Quảng Ngãi hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm cho nhiều doanh nghiệp (DN) nước ta lao đao, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hỗ trợ cho doanh nghiệp lúc này là rất cần thiết, nhằm tạo điều kiện để DN thoát khỏi nguy cơ phá sản, duy trì sản xuất, giải quyết việc làm và ổn định đời sống công nhân.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm cho nhiều doanh nghiệp (DN) nước ta lao đao, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hỗ trợ cho doanh nghiệp lúc này là rất cần thiết, nhằm tạo điều kiện để DN thoát khỏi nguy cơ phá sản, duy trì sản xuất, giải quyết việc làm và ổn định đời sống công nhân.
Nhiều doanh nghiệp đã “trụ” vững
Doanh nghiệp cả nước nói chung và ở Quảng Ngãi nói riêng trong sáu tháng đầu năm 2013 tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức: Giá vật tư nguyên liệu, xăng, dầu thiếu ổn định, hàng tồn kho lớn, sức mua giảm… Tuy nhiên, nhiều DN đã biết phát huy thế mạnh, sắp xếp lại lao động, tiếp cận nhanh các chính sách hỗ trợ, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi là một trong những đơn vị đã vượt qua thách thức, tổ chức lại sản xuất tạo đủ việc làm cho năm nghìn công nhân, lao động với mức thu nhập bình quân bốn triệu đồng/người/tháng. Tổng Giám đốc Võ Thành Ðàng cho biết: Gần đây, tuy có nhiều khó khăn về giá nguyên liệu, vật tư, sản phẩm bánh kẹo tiêu thụ chậm, nhưng công ty đã năng động trong quản lý, điều hành và bố trí lao động hợp lý cho nên các nhà máy vẫn “trụ” vững. Sản xuất mía-đường năm nay tuy có khó khăn, nhưng nhờ liên kết chặt chẽ giữa công ty và nông dân trồng mía đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Diện tích mía năm nay có giảm, nhưng năng suất, sản lượng tăng 30% so vụ mía năm ngoái. Các sản phẩm như bia Dung Quất, sữa đậu nành, nước khoáng Thạch Bích đều tăng, góp phần tăng tổng doanh thu của công ty hơn 30% so cùng kỳ năm 2012. Công ty CP bao bì Việt Phú cũng đã vượt qua được thời điểm khó khăn, đầu tư mới nhà máy sản xuất bao PP, mở rộng phân xưởng bao bì các-tông và bố trí lại lao động hợp lý, sản xuất ba ca/ngày. Công ty thực hiện giao kế hoạch, khoán định mức sản phẩm cho từng phân xưởng sản xuất, năng suất lao động tăng gấp hai lần so năm ngoái đem lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống công nhân ổn định.
Công ty CP nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, sau khi chợ Trung tâm bị cháy, công ty đã xây dựng chợ tạm cho bà con tiểu thương buôn bán, đồng thời tập trung nguồn vốn xây dựng chợ mới đúng tiến độ. Mặt khác, công ty tích cực hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất những vùng sắn chuyên canh bằng giống cao sản. Với cách làm đó, công ty đã hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nông dân phát triển mạnh vùng sắn chuyên canh năng suất cao, bảo đảm cung cấp đủ nguyên liệu cho hai nhà máy sắn Tịnh Phong, Sơn Hải hoạt động liên tục. Sáu tháng đầu năm nay, công nhân có việc làm thường xuyên, công ty đã sản xuất hơn 100 nghìn tấn tinh bột sắn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 30 triệu USD. Ngoài ba doanh nghiệp nêu trên, hiện nay một số công ty, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt đầu “sống lại” mở hướng sản xuất hợp lý, bảo đảm kinh doanh có lãi, nhất là trong lĩnh vực chế biến thủy sản, dăm gỗ xuất khẩu, sản xuất giày da, quần áo may sẵn… Nhờ mở hướng sản xuất, kinh doanh đa dạng, hiệu quả kinh tế tăng cao của các doanh nghiệp đã góp phần đưa tổng sản phẩm (GDP) của tỉnh trong sáu tháng đầu năm 2013 tăng 13,6% so cùng kỳ và đạt gần 52% so kế hoạch năm (trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản tăng 4,6%, công nghiệp-xây dựng tăng 17,2% và dịch vụ tăng 11% so cùng kỳ năm 2012), kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 82% kế hoạch năm, thu ngân sách trên địa bàn đạt 56,5% dự toán…
Trợ lực kịp thời
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng cho biết: Dự báo thời gian tới doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức chưa thể sớm khắc phục. Một số ngành, sản phẩm tăng trưởng thấp hoặc giảm, khả năng cạnh tranh kém, nguồn lao động chưa bảo đảm nhu cầu về chất lượng. Bên cạnh đó, tỷ giá VNÐ/USD, giá vàng biến động tăng, giảm khó lường, không thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất. Do vậy việc trợ lực kịp thời cho DN là cần thiết đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế khu vực có nhiều biến động. Mới đây lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp với hơn 70 DN. Tại cuộc đối thoại, UBND tỉnh Quảng Ngãi và các ngành đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt những khó khăn, đề xuất của DN về những vướng mắc trong quá trình hoạt động liên quan cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư, đất đai, tín dụng ngân hàng.
Qua đối thoại cho thấy, nhiều ý kiến của DN lâu nay chưa được tháo gỡ kịp thời dẫn đến sản xuất bị trì trệ, kinh doanh lúng túng, kém hiệu quả. Sau khi các DN tham gia đối thoại với lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng đã tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của DN. Chẳng hạn, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nghĩa Trần Thị Nguyệt kiến nghị: Năm 2001, tỉnh cho doanh nghiệp thuê 4.200 m2 đất, nhưng đến năm 2007, tỉnh lại ra quyết định thu hồi một phần đất. Hiện, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do mặt bằng bị thu hẹp, nên mong muốn tỉnh sớm bố trí mặt bằng hợp lý để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Công ty CP Ðầu tư Thương mại Ðại Việt Dương Quốc Ðạt phản ánh: Công ty có dự án được lập từ năm 2010 nhưng xin đất đến nay vẫn chưa được cấp. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Chí Bích kiến nghị, hiện, cơ sở kinh doanh của công ty tại khu du lịch Mỹ Khê đang kinh doanh có hiệu quả, tỉnh cần tạo điều kiện cho DN có thêm quỹ đất để đầu tư và sớm xây dựng bờ kè chống sạt lở tại khu du lịch Sa Huỳnh… Tất cả những ý kiến của doanh nghiệp nêu trên đều được các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp thu, giải quyết kịp thời, đúng luật ngay trong buổi đối thoại…
Có thể thấy, các biện pháp hỗ trợ ở Quảng Ngãi đã được các ngành, các cấp triển khai tích cực. Ban Quản lý các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Những giải pháp đồng bộ này cùng với nỗ lực của từng doanh nghiệp đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và ổn định tâm lý cho người lao động. Ðáng ghi nhận là trong khó khăn, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực để giữ từng việc làm, tìm kiếm từng hợp đồng duy trì sản xuất và bảo đảm đời sống, thu hút công nhân. Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thành lập “tổ phản ứng nhanh” để theo dõi và đề xuất các biện pháp hỗ trợ, xử lý đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn đột xuất trong sản xuất, kinh doanh, nhất là những vấn đề liên quan đến chính sách lao động, tiền lương. Ðây được xem là việc làm thiết thực trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn hiện nay. Ðối với nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, ngân hàng đã thực hiện khoanh nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, đồng thời xem xét, ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt thì tiếp tục được vay vốn để sản xuất (sáu tháng đầu năm nay tổng dư nợ đối với doanh nghiệp trên địa bàn đạt 26.572 tỷ đồng, tăng gần 26% so cùng kỳ năm ngoái). Bên cạnh việc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tháo gỡ những khó khăn để tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tỉnh tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời nghiêm túc thực hiện các quy định về cho vay hỗ trợ lãi suất theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, góp sức cho doanh nghiệp vượt khó. Ngân hàng còn hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ như điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ; hỗ trợ doanh nghiệp kiểm soát dòng tiền, đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng tồn kho, khoản phải thu. Mới đây, chi nhánh triển khai các chương trình tín dụng nhà ở xã hội đối với chủ đầu tư và cá nhân theo Nghị quyết 02 của Chính phủ và hướng dẫn của ngân hàng.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về vấn đề nộp thuế của doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi Hồ Quang Vịnh cho biết: Ngành thuế luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngành vừa biểu dương, khen thưởng kịp thời 48 tổ chức, cá nhân trong tỉnh chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2012. Ðồng thời triển khai “Tuần lễ lắng nghe ý kiến của người nộp thuế” xuyên suốt từ Cục Thuế tỉnh đến chi cục thuế các huyện, thành phố nhằm giải quyết các vướng mắc về chính sách thuế giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp. Với việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp hoạt động và thực hiện nghĩa vụ thuế, Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi không chỉ góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ các doanh nghiệp mà còn chung sức cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu lâu dài cho ngân sách địa phương.
Triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách nêu trên không chỉ góp phần tạo động lực mới cho doanh nghiệp giữ vững sản xuất, kinh doanh mà còn có tính chiến lược, phát triển công nghiệp bền vững theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 18 đã đề ra.
Công nhân Nhà máy may Ðông Thành trong ca sản xuất. Ảnh: MINH TRÍ
Theo Nhandan
Ý kiến ()