Hai khâu đột phá là phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đã tạo tiền đề để quảng ngãi chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, góp phần tăng trưởng kinh tế cao và đã cơ bản thoát ra tình trạng tỉnh kém phát triển.
Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đề ra mục tiêu: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nền tảng đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020”.
Chọn hướng phát triển
Phát triển công nghiệp được coi là một trong những điểm nhấn quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã vượt qua khó khăn và đặt niềm tin vào sức mạnh của nhân dân trong tỉnh vốn có bề dày truyền thống cách mạng và đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thành công nhiều chương trình phát triển kinh tế – xã hội, tạo sự ổn định về chính trị, không ngừng nâng cao mức sống cho nhân dân. Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có Nghị quyết chuyên đề phát triển Khu kinh tế Dung Quất – coi đây là động lực phát triển mới cho Quảng Ngãi. Giờ đây đi trên con đường Võ Văn Kiệt thênh thang sẽ thấy vui mắt với những công trình mọc lên san sát, hiện đại, đang hoạt động ngày đêm, tạo ra những dòng sản phẩm mới không những có thương hiệu, uy tín trong nước mà cả trên thị trường thế giới. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy nhựa Polypropylen, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vina. Hoạt động của cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng khá nhộn nhịp và các tuyến đường giao thông, khu đô thị Vạn Tường được quy hoạch mở rộng với kiến trúc hiện đại đã góp phần làm cho quy mô kinh tế của tỉnh tăng lên vượt bậc. Các chương trình, dự án được chọn đầu tư xây dựng hoàn thành cũng đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh như: Cầu Trà Khúc II bắc qua sông Trà Khúc, đây là tầm nhìn mới trong quy hoạch của tỉnh thực hiện mở rộng TP Quảng Ngãi ra hướng bắc – hướng đông và thực hiện xây dựng theo các tiêu chí của một đô thị loại II. Cầu Trà Khúc mới đã nối liền TP Quảng Ngãi và thị trấn Sơn Tịnh, về khu du lịch Mỹ Khê và đi khu đô thị Vạn Tường, Khu kinh tế Dung Quất. Trên trục đường này đã có các khu dân cư mới mọc lên, với những ngôi nhà khang trang, cửa hàng, dịch vụ đa dạng. Thủy điện Hà Nang – Trà Bồng, Nhà máy bia Sài Gòn – Quảng Ngãi đi vào hoạt động và Khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong của tỉnh, các cụm công nghiệp, làng nghề ở huyện đã thu hút nhiều dự án cũng tạo được điểm nhấn, giải quyết được hàng chục nghìn lao động có việc làm ổn định, bước đầu sản xuất các loại sản phẩm có giá trị hàng hóa cao. Hồ Nước Trong, nằm trên thượng nguồn sông Trà Khúc – một dự án lớn chuẩn bị hàn khẩu vào đầu năm 2011, với tổng vốn đầu tư gần hai nghìn tỷ đồng. Công trình này không những tích nước cho đập Thạch Nham, cung cấp nước về Khu kinh tế Dung Quất mà còn mở ra hướng phát triển mới về điện năng, du lịch sinh thái trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng ở miền tây Quảng Ngãi. Công trình đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, Khu đô thị mới Bắc Lê Lợi (TP Quảng Ngãi), đập dâng sông Trà Khúc cũng vừa khởi công xây dựng nhằm khai thác có hiệu quả thế mạnh của địa phương. Sự phát triển các vùng kinh tế bước đầu đã phát huy lợi thế, tiềm năng và có sự tác động tương hỗ giữa các vùng, miền. Cách làm này, TP Quảng Ngãi và các thị trấn huy động được vốn, xây dựng kết cấu hạ tầng và đạt mức tăng trưởng kinh tế khá làm động lực thúc đẩy các vùng phụ cận phát triển đồng bộ. Vùng đồng bằng, ven biển và hải đảo triển khai thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp – nông thôn, định hình rõ các vùng sản xuất chuyên canh cây, con và nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản. Vùng trung du-miền núi tập trung khai hoang mở rộng diện tích lúa nước, thực hiện việc giao đất, giao rừng gắn với khoanh nuôi, trồng rừng nguyên liệu và khuyến khích đồng bào đầu tư phát triển mạnh chăn nuôi, kinh tế vườn rừng đã tăng thu nhập hằng năm đáng kể.
Nói về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 17, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Quảng Ngãi là vùng đất nghèo, bị ảnh hưởng thiên tai liên tục, nhưng năm năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã thể hiện được tính đoàn kết, tiên phong và đặt niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, vốn có bề dày truyền thống cách mạng và đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thành công nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, tạo sự ổn định về chính trị, không ngừng nâng cao mức sống cho nhân dân. Mặc dù tỉnh Quảng Ngãi chưa tạo được nhiều điểm nhấn kinh tế, nhưng đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, xây dựng được cơ sở vật chất ban đầu và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất có kết quả, góp phần tăng trưởng kinh tế với nhịp độ khá cao. Các khu vực, ngành, vùng kinh tế đều phát triển mạnh và đa dạng; hình thành rõ nét các mô hình kinh tế lớn, vừa và nhỏ; trong đó hai ngành công nghiệp và nông nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc. Nếu như trước đây sản xuất nông nghiệp khó khăn thì nay đã có sự tăng trưởng ổn định, bảo đảm về an ninh lương thực; chăn nuôi phát triển, từng bước hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp phục vụ cho công nghiệp chế biến. Năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt hơn 32 triệu đồng/ha, tăng gấp 2,35 lần so năm 2005. Công nghiệp trước đây hầu như chưa có gì thì nay ngoài Khu kinh tế Dung Quất được Trung ương đầu tư phát triển với quy mô lớn, các khu công nghiệp của tỉnh cũng đã có bước tăng trưởng nhảy vọt, chiếm một tỷ trọng khá cao trong cơ cấu kinh tế. Nếu năm 2005, tỷ trọng công nghiệp là 30% thì nay tăng lên 58,3% (tỷ trọng lao động công nghiệp từ 12,7% nay tăng lên 17%); dịch vụ từ 35,2%, giảm xuống còn gần 30% (lao động dịch vụ từ 19,8% tăng lên 22%) và nông nghiệp từ 34,8% giảm xuống còn 18,8% (lao động nông nghiệp từ 67,5% nay giảm còn 61%). Nhờ vậy, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân 18,53%/năm (trong đó giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng bình quân 40%/năm; dịch vụ tăng bình quân 13,5% và nông – lâm – ngư nghiệp tăng bình quân 3,42%/năm). Nhìn một cách tổng quan nhiệm kỳ qua, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt nhiều thành tựu to lớn, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng, quy mô kinh tế tăng lên đáng kể và tỉnh đã cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra đều đã thực hiện đạt và vượt khá cao. Lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cải thiện đáng kể; quốc phòng – an ninh được tăng cường và giữ vững. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lòng tin của nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội đối với công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo được củng cố. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ tiếp tục được nâng cao, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra trong tình hình mới…
Bài học từ khâu đột phá
Quảng Ngãi còn trăm bề khó khăn, với một tỉnh nghèo trong khu vực miền trung, GDP bình quân đầu người mới đạt 1.209 USD vào năm 2010. Nhiều vùng dân cư ở nông thôn, miền núi có mức sống thấp. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi khóa 17 đưa ra hai chương trình đột phá, có tính quyết định trong việc tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, trong hai khâu đột phá đó vẫn thực hiện chưa thành công, còn nhiều yếu kém. Sản xuất công nghiệp hiện nay được coi là khâu đột phá có hiệu quả kinh tế cao, nhưng xét về tính chất và quy mô sản xuất còn nhỏ. Chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều sản phẩm kém chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Nông nghiệp, nông thôn và miền núi phát triển kinh tế chậm, công nghiệp phục vụ chế biến nông sản, thực phẩm còn yếu kém dẫn đến sự chênh lệch lớn về sản xuất công nghiệp và đời sống giữa các vùng và các tầng lớp dân cư. Trong công tác quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến còn nhiều hạn chế. Tỉnh có chủ trương đúng, nhưng biện pháp thực hiện kém hiệu quả. Đến nay trên địa bàn chưa hình thành được vùng nguyên liệu nào cho ra ngô, ra khoai: diện tích mía thì giảm dần, cây mì, cây keo và cây cao-su trồng không theo ý muốn, lấn đất lâm nghiệp, xâm hại đến rừng. Thủy sản cũng là thế mạnh của tỉnh, với 130 km bờ biển, hằng năm khai thác nguồn lợi thủy sản lớn, có nhiều đầm, hồ nuôi tôm nước lợ, nuôi tôm trên cát đạt hiệu quả kinh tế cao, thế nhưng môi trường bị ảnh hưởng nặng. Khâu thu mua, chế biến và xuất khẩu còn yếu, hiệu quả kinh tế thấp, chưa đạt chỉ tiêu của tỉnh đề ra. Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn – miền núi được đầu tư phát triển nhanh chóng. Nhưng xét đến cùng thì nhiều công trình xây dựng, thi công kém chất lượng, hiệu quả kinh tế thấp chưa tác động mạnh trong đời sống, xã hội. Nhận xét về các chương trình đột phá, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh: Hai khâu đột phá được tỉnh chọn là rất đúng, sát với thực tiễn, trong đó bước đột phá về công tác cán bộ rất quan trọng. Công tác cán bộ có quy hoạch, đào tạo thì mới có nguồn cán bộ bố trí vào quản lý doanh nghiệp, quản lý các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, mặt trận. Thực hiện luân chuyển cán bộ từ tỉnh xuống huyện, từ ngành này sang ngành khác cũng là làm cho cán bộ có thêm kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, quản lý và điều hành công việc tốt hơn. Với Quảng Ngãi, khâu đào tạo, nuôi dưỡng nguồn cán bộ trong thời gian qua còn hạn chế. Hiện nay nhiều ngành thiếu cán bộ, nhưng chọn người có đủ năng lực để bố trí thì rất hiếm. Thực tế cho thấy năng lực quản lý, điều hành của một số cán bộ hiện nay quá yếu, chưa đủ trình độ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong từng lĩnh vực. Có một số cán bộ đạo đức kém, biểu hiện quyền lợi cá nhân, xem thường tập thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của Đảng và của nhân dân…
Tạo động lực mới
Thực tế từ những mặt yếu kém, nhất là kinh tế phát triển chưa đồng bộ, thiếu bền vững… Trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đã nêu rõ mục tiêu trong năm năm tới là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, tạo nền tảng để Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Theo đó, các chỉ tiêu cơ bản đề ra phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 14 đến 15%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt khoảng 2.200 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 20%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề hơn 45%, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp còn 47% và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh từ 3 đến 4%/năm…
Có thể nói, Quảng Ngãi có nhiều lợi thế về tiềm năng, lao động và có khả năng thu hút đầu tư phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững. Trong nhiệm vụ đột phá lần này, tỉnh không đề ra dàn trải mà chỉ chọn ba nhiệm vụ đột phá triển khai đầu tư đúng mức nhằm tạo động lực mới để phát triển kinh tế – xã hội một cách có hiệu quả. Một là tập trung đầu tư phát triển kinh tế theo hướng CNH, HĐH, bảo đảm đưa công nghiệp có mức tăng trưởng nhảy vọt. Hai là đầu tư nguồn nhân lực theo hướng chiều sâu, bảo đảm đúng quy trình trong khâu đánh giá và bố trí cán bộ; đồng thời xây dựng đội ngũ chuyên gia mạnh, công nhân lành nghề. Ba là xây dựng phát triển đô thị mang tính chiến lược bền vững. Thu hút những dự án lớn vào Khu kinh tế Dung Quất và các ngành nghề dịch vụ tiện ích phục vụ khu kinh tế này. Phát triển mạnh ngành thủy sản và vùng cây nguyên liệu chuyên canh, bảo đảm phục vụ công nghiệp chế biến và phát triển dịch vụ, du lịch. Đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tiện ích cho các vùng nông thôn, miền núi, Khu công nghiệp Dung Quất; các khu công nghiệp Quảng Ngãi và cụm công nghiệp, làng nghề ở huyện. Phấn đấu hoàn thành các công trình trọng điểm như đường nối các huyện miền núi; đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh; đường Dung Quất – Trà Bồng – Trà My nối đường Hồ Chí Minh; đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và phát triển hệ thống giáo dục, trường đào tạo nghề, trường đại học, cao đẳng có chất lượng cao và thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm cho hộ nghèo một cách có hiệu quả…
Coi việc ổn định chính trị – xã hội vừa là mục tiêu vừa là tiền đề trực tiếp của sự tăng trưởng kinh tế, do đó Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ trong tình hình mới. Đồng thời thực hiện tốt công tác bố trí, luân chuyển cán bộ; phát huy dân chủ, trí tuệ, vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ và tạo ra động lực mới bảo đảm tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đề ra, tạo nền tảng để Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.
Ý kiến ()