Quảng Ngãi: Tạm ứng hơn 27,5 tỷ đồng bình ổn hàng Tết Nguyên đán 2014
Chiều ngày 5/12, ông Nguyễn An - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa cho phép 4 doanh nghiệp trên địa bàn được tạm ứng hơn 27,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện chương trình bình ổn giá, kết hợp đưa hàng Việt về nông thôn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Đây là năm thứ 3 tỉnh Quảng Ngãi thực hiện bình ổn giá.
Chiều ngày 5/12, ông Nguyễn An – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa cho phép 4 doanh nghiệp trên địa bàn được tạm ứng hơn 27,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện chương trình bình ổn giá, kết hợp đưa hàng Việt về nông thôn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Đây là năm thứ 3 tỉnh Quảng Ngãi thực hiện bình ổn giá.
Bốn doanh nghiệp được chọn tham gia chương trình bình ổn giá đợt này gồm: Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn – Quảng Ngãi, Công ty cổ phần Lương thực Quảng Ngãi, Siêu thị Quảng Ngãi chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân Sách Thành Nghĩa, Doanh nghiệp xây dựng Thành Đạt (siêu thị Nghĩa Hành).
Theo đó, 9 nhóm mặt hàng được bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 bao gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rau củ quả. Thời gian bán hàng bình ổn giá bắt đầu từ ngày 1/1/2014 đến ngày 30/1/2014. Tổng số điểm bán hàng bình ổn giá là 21 điểm/14 huyện, thành phố.
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn giá phải đảm bảo giá bán ra thấp hơn giá thị trường từ 5 đến 10%. Trong trường hợp có một hoặc một số loại hàng hoá trên thị trường có sức mua tăng cao hoặc thấp, doanh nghiệp được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm số lượng hàng hoá. Việc điều chỉnh tăng, giảm lượng hàng hoá bán ra phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Sở Công Thương và Sở Tài chính nhưng không vượt quá kinh phí ngân sách đã tạm ứng cho doanh nghiệp.
Chương trình được triển khai với mục đích bình ổn giá thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu của nhân dân; đảm bảo cân đối cung cầu; không để xảy ra tình trạng đầu cơ tích trữ, kích giá; đồng thời tạo sự phong phú, đa dạng về sản phẩm để người dân thoải mái lựa chọn, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()