Quảng Nam thành lập Vườn quốc gia Sông Thanh
Vườn quốc gia Sông Thanh có những giá trị bảo tồn cấp quốc gia và toàn cầu với hệ thực vật vô cùng phong phú và đa dạng khi có hơn 899 loài thực vật bậc cao, trong đó có 101 loài trong Sách Đỏ.
Vườn quốc gia Sông Thanh có nhiều loài động vật quý hiếm |
Chiều 23/12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ công bố quyết định chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh lên Vườn quốc gia Sông Thanh.
Vườn quốc gia Sông Thanh nằm ở phía tây bắc tỉnh Quảng Nam, trải dài trên địa bàn 12 xã của 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn thuộc khu vực biên giới Việt Nam-Lào, phía Nam giáp với tỉnh Kon Tum. Vườn có tổng tổng diện tích hơn 76.669 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích hơn 58.225 ha và 18.367 ha là phân khu phục hồi sinh thái.
Vườn quốc gia Sông Thanh có những giá trị bảo tồn cấp quốc gia và toàn cầu với hệ thực vật vô cùng phong phú và đa dạng khi có hơn 899 loài thực vật bậc cao, trong đó có 101 loài trong Sách Đỏ. Đặc biệt, vườn có một số loại quý, hiếm như trầm hương, lan kim tuyến, chò chỉ Lào, mây sông Thanh, lá nón Trung Bộ. Ngoài ra, vườn còn là một khu vực rừng hỗn giao tập trung hàng trăm ha pơ mu, đây là kiểu rừng độc đáo cần được bảo vệ.
Về động vật, Vườn quốc gia Sông Thanh có 53 loài thú, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá và nhiều loại động vật không xương sống khác; trong đó, có 23 loài thú, 12 loài chim, 16 loài bò sát và 3 loài lưỡng cư có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Vườn có nhiều loài thú quý hiếm, đặc hữu như voọc vá chân nâu, voọc vá chân xám, mang lớn, mang Trường Sơn, trong đó mang Trường Sơn được phát hiện ở Quảng Nam vào năm 1997. Ngoài ra, các quần thể voọc vá, cu li và vượn tại Vườn quốc gia Sông Thanh là những quần thể linh trưởng khá tập trung của Việt Nam và thế giới.
Vườn quốc gia Sông Thanh có vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam và toàn cầu bởi các đặc điểm mà hiếm khu vườn nào khác có được. Cụ thể, vườn nằm hoàn toàn trong một khu rừng đặc dụng lớn, có vai trò kết nối sinh cảnh với Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (tỉnh Quảng Nam), Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum), Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi – Quảng Nam… tạo ra một trong những vùng có diện tích rừng tự nhiên liên tục lớn, lên đến 500.000 ha ở khu vực miền Trung và cả nước…
Do đó, chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành Vườn quốc gia Sông Thanh với các khu chức năng: Khu bảo vệ nghiêm ngặt, có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên rừng và đất, cảnh quan và các tài nguyên sinh học đảm bảo tự nhiên của các hệ sinh thái; thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái rừng; hỗ trợ dịch vụ du lịch sinh thái. Khu phục hồi sinh thái, có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng; phục hồi các hệ sinh thái rừng, khôi phục đa dạng sinh học và các giá trị khác của khu rừng; thực nghiệm, nghiên cứu lâm sinh, động, thực vật và địa chất, thủy văn, phát triển du lịch sinh thái…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, việc chuyển đổi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành Vườn quốc gia Sông Thanh là nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện chiến lược bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo tồn động, thực vật quý hiếm.
Vườn quốc gia Sông Thanh ra đời không chỉ có ý nghĩa bảo tồn, mà còn tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thúc đẩy các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới, các loài động vật quý hiếm, khu rừng Trường Sơn.
Không những thế, Vườn quốc gia Sông Thanh ra đời còn phát huy thiết thực việc khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên với tiềm năng về du lịch khác như Đường Hồ Chí Minh lịch sử, các di tích nền văn hóa Sa Huỳnh, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Tây Quảng Nam, nhằm cải thiện sinh kế địa phương thông qua các hoạt động sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên.
Ý kiến ()