Quảng Nam phát triển công nghiệp
Đến nay, Quảng Nam đã vượt ra khỏi tỉnh thuần nông và có bước tiến đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi. điều đó tạo nền tảng quan trọng để Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.Xây dựng hạ tầng, hình thành các khu công nghiệpTrong buổi trò chuyện với chúng tôi mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu tự hào khi kể về những kết quả đạt được trong công tác thu hút đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Chúng tôi hiểu niềm vui của đồng chí Phó Chủ tịch bởi hồi mới tách ra khỏi Đà Nẵng, Quảng Nam là một tỉnh nghèo. Cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào cây lúa, con heo... Hệ thống đường giao thông, công trình điện, thủy lợi... còn tạm bợ, chưa được đầu tư nâng cấp.Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, ngay từ những năm đầu mới tái lập, dù nguồn ngân sách còn hạn hẹp, nhưng hằng năm Quảng Nam...
Xây dựng hạ tầng, hình thành các khu công nghiệp
Trong buổi trò chuyện với chúng tôi mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu tự hào khi kể về những kết quả đạt được trong công tác thu hút đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Chúng tôi hiểu niềm vui của đồng chí Phó Chủ tịch bởi hồi mới tách ra khỏi Đà Nẵng, Quảng Nam là một tỉnh nghèo. Cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào cây lúa, con heo… Hệ thống đường giao thông, công trình điện, thủy lợi… còn tạm bợ, chưa được đầu tư nâng cấp.
Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, ngay từ những năm đầu mới tái lập, dù nguồn ngân sách còn hạn hẹp, nhưng hằng năm Quảng Nam vẫn dành một nguồn vốn đáng kể cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu. Với nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp… tỉnh đã khởi công xây dựng hàng loạt tuyến đường giao thông trọng điểm. Nhờ vậy, đến nay, hệ thống đường giao thông huyết mạch từ đồng bằng đến các huyện miền núi đã được xây dựng, nâng cấp. Hiện nay, toàn tỉnh đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa gần một nghìn km đường liên xã, liên huyện và hơn ba nghìn km đường giao thông nông thôn. Từ năm 2005 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh hơn 39 nghìn tỷ đồng, gấp ba lần so với giai đoạn 2001 – 2005; trong đó, vốn ngân sách nhà nước là gần 12 nghìn tỷ đồng. Đi liền với nâng cấp và mở rộng các tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi, hệ thống điện, từ đầu năm 2000 đến nay, Quảng Nam tiến hành quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp. Điển hình trong các KCN này phải kể đến Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai, KCN Điện Nam – Điện Ngọc.
Trở lại Chu Lai vào những ngày đầu tháng 12 này, chúng tôi chứng kiến không khí lao động khá sôi động. Hàng nghìn công nhân ở Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô-tô Chu Lai – Trường Hải tấp nập vào xưởng. Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và lắp ráp ô-tô Chu Lai – Trường Hải Phạm Văn Tài phấn khởi thông tin: Sau đợt suy giảm kinh tế năm trước, năm 2010, công ty đã sản xuất được 23 nghìn 800 xe ô-tô các loại; tiêu thụ 26.240 xe, đạt doanh thu hơn 8.870 tỷ đồng (tăng 37% so với năm 2009). Ngoài việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hơn 3.800 lao động, công ty còn đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn hai nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước.
Thoát khỏi thế thuần nông
Từ khi các KCN được hình thành, cùng với các chính sách ưu đãi về đất đai đã tạo ra môi trường thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. KCN Điện Nam – Điện Ngọc rộng 145 ha (giai đoạn 1) cơ bản đã được lấp đầy. Đây là KCN lớn của tỉnh, xây dựng cách đây 10 năm. Đến nay, đã có 46 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 2.104 tỷ đồng và 285 triệu USD. Đã có 38 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 18 nghìn lao động.
Rời KCN Điện Nam – Điện Ngọc, chúng tôi theo tuyến đường ven biển qua các huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình về Núi Thành. Tuy tuyến đường này chưa được xây dựng xong, nhiều đoạn thi công còn dở dang, nhưng bước đầu đã kết nối với Khu KTM Chu Lai, tạo ra động lực mới cho khu vực phía đông của tỉnh. Nếu như phía bắc có KCN Điện Nam – Điện Ngọc 'kích hoạt' thì phía nam có Khu KTM Chu Lai là một động cơ lớn đánh thức vùng cát phía nam của tỉnh. Phó trưởng Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai Nguyễn Văn Lúa cho biết: Khu KTM Chu Lai hiện có 61 dự án đã được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 1,5 tỷ USD; trong đó có 35 dự án đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư hơn 500 triệu USD, tạo việc làm cho hơn tám nghìn lao động tại địa phương.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hồng Vân cho biết: Ngoài Khu KTM Chu Lai, tỉnh đã hình thành tám KCN, với diện tích 4.032 ha. Bước đầu đã thu hút gần 100 dự án đầu tư, với tổng vốn đã đầu tư khoảng 526 triệu USD, thu hút gần 20 nghìn lao động. Bên cạnh việc thu hút các doanh nghiệp lớn vào các KCN, những năm qua, tỉnh đã tiến hành quy hoạch, xây dựng 157 cụm công nghiệp, với diện tích 3.111 ha. Đến nay, có nhiều cụm công nghiệp đã hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, thu hút được nhiều nhà đầu tư. Phó Chủ tich UBND thành phố Tam Kỳ Trần Nam Hưng cho biết: Ngay sau khi thành lập, vào năm 2003, Cụm công nghiệp Trường Xuân đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào làm ăn. Hiện có 16 doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến tại đây, với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn hai nghìn lao động.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, thời gian qua, đi cùng với phát triển công nghiệp, Quảng Nam chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ nhằm khai thác có hiệu quả hai Di sản văn hóa thế giới: phố cổ Hội An và tháp Mỹ Sơn. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 195 dự án đầu tư du lịch, với vốn đăng ký hơn 91 nghìn tỷ đồng và có 110 dự án đi vào hoạt động. Đặc biệt, là đã hình thành được một hệ thống dịch vụ gồm 105 cơ sở lưu trú, với hơn bốn nghìn phòng đầy đủ tiện nghi cho khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Lượng du khách tăng bình quân hằng năm hơn 12%; dự kiến, năm 2010, đón khoảng 2,4 triệu lượt khách du lịch (tăng 1,8 lần so với thời điểm năm 2005), thu nhập xã hội từ du lịch khoảng 2.100 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2005.
Hướng đến tỉnh công nghiệp vào năm 2020
Tại đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, Quảng Nam đã đề ra mục tiêu phấn đấu thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này không dễ. Điều làm nhiều người quan tâm là, trong những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã đề ra hướng đi thích hợp trong phát triển kinh tế, thu hút được nguồn vốn từ bên ngoài, tạo bước chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhưng nhìn chung những kết quả đạt được chưa thật vững chắc; tỷ trọng nông nghiệp trong GDP ở nhiều huyện còn khá lớn; tình trạng phát triển kinh tế theo kiểu phong trào, chưa gắn việc phát triển kinh tế với bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường, còn xảy ra ở nhiều nơi. Điều dễ nhận thấy là, đến nay, tuy tỷ trọng các ngành công nghiệp – dịch vụ đạt đến 78,6%, nhưng lực lượng lao động mới chỉ dịch chuyển được 40% sang lĩnh vực phi nông nghiệp, nghĩa là còn đến 60% lao động trong nông nghiệp. Hơn nữa, lực lượng qua đào tạo nghề chỉ chiếm 30% tổng số lao động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, để khắc phục những hạn chế này, nhất là để tạo ra sự chuyển biến một cách bền vững, những năm tới, Quảng Nam sẽ tập trung vào ba vấn đề lớn. Đó là, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư. Theo đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cho các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch; trên cơ sở đó, huy động nguồn vốn để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các vùng kinh tế trọng điểm; trong đó ưu tiên nguồn vốn nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông. Trước hết, là đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường ven biển; nâng cấp các tuyến đường lên phía tây nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Mặt khác, để giải bài toán về nguồn nhân lực, tới đây, Quảng Nam sẽ rà soát, củng cố lại 42 cơ sở đào tạo nghề; thành lập thêm một số trường trung cấp, cao đẳng nghề; dành nguồn vốn đáng kể đầu tư mua sắm các thiết bị, phục vụ công tác giảng dạy của các trường trung học, cao đẳng, đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Đồng thời có chính sách thu hút con em quê hương đang học tập và công tác từ các nơi về làm việc, đầu tư vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc tổ chức bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong bộ máy công quyền; ban hành các cơ chế ưu đãi nhằm tạo ra môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Theo Nhandan
Ý kiến ()