Quảng Ngãi: Tấn công, truy quét tội phạm hoạt động 'tín dụng đen'
Từ ngày 8/10/2018 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện 11 công ty, cơ sở kinh doanh, đầu tư tài chính cùng 54 đối tượng đã câu kết hoạt động “tín dụng đen.”
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về mở đợt cao điểm tấn công, truy quét hoạt động tín dụng đen và chỉ thị 16 (Chỉ thị số 16/CT-UBND, ngày 8/10/2018) về việc tăng cường công tác quản lý, phòng, chống vi phạm pháp luật trong việc cho vay, cầm cố tài sản trên địa bàn tỉnh, lực lượng công an tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy mạnh công tác tấn công, truy quét hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.
Từ ngày 8/10/2018 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện 11 công ty, cơ sở kinh doanh, đầu tư tài chính cùng 54 đối tượng ở các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa… đến địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tạm trú, câu kết với các đối tượng địa phương.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an còn phát hiện, xử lý 154 đối tượng hoạt động riêng lẻ, cư trú trên địa bàn tỉnh, có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” và sử dụng băng nhóm đòi nợ thuê liên quan đến “tín dụng đen.”
Cụ thể, lực lượng chức năng tỉnh đã tổ chức ngăn chặn, xử lý hình sự đối với 5 vụ, 7 đối tượng của các băng, nhóm phạm tội “ cưỡng đoạt tài sản ,” “ Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” với số bị hại gần 200 người, số tiền cho vay hàng tỷ đồng.
Lực lượng chức năng cũng xử lý hành chính 5 vụ với 11 đối tượng có hành vi treo, dán, phát tờ rơi quảng cáo và thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen.” Thời gian qua, công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý các đối tượng phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện chỉ có 3/14 địa phương của tỉnh Quảng Ngãi gồm Bình Sơn, Nghĩa Hành, thành phố Quảng Ngãi phát hiện, xử lý hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục.
Một số công ty đầu tư tài chính mặc dù vẫn đăng ký kinh doanh, nhưng quá trình hoạt động đã biến tướng, chuyển qua hoạt động “tín dụng đen” với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau theo các ngành nghề kinh doanh đã đăng ký, nên rất khó trong việc phát hiện sai phạm của cơ sở, không có căn cứ pháp lý để xử lý.
Để đẩy mạnh tấn công, truy quét tội phạm hoạt động “tín dụng đen,” đang hoạt động trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 8/10/2018 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay, cầm cố tài sản trên địa bàn; đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, các biện pháp hành chính kết hợp với nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, lập hồ sơ quản lý, đấu tranh, xử lý các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”; các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan.
Các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “ tín dụng đen .”
Các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức có hành vi bảo kê, tạo điều kiện cho băng, nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân về quy định của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ ; nâng cao nhận thức cho người dân để tự phòng tránh và tích cực tham gia lên án, tố giác tội phạm.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi giao Công an tỉnh tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập các tổ công tác liên ngành, trong đó lực lượng Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan như Quản lý thị trường, Thuế, Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ngãi… tổng kiểm tra đột xuất, định kỳ các cơ sở kinh doanh liên quan đến “tín dụng đen,” cho vay lãi nặng, phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi giấy phép kinh doanh, xử phạt hành chính hoặc điều tra, truy tố trước pháp luật./.
Ý kiến ()