: “Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi vì hàng hóa được đưa đến tận nơi. Đồng bào cần mua gì cũng có, giá lại rẻ hơn rất nhiều so với mua ở chợ và những điểm bán lẻ của tư thương tại đây. Mua hàng cũng thuận lợi, khỏi phải đi xa, lại mua được nhiều hàng bảo đảm chất lượng”. Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo Nguyễn Văn Khánh mong muốn, có nhiều xe hàng như thế này lên phục vụ bà con, không chỉ trong dịp Tết, mà cả ngày thường để người dân ở đây không phải mua hàng ở chợ với giá đắt hơn, nhiều mặt hàng chất lượng không bảo đảm…
Sau điểm bán hàng ở xã A Ngo, những chuyến xe hàng lưu động tiếp tục theo chân những cán bộ, nhân viên của Công ty đến với những bản làng xa xôi khác, như: A Vao, A Bung và Tà Long (Đa Krông); Thuận, Thanh, A Dơi và A Túc… (Hướng Hóa).
Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, điều tiết phân phối hàng hóa nên thời điểm cận Tết ở Quảng Trị không xảy ra tình trạng sốt giá cục bộ, thị trường hàng hóa ổn định, môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; tạo điều kiện cho người dân đón một mùa xuân mới ấm áp, an toàn, tiết kiệm và vui tươi.
Ý kiến ()