Quảng Ninh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh
Liên tục trong ba năm vươn lên giữ vị trí dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của cả nước, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng hơn của cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đối với công tác chỉ đạo điều hành. Tỉnh từng bước khẳng định tính bền vững, lan tỏa, quyết liệt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Duy trì vị trí dẫn đầu
Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hướng đến mục tiêu duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện bền vững năng lực cạnh tranh PCI, hướng tới mục tiêu tăng dần điểm tổng PCI qua từng năm. Theo đó, tổng điểm phấn đấu được cải thiện từ 73,4 lên 75,3, tăng 1,9 điểm so với năm 2019. Ðối với 10 chỉ số thành phần, phấn đấu có tám chỉ số đứng trong tốp 5 địa phương trong cả nước gồm: Chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự và hai chỉ số trong tốp 10 địa phương trong cả nước gồm: Tiếp cận đất đai, dịch vụ hỗ trợ DN; trong đó ưu tiên tập trung và cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của ba chỉ số là: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ DN.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Trần Văn Hùng, những năm gần đây, nhằm hỗ trợ DN hiệu quả, Quảng Ninh đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chủ động thiết lập nhiều kênh, nhiều cách thức khác nhau để lắng nghe, tạo không gian mở và thân thiện, gần gũi giữa chính quyền các cấp, sở, ban, ngành với DN, thực hiện hiệu quả “xúc tiến đầu tư tại chỗ”. Nhằm thu hút sự tham gia của các DN tư nhân vào phát triển kinh tế – xã hội, Quảng Ninh đã cơ cấu lại chi tiêu công, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển để tạo vốn mồi; thực hiện ba đột phá chiến lược, ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để giúp giảm chi phí sản xuất; đa dạng hóa các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) để DN tư nhân cùng tham gia hợp tác. Một trong những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư là Quảng Ninh cải cách TTHC thực chất, hiệu quả hơn đối với người dân và DN. Thay vì phải mất hàng năm để giải quyết các vấn đề TTHC, giờ đây, nhà đầu tư chỉ mất vài ngày, thậm chí là vài giờ. Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố Cẩm Phả Ðào Duy Hảo nhận xét: Tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành cùng DN, trước những khó khăn do dịch bệnh, tỉnh đã kịp thời hỗ trợ DN ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Các sở, ngành, địa phương đều cam kết nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ðồng thời, khuyến khích DN cấu trúc lại, chủ động thích ứng hoàn cảnh mới, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt, hướng tới phát triển bền vững hơn, hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới,…
Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá: Quảng Ninh là “cái nôi” của những ý tưởng đổi mới, sáng tạo và cải cách. Trước những xu hướng chuyển dịch chuỗi giá trị toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng, tỉnh có nhiều lợi thế, cơ hội để đón “làn sóng” đầu tư mới, tạo nên những cải cách, lấp đầy dư địa còn lớn hiện nay. Chỉ số PCI đã làm nên thương hiệu, sự khác biệt của Quảng Ninh trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy các thành phần kinh tế, đón bắt các cơ hội đầu tư với công nghệ thông minh hơn, “sạch” hơn.
Thu hút đa dạng nguồn lực đầu tư
Ðồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu rõ: “Quảng Ninh đã chủ động và mạnh dạn đầu tư về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Hiếm có địa phương nào trong cả nước có thể huy động nguồn lực ngoài ngân sách lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Ðiều này không chỉ thể hiện quyết tâm rất lớn của tỉnh, mà còn cho thấy sự gắn bó, tin tưởng ngày càng lớn giữa chính quyền tỉnh đối với các nhà đầu tư. Từ xuất phát điểm không cao, Quảng Ninh đã vươn lên tốp các tỉnh phát triển năng động nhất cả nước, là một trong những địa phương sở hữu hạ tầng giao thông đa dạng và có thể nói là tốt nhất hiện nay”. Ðiều này thể hiện rõ qua thống kê trong khoảng 5 năm trở lại đây, tổng vốn đầu tư PPP cho các công trình giao thông tại Quảng Ninh đã đạt gần 50 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia khoảng 9% để thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư công trình đối ứng. Tỉnh đã chính thức đưa hai tuyến cao tốc do DN tư nhân triển khai đầu tư xây dựng vào khai thác với tổng chiều dài gần 100 km. Ðiểm đặc sắc trên tuyến là cầu Bạch Ðằng, cây cầu có công nghệ thi công mới nhất Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng; cao tốc Hạ Long – Vân Ðồn dài gần 60 km với tổng vốn 12 nghìn tỷ đồng. Ðồng thời, hoàn thành cảng hàng không Vân Ðồn, sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam cùng với cảng tàu chuyên biệt cho du lịch đầu tiên ở Việt Nam tại TP Hạ Long. Các tuyến đường tỉnh ra cửa khẩu, biên giới và các khu kinh tế, khu công nghiệp cũng nhanh chóng được nâng cấp, hoàn thiện, tạo sự liên kết thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội giữa các địa phương và vùng miền.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng nhận định: Trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Quảng Ninh luôn ưu tiên tập trung, chỉ đạo triển khai nhiều chủ trương phát triển kinh tế và đạt được những kết quả tích cực, GRDP tăng trưởng cao và ổn định qua nhiều năm, thu hút đa dạng nguồn lực đầu tư, thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quyết liệt cải cách TTHC; môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng. Ðó cũng chính là những yếu tố cốt lõi làm nên thương hiệu Quảng Ninh, niềm tin của DN, nhà đầu tư, người dân đối với môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn. Tỉnh cũng đã và đang hình thành các khu công nghiệp, khu kinh tế chất lượng cao tại Quảng Yên, Hạ Long, Vân Ðồn, Hải Hà, Móng Cái với hạ tầng đồng bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư, nhất là đối với nhà đầu tư ở lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao.
Trong cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những kết quả trong huy động các nguồn lực phát triển; đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP của Quảng Ninh; nhất là đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải cách TTHC, tinh gọn bộ máy, biên chế; sáp nhập đơn vị hành chính, nhất là nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long tạo ra xung lực phát triển rất lớn của tỉnh.
Quảng Ninh đã và đang khẳng định thương hiệu, hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và hấp dẫn, mở rộng cửa chào đón các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như thực hiện ba đột phá chiến lược, đặc biệt ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ðể tận dụng và phát huy mạnh mẽ tiềm năng thế mạnh của mình, Quảng Ninh xác định tiếp tục khơi thông các “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, hướng đến mục tiêu không chỉ là trung tâm của vùng đông bắc mà còn là trung tâm phát triển phía bắc của cả nước; là phên dậu vững chắc giữ vững chủ quyền an ninh biên giới phía đông bắc Tổ quốc.
Ý kiến ()