Nông dân xã Bình Hải, huyện Bình Sơn trồng rau vụ thu đông năm 2011.
Bước đột phá trong nông nghiệp
Về huyện Nghĩa Hành những ngày giữa tháng 10 này, chúng tôi chứng kiến cách làm mới ở một huyện được tỉnh chọn xây dựng nông thôn mới, bước đầu có những thay đổi lớn trong sản xuất và đời sống của người dân. Về kinh tế-xã hội thì huyện trung du miền núi Nghĩa Hành thuộc bậc “đàn em” so với các huyện đồng bằng trong tỉnh. Nhưng huyện lại có lợi thế nhiều mặt, nhất là đổi mới các hình thức quản lý, tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Đời sống của số đông nông dân ổn định với tỷ lệ hộ nghèo trong huyện hiện còn 20,37%. Huyện có 11 xã nông thôn, miền núi và một thị trấn Chợ Chùa đang xây dựng đô thị loại 5, các xã cơ bản đã đạt từ 5 đến 19 tiêu chí nông thôn mới.
Nói về cách làm của mình, Chủ tịch UBND huyện Phan Bình cho biết: Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và tiến hành công tác quy hoạch, xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tập trung hướng dẫn các xã rà soát lại công tác quy hoạch hạ tầng, nhân lực, xây dựng hệ thống chính trị, có tính chiến lược bền vững, ổn định lâu dài. Nhiều xã phải điều động, thay đổi một số cán bộ để bảo đảm năng lực quản lý, điều hành chuyên môn. Huyện trực tiếp hướng dẫn, tập huấn Ban quản lý xã điều tra thực trạng tình hình kinh tế-xã hội từng thôn, xóm và xác định nông dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nông dân ở địa phương từng bước phát huy vai trò làm chủ của mình trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Đến nay, huyện có khoảng 21 nghìn hộ xây dựng nhà vườn nông thôn thoáng, sạch (có cây ăn quả, sinh vật cảnh, cổng vườn) và 1.800 ha vườn tạp được cải tạo đầu tư thành vườn cây ăn quả lâu năm. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư vườn sinh vật cảnh, làm trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng, cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hộ Lâm Tấn Nghiệp, xóm 2, thôn Phú Vinh Tây, thị trấn Chợ Chùa, từ năm 2000 đã đầu tư vốn cải tạo hơn 6.000 m2 vườn tạp để trồng sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, cam, quýt với năng suất, chất lượng cao. Mỗi năm gia đình thu hoạch, bán được hơn 60 triệu đồng. Từ đầu năm 2011 đến nay, hộ chăn nuôi lợn Tiêu Tùng, ở thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh, đã bán lợn thu hơn 165 triệu đồng và dự kiến từ nay đến cuối năm với lứa lợn đang trong chuồng sẽ bán thu hơn 200 triệu đồng.
Chúng tôi đến huyện Mộ Đức tìm hiểu mô hình sản xuất của HTX nấm Đức Nhuận. Đây là trung tâm sản xuất phôi nấm cung cấp cho hàng chục hộ nông dân trong vùng chuyên làm nấm và được HTX bao tiêu sản phẩm. Nhiều nông dân ở đây đã thay đổi cung cách làm ăn nhỏ, đầu tư trang trại lớn với quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa (mỗi trang trại đầu tư hơn ba tỷ đồng).
Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Nhân cho biết: Hiện nay hộ vẫn giữ vai trò kinh tế chủ đạo. HTX nông nghiệp làm “bà đỡ” rất hiệu quả cho nông dân, tạo bước đột phá trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Huyện đã quy hoạch hàng trăm ha, với 16 cánh đồng của mười xã trong huyện để sản xuất chuyên canh rau an toàn (mỗi cánh đồng bình quân từ 5 đến 7 ha). Điển hình là cánh đồng Năng An, xã Đức Nhuận, cánh đồng Chú Tượng, xã Đức Hiệp, cánh đồng Mẫu Tám, xã Đức Lợi… thuộc đất bạc màu sản xuất lúa đạt năng suất thấp nay đã chuyển sang làm cây trồng cạn với hình thức luân canh, thâm canh các loại rau đậu, hằng năm đã cho thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng, có cánh đồng doanh thu đạt hơn 150 triệu đồng. Nhiều đồng lúa cũng được huyện đầu tư giống lúa lai, cải tạo đất và chuyển giao kỹ thuật chăm bón nên năng suất lúa đạt hơn 90 tạ/ha…
Đi trên các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi bắt gặp mầu xanh của những vườn cây ăn quả. Những cánh đồng mía bạt ngàn, rau xanh trải rộng đang thì con gái xanh rờn. Nhiều nông dân đã ứng dụng những tiến bộ KHCN vào sản xuất có hiệu quả. Nông dân xã Nghĩa Hà, thị trấn La Hà (huyện Tư Nghĩa), xã Tịnh An, Tịnh Long (huyện Sơn Tịnh) bước đầu áp dụng công nghệ trồng hoa, sản xuất rau sạch cho năng suất cao gấp 1,5 lần so với năm ngoái.
Có thể nói, thành tựu tăng trưởng kinh tế – xã hội ở Quảng Ngãi trong những năm qua bắt nguồn từ sự đổi mới cơ chế, chính sách, nhất là vai trò quan trọng của lực lượng lao động nông nghiệp nông thôn. Quá trình đô thị hóa hoặc thu hồi đất làm dự án buộc phải chuyển số lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác. Nhiều huyện phát triển nhanh cụm công nghiệp, dịch vụ và du lịch sinh thái đã giải quyết tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn theo hướng “ly nông bất ly hương”… Gần đây, tỉnh đã giải quyết việc làm nông thôn theo hướng tăng cả về số lượng và chất lượng. Lực lượng lao động qua đào tạo theo từng mô hình, dự án, bảo đảm nâng cao tay nghề và tiếp cận được máy móc, phương tiện, công cụ, công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại. Ở các cụm công nghiệp-làng nghề Tịnh Ấn Tây-Sơn Tịnh, Bình Nguyên-Bình Sơn nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mua thiết bị, máy móc, thực hiện ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất, góp phần đào tạo, nâng cao tay nghề và đã giúp hàng trăm lao động ở nông thôn có việc làm thường xuyên. Trong giai đoạn này, tỉnh đã đầu tư mở rộng nhiều cơ sở đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, miền núi, bảo đảm hằng năm có thể giải quyết việc làm mới cho khoảng 33.000 lao động (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2011 đạt từ 28 đến 30%)…
Rào cản cần tháo gỡ
Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Quảng Ngãi hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Đó là cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch chậm. Cây lúa vẫn đóng vai trò chủ yếu trong cây trồng trên địa bàn. Một số cây thiếu tính bền vững, chưa hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh và giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích còn thấp. Tình trạng chặt phá rừng vẫn xảy ra. Thủy sản phát triển chưa toàn diện, tàu, thuyền đánh bắt xa bờ chưa hiện đại, rủi ro trên biển còn nhiều. Chế biến thủy sản ở nông thôn đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực còn chậm, chưa có bước đột phá thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Cơ sở hạ tầng hiện nay ở nông thôn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn sản xuất nhỏ, lẻ chưa tạo được sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh trên thị trường yếu. Chương trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn-miền núi, hệ thống chợ, cung cấp nước sạch không đạt yêu cầu. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng nông thôn chưa có hướng khắc phục.
Nói về những hạn chế, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Dương Văn Tô nhấn mạnh: Vướng mắc nhất hiện nay trong quá trình thực hiện “tam nông” vẫn là khả năng thiếu vốn lớn và cung ứng chậm, không bảo đảm để triển khai thực hiện các dự án, chương trình ở nông thôn (hằng năm tỉnh mới đáp ứng khoảng 35 đến 40% vốn). Nhiều cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ miền núi vừa thiếu, lại yếu chuyên môn. Trình độ quản lý, điều hành của một số cán bộ đầu ngành ở khu vực nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tâm lý sản xuất nhỏ, tiểu nông trong nông dân còn phổ biến, sự trông chờ ỷ lại của người dân vào sự giúp đỡ của Nhà nước còn nặng nề. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nông dân chưa thấy hết vai trò, trách nhiệm của mình, chưa xác định được chủ thể trong quá trình vận động xây dựng nông thôn mới hiện nay…
Các giải pháp đồng bộ
Phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, giải quyết việc làm ổn định đối với nông dân và xây dựng nông thôn mới hiện nay là một quá trình đầy khó khăn. Vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi đang chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp lớn như: Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Đưa kiến thức xây dựng nông thôn mới vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Các huyện khẩn trương lập các quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bảo đảm hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 ở các xã trước quý II-2012. Tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương phải gắn với thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2015, tỉnh phấn đấu đạt 20% số xã và huyện Nghĩa Hành đạt tiêu chí nông thôn mới.
Trước mắt, tỉnh Quảng Ngãi tập trung chỉ đạo thực hiện bốn nhiệm vụ trọng tâm là: Tổ chức rà soát lại các quy hoạch ngành, các đề án, dự án đã phê duyệt, đồng thời điều chỉnh chính sách, có cơ chế đầu tư hợp lý hiệu quả từng chương trình, dự án. Thực hiện tốt việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, coi đây là một trong những biện pháp then chốt để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả trong lĩnh vực thị trường hàng hóa và thị trường lao động ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết, huy động nguồn vốn trong nước, nước ngoài để đầu tư các công trình an sinh xã hội. Tổ chức sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp theo hướng chất lượng cao, sản lượng nhiều và tìm thị trường để đẩy mạnh thương mại xuất khẩu. Đầu tư mới và nâng cấp các công trình thiết yếu (như giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, trường học, y tế, nhà văn hóa) đúng tiêu chuẩn, bảo đảm phục vụ đời sống xã hội ở nông thôn. Thực hiện dồn điền, đổi thửa” phát triển mạnh vùng nguyên liệu bảo đảm phục vụ công nghiệp chế biến. Tạo việc làm mới cho nông dân, từng bước chuyển đổi ngành nghề nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu lao động. Đẩy nhanh hoàn thành sớm chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo. Tiếp tục nhân rộng những mô hình xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả, phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 19% vào cuối năm 2011. Triển khai các đề án chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với người nghèo. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở ở nông thôn. Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, xã văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở, phục hồi và phát triển văn hóa truyền thống. Rà soát đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn hiện nay để khắc phục kịp thời trong thời gian gần nhất…
Ý kiến ()