Quảng Ninh hướng tới ngành công nghiệp công nghệ cao
Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cái Lân, Quảng Ninh. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, có nhiều tài nguyên khoáng sản phong phú với trữ lượng lớn như than, đá vôi, đất sét chịu lửa, cao lanh, cát thủy tinh... trong những năm qua, công nghiệp Quảng Ninh nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm dần các lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường và ưu tiên phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chế tạo, sinh học, hóa chất.Xây dựng chiến lược và quy hoạchNăm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp hai lần so với năm năm trước. Trong đó công nghiệp khối Trung ương đạt hơn 19.700 tỷ đồng; công nghiệp địa phương đạt gần sáu nghìn tỷ đồng; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 4.600 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp là sản xuất than, nhiệt điện và xi-măng.Tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở...
Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cái Lân, Quảng Ninh. |
Xây dựng chiến lược và quy hoạch
Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp hai lần so với năm năm trước. Trong đó công nghiệp khối Trung ương đạt hơn 19.700 tỷ đồng; công nghiệp địa phương đạt gần sáu nghìn tỷ đồng; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 4.600 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp là sản xuất than, nhiệt điện và xi-măng.
Tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao và ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, khu vực nông nghiệp giảm dần, khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng nhanh và giữ vai trò chủ đạo. Những năm qua, việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp đã tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đời sống của phần lớn nhân dân trong tỉnh được cải thiện, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Nhìn lại những năm trước, ngành công nghiệp của Quảng Ninh phát triển vẫn dựa vào tài nguyên khoáng sản là chính, các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khí, hóa chất… phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2015 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, Quảng Ninh lấy năm 2012 là năm xây dựng chiến lược và quy hoạch nhằm phát huy cao độ nội lực kết hợp nguồn lực bên ngoài để đẩy nhanh phát triển công nghiệp toàn diện, với tốc độ nhanh, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng đến năm 2020 chủ yếu là công nghiệp và dịch vụ. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, sản xuất các sản phẩm tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. Từng bước giảm dần công nghiệp sơ chế sử dụng nhiều lao động, tăng dần các ngành công nghiệp cơ bản, ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ và chất xám cao. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp về hội nhập và sức cạnh tranh của sản phẩm cùng với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài đẩy mạnh kinh tế tri thức; Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính khẳng định: Quảng Ninh là trung tâm công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng, đóng tàu, khai khoáng nhưng chủ yếu là do Trung ương đầu tư quản lý, công nghiệp địa phương còn mỏng. Bên cạnh đó còn những vấn đề khác như tình trạng ô nhiễm môi trường, tính cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, ứng dụng và chuyển giao KHCN vào sản xuất kinh doanh hạn chế, giá trị gia tăng thấp, tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, vì vậy tỉnh chú trọng tập trung sức phát triển công nghiệp địa phương, trong đó ưu tiên công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến. Xác định công nghiệp trung ương là chỗ dựa quan trọng để phát triển công nghiệp địa phương.
Theo đó, từ nay đến năm 2020, ngành công nghiệp Quảng Ninh phát triển có trọng tâm, trọng điểm, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả để thực hiện công nghiệp hóa vào năm 2015, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2020 khoảng 14,2%, GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng hơn ba nghìn USD, tạo ra sự chuyển biến cơ bản trong quá trình thực hiện CNH, HĐH trên cơ sở đổi mới công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Hướng đến công nghệ cao
Trong giai đoạn tới, ngành công nghiệp Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm dần các lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường và ưu tiên phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ và chất xám cao. Trong năm 2012 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chế tạo, sinh học, hóa chất từng bước hình thành sản phẩm công nghiệp mũi nhọn, trở thành các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực, cơ cấu lại nền công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Tăng cường đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động kỹ thuật cao. Phấn đấu hình thành đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thông hiểu pháp luật. Xây dựng đội ngũ người lao động có tác phong công nghiệp, gắn bó với nghề, với doanh nghiệp. Cơ cấu lại nền công nghiệp theo hướng phát triển mạnh những ngành có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, có khả năng tham gia sâu vào các dây chuyền sản xuất và mạng lưới phân phối toàn cầu.
Trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2020, Quảng Ninh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư theo định hướng ưu tiên các dự án kỹ thuật cao, các dự án thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đồng thời tạo lập thương hiệu sản phẩm công nghiệp. Từ đó sẽ nâng cao chất lượng dự án đầu tư vào các khu công nghiệp; tập trung đầu tư hình thành khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học, các khu công nghiệp hỗ trợ và phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp. Đẩy mạnh thu hút đầu tư lấp đầy các khu công nghiêp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đã có, xây dựng thêm các KCN, CCN mới theo quy hoạch đã được phê duyệt để thu hút đầu tư và giảm bớt mật độ tập trung khu công nghiệp chung quanh TP Hạ Long và vùng phụ cận. Xây dựng một số khu vườn ươm công nghiệp công nghệ cao, tiến tới phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao về cơ khí tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Xây dựng hạ tầng các KCN, CCN đồng bộ giữa trong và ngoài hàng rào, gắn phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung với phát triển các khu dịch vụ, đô thị để bảo đảm điều kiện sinh hoạt ăn ở và đi lại cho công nhân. Tập trung phát triển các KCN, CCN có kết cấu hạ tầng hiện đại, xây dựng các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành như: Khu, cụm công nghiệp đóng tàu; khu, cụm công nghiệp sản xuất ô-tô, khu, cụm công nghiệp điện tử; khu, cụm công nghiệp hỗ trợ; khu, cụm công nghiệp dệt – may; khu, cụm công nghiệp chế biến thực phẩm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()