Bài 1
Tinh giản bộ máy, biên chế
Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo, với hơn 1,2 triệu dân gồm 22 dân tộc sinh sống tại bốn thành phố và 10 huyện, thị xã. Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị chiến lược…, Quảng Ninh được ví là hình ảnh đất nước thu nhỏ. Việc thực hiện Đề án 25 ở Quảng Ninh, với những cách làm sáng tạo, quyết liệt trong tinh giản biên chế đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, giảm bớt chi phí, tạo nguồn sinh lực mới cho bộ máy hành chính.
Từ những “lỗ hổng” trong cơ chế, chính sách
Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu, những ngày hè này, số lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh tăng đáng kể. Giám đốc Trung tâm Đặng Thanh Minh cho biết, trước đây, ai bị bệnh thì đến trạm y tế của xã để khám, muốn lên Trung tâm y tế huyện thì phải làm giấy tờ. Nhưng từ khi sắp xếp lại, bà con tới thẳng Trung tâm. Nhiều người rất ủng hộ việc làm này, bởi đội ngũ y, bác sĩ ở đây có trình độ cao hơn, máy móc thiết bị đầy đủ hơn và cách trạm y tế xã không xa. Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Đông Triều Hoàng Anh Thắng phân tích lý do vì sao không chỉ Bình Liêu mà hầu hết các huyện, thị xã đều chuyển chức năng khám, chữa bệnh của các trạm y tế xã về Trung tâm y tế: Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi xã phải có một trạm y tế. Nhưng trên thực tế, tại tuyến xã, ở hàng loạt trạm y tế, bác sĩ “ngồi chơi xơi nước” vì gần ngay đó là Trung tâm y tế huyện, có nơi cách chưa đến một ki-lô-mét… Bởi vậy, rất ít người đến khám ở trạm y tế xã, có chăng chỉ là để có giấy giới thiệu lên tuyến trên. Bấy lâu nay, mô hình chung này đã gây lãng phí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, ngân sách nhà nước.
Được biết, để có thể chỉ ra những bất cập, thiếu đồng bộ giữa bộ máy, biên chế với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tiến hành tổng kiểm kê, rà soát lại hiệu quả hoạt động tất cả các cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cả các đơn vị sự nghiệp và chính quyền cấp xã, tổ chức tự quản ở cấp thôn, bản, khu phố… Ðến giờ, nhiều đồng chí trong đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy Quảng Ninh vẫn nhớ về những bất cập trong ngành giáo dục tại địa phương. Nhiều điểm trường chỉ có một lớp học với năm đến bảy học sinh. Nhưng, trong số học sinh ấy, lại có vài ba em lớp hai, còn lại lớp sáu. Chính vì vậy bảng phải chia hai phần, phần dành cho lớp hai, phần dành cho lớp sáu; không khí học buồn tẻ. Trong khi cách đó vài cây số đường bê-tông là trường trung tâm với cơ sở đàng hoàng, học sinh được dạy dỗ, chăm sóc chu đáo hơn. Bất cập này xuất phát từ chủ trương của ngành giáo dục, muốn đưa lớp học xuống tận các điểm dân cư cho nên đưa ra quy định, cách trường trung tâm hơn 4 km nếu có học sinh thì phải mở một điểm trường. Cũng trong lĩnh vực giáo dục, theo quy định, một trường, ngoài các lớp học phải có thêm các phòng như: kế toán, thư viện, y tế học đường… cho nên tại nhiều trường ở Quảng Ninh chỉ có bốn lớp học nhưng có tới ba tòa nhà cao tầng. Một tòa dành cho học sinh, một dành cho ban giám hiệu, tòa thứ ba dành cho các phòng phụ. Số lượng học sinh hơn 100, nhưng giáo viên và cán bộ hành chính là gần 50 người… Vậy là quá lãng phí cơ sở vật chất và cồng kềnh về tổ chức…
Từ những cuộc điều tra thực tế, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh phát hiện những bất cập, “lỗ hổng” quan trọng. Ðó là, về năng lực lãnh đạo, tầm nhìn và năng lực dự báo của một số cấp ủy đảng còn yếu. Bộ máy cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chồng chéo. Giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều chức năng, nhiệm vụ tương đồng có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau nhưng thiếu tính thống nhất, làm nảy sinh tình trạng buông lỏng, bỏ sót hoặc phát sinh khâu trung gian. Thí dụ, nhiệm vụ tổ chức của cấp ủy với nội vụ của chính quyền; kiểm tra, giám sát của Ðảng với thanh tra nhà nước… Có chức năng giao cho nhiều cơ quan đơn vị cùng thực hiện nhưng không quy được trách nhiệm, quyền, thẩm quyền không xác định rõ với nghĩa vụ và chế độ trách nhiệm. Phổ biến là tình trạng cùng một ngành nhưng vừa có phòng chuyên môn, vừa có chi cục quản lý cùng tên, cùng chức năng hoặc trên cùng địa bàn có nhiều đơn vị thực hiện một nhiệm vụ…
Từ cuộc tổng điều tra tại tỉnh cũng cho thấy rõ “diện mạo” đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương nhà nước đông và có xu hướng tăng thêm. Năm 2014, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp tăng hơn 30% so với 2007. Số vị trí cán bộ không chuyên trách cấp xã, cấp thôn toàn tỉnh xấp xỉ 33 nghìn người; tương đương tổng số định biên cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Về chất lượng đội ngũ cán bộ, có tình trạng thừa mà yếu về chuyên môn; công tác đào tạo cán bộ chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở cơ sở; tỷ lệ trưởng thôn, bản, khu phố chưa qua đào tạo chiếm 64% (riêng trưởng thôn là 89%)… Các đơn vị sự nghiệp quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao, tính tự chủ thấp. Tổ chức hội nhiều (994 hội ở ba cấp) nhưng hoạt động chưa mạnh, chưa thể hiện rõ vị thế, vai trò, tính tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo Tỉnh ủy Quảng Ninh, nguyên nhân của những “khập khiễng” giữa tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ của phần đông đơn vị, tổ chức ở địa phương một phần là do nhiều quy định, quy chế đã từ lâu không còn phù hợp với thực tiễn; rõ nhất là quy định cách trường trung tâm 4 km mở một điểm trường. Trước đây đường đồi núi, giao thông cách trở thì quy định này là phù hợp nhưng nay thì không vì với quá trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường giao thông hầu hết đã được bê-tông hóa đến tận thôn, bản và nhà nhà có phương tiện xe máy đưa đón con em. Đây là cơ hội tạo ra những “lỗ hổng” làm “phình” tổ chức, bộ máy và cản trở hiệu quả thực thi nhiệm vụ. Từ thực tế đó, Tỉnh ủy Quảng Ninh xác định phải sớm khắc phục những “lỗ hổng” này. Đó cũng là mục tiêu và nội dung của Đề án 25, đúng như tên gọi là: Ðổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế.
Thách thức và động lực
Ðã có không ít hoài nghi khi tỉnh Quảng Ninh bắt tay triển khai Ðề án 25, nhất là khi Đề án hướng thẳng vào mục tiêu tinh giản bộ máy, biên chế trên diện rộng, số lượng lớn. Dẫu biết rằng “điểm tựa” là việc khắc phục tình trạng trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa một số đơn vị sự nghiệp và một số cơ quan; có khả năng tự chủ kinh phí nhưng vẫn sử dụng cơ sở vật chất do Nhà nước đầu tư; chưa chủ động về quản lý và sử dụng biên chế; nhiều tổ chức hội không bảo đảm kinh phí hoạt động, trông chờ sự hỗ trợ của ngân sách… nhưng việc cắt đặc quyền, đặc lợi đã có từ hàng chục năm, và “đưa” hàng nghìn cán bộ, viên chức ra khỏi biên chế là thách thức nằm ở từng cơ quan, đơn vị, mỗi tập thể, cá nhân.
Do đó, từ khi xây dựng đề án, Quảng Ninh đã chọn cách làm riêng, đó là xây dựng từ dưới lên, phê duyệt từ trên xuống, vừa làm vừa sửa. Tỉnh ủy Quảng Ninh xây dựng Ban Chỉ đạo Đề án ở tất cả các cấp từ tỉnh đến xã, chỉ đạo các địa phương, cơ quan tự xây dựng đề án của mình, bảo đảm có sự tham gia đóng góp và thống nhất từ cấp ủy, chính quyền, HĐND đến các đối tượng chịu tác động trực tiếp. Đồng chí Phạm Quang Hải, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên cho biết, được sự chỉ đạo thống nhất từ tỉnh và huyện, xã đã xây dựng Đề án rất công phu, bài bản. Đảng ủy xã tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân. Những vấn đề “nóng” như xóa các điểm trường được đem ra bàn thảo kỹ lưỡng, nhiều lần. Khi đã thống nhất từ cấp ủy, chính quyền đến người dân thì việc triển khai ở cơ sở khá thuận lợi. Xã Đồng Rui, trước khi triển khai Đề án có tám điểm trường, trong đó có bốn điểm trường mầm non, bốn điểm trường tiểu học và THCS. Sau khi bàn bạc, Đồng Rui thống nhất giảm được hai điểm trường, gồm sáu lớp; từ đó giảm được tám giáo viên. Hai điểm này là điểm trường thôn Thượng và thôn Hạ, hiện được chuyển thành nhà văn hóa thôn.
Việc tách dịch vụ công ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước, trở thành Trung tâm hành chính công là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án 25 của thành phố Uông Bí. Vì vậy, đây là mô hình được Thành ủy tập trung nghiên cứu kỹ và tiến hành theo phương châm vừa làm vừa hoàn thiện. Thành lập tháng 8-2013, Trung tâm có 45 người, trong đó có một cán bộ lãnh đạo thành phố, các đơn vị cử đến 35 người và chín biên chế chuyên trách. Các đồng chí lãnh đạo thành phố cho biết, đến nay, Trung tâm tiếp nhận hơn 54 nghìn hồ sơ, nhưng chỉ còn lại 529 hồ sơ đang trong thời gian giải quyết; có tới 98% hồ sơ được giải quyết trước hạn. Qua quá trình thực hiện, Thành ủy đã rút kinh nghiệm và hiện đang bổ sung hoàn thiện để báo cáo UBND thành phố và tỉnh phê duyệt. Các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên còn mở mục giải đáp về Đề án 25 để nhân dân được bày tỏ ý kiến và được giải đáp về những kiến nghị, thắc mắc của mình.
Có thể thấy, khi triển khai tinh giản biên chế, Quảng Ninh tiến hành từng bước theo lộ trình, nên không có tình trạng giảm ồ ạt như nhiều người dự đoán. Đồng chí Nguyễn Xuân Long, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Yên cho biết: Huyện đi tiên phong trong tinh giản biên chế trong lĩnh vực giáo dục. Nếu như không có Đề án 25, số lớp học của Tiên Yên năm 2016 sẽ tăng thêm 150 lớp. Nhưng khi thực hiện Đề án, các lớp không tăng mà giảm 120 lớp học. Số giáo viên và cán bộ ngành giáo dục dôi dư là hơn 100 người. Trước hết, Tiên Yên thôi sử dụng các giáo viên hợp đồng. Còn lại 50 người là giáo viên tiểu học và các vị trí khác như nhân viên y tế học đường, kế toán, tài chính, nhân viên thư viện… Sau khi rà soát, phân loại, chuyển 30 trường hợp đưa xuống làm giáo viên mầm non (hiện Tiên Yên đang thiếu giáo viên mầm non). Số còn lại bố trí, sắp xếp các công việc hành chính phù hợp. Như vậy, quá trình này, Tiên Yên chưa phải buộc thôi việc một trường hợp cán bộ biên chế nào. Triển khai Đề án trong lĩnh vực này huyện Ba Chẽ cũng giảm được 8 điểm trường và 15 đầu lớp, tiết kiệm chi phí hơn 5 tỷ đồng/năm…
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh trao đổi: Với bước đi phù hợp, chặt chẽ, tỉnh có các chính sách tinh giản hợp lý. Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh ban hành những chính sách riêng trong tinh giản biên chế như hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với cán bộ, công chức cấp xã… Đồng thời, những năm qua tỉnh tập trung vào giải pháp tạo ra nhiều việc làm ở các khu vực ngoài cơ quan hành chính nhà nước. Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, xã hội hóa cung ứng các dịch vụ công chính là để tạo ra thị trường lao động phong phú mà ở đó người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn thay vì nhất định phải vào biên chế. Sau hơn hai năm thực hiện Đề án 25, toàn tỉnh Quảng Ninh đã giảm được 1.605 công chức, viên chức; cắt chi trả phụ cấp thường xuyên đối với 18.919 người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở (gồm hàng nghìn tổ trưởng dân phố, trưởng khu dân cư…); giảm hai đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 118 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương… Theo báo cáo từ UBND tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai Đề án 25 đã tiết kiệm chi thường xuyên được gần 300 tỷ đồng/năm và hàng trăm tỷ đồng từ cơ sở vật chất. Năm 2015, tốc độ phát triển kinh tế của Quảng Ninh đạt 11%, cao nhất trong bốn năm trở lại đây. Thu ngân sách nhà nước đạt 35 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh đứng thứ ba cả nước và đứng đầu khu vực miền bắc.
(Còn nữa)
“Đại hội XII của Đảng cũng xác định rất rõ phải tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tiếp tục đổi mới hoàn thiện bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện đối với những nơi có đủ điều kiện, nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng và nhà nước tương đồng về chức năng nhiệm vụ”. (Thông báo số 06-VPTW, ngày 9-5-2016 về kết quả chuyến thăm và làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại tỉnh Quảng Ninh) |
Ý kiến ()