Quảng Nam chọn bốn khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Nhiều hộ nông dân ở Quảng Nam mua máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. Trong hành trình vươn tới tỉnh công nghiệp, Quảng Nam vẫn chú trọng đến chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua một thời gian thực hiện đến nay, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, việc đầu tư cho chương trình này ở các địa phương vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.Diện mạo nông thôn mớiTrao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Bình Tú, huyện Thăng Bình Phan Thị Thùy Trang cho biết, những năm qua, cùng với thực hiện chương trình bê-tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, Bình Tú đã đẩy mạnh công tác "dồn điền, đổi thửa", chỉnh trang lại đồng ruộng, với diện tích hơn một nghìn ha; đồng thời đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng, kênh mương tưới tiêu và mạnh dạn đưa các loại giống lúa mới vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất lúa ngày càng tăng. Từ chỗ, đất đai cằn cỗi, sau giải phóng, năng suất...
|
Diện mạo nông thôn mới
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Bình Tú, huyện Thăng Bình Phan Thị Thùy Trang cho biết, những năm qua, cùng với thực hiện chương trình bê-tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, Bình Tú đã đẩy mạnh công tác “dồn điền, đổi thửa”, chỉnh trang lại đồng ruộng, với diện tích hơn một nghìn ha; đồng thời đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng, kênh mương tưới tiêu và mạnh dạn đưa các loại giống lúa mới vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất lúa ngày càng tăng. Từ chỗ, đất đai cằn cỗi, sau giải phóng, năng suất lúa bấp bênh từ 20 đến 30 tạ/ha; đến nay, năng suất bình quân của toàn xã lên đến 64 tạ/ ha, tăng 9 tạ/ha so với năm 2008. Từ chỗ các khâu sản xuất đều chủ yếu dựa vào sức người, bây giờ, bà con nông dân đã đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, toàn xã có hơn một nghìn chiếc máy làm đất, thu hoạch các loại.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Gặp cho biết: Những năm gần đây, ngoài việc thực hiện hai chương trình lớn: Bê-tông hóa đường giao thông nông thôn và kiên cố hóa các công trình thủy lợi, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công tác: chỉnh trang lại đồng ruộng, “dồn điền, đổi thửa”; làm các tuyến đường giao thông, kênh mương nội đồng và hình thành các cánh đồng chuyên canh. Nhiều địa phương không có nguồn nước tưới chủ động như: Điện Bàn, Duy Xuyên còn đầu tư nguồn vốn xây dựng các trạm bơm điện, triển khai chương trình thủy lợi đất màu… đã mang lại lợi ích thiết thực.
Khi nói về chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, kinh tế nông thôn. Qua ba năm thực hiện, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động nguồn vốn, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng ở nông thôn; áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, các loại giống vào sản xuất; đồng thời đẩy mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách hợp lý theo từng vùng… và đã thu được những kết quả nhất định. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,8%/năm. Từ một tỉnh thuần nông, cuộc sống của người nông dân chủ yếu dựa vào cây lúa, củ khoai. Ngày nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cánh đồng cao sản; nhiều trang trại trồng trọt, chăn nuôi làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, tại huyện Tiên Phước có nhiều trang trại trồng cây ăn quả đem lại cho nông dân mức lãi ròng từ 100 đến 150 triệu đồng/ha/năm.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 1.299 trang trại, có diện tích gần 11 nghìn ha, với tổng vốn đầu tư 282 tỷ đồng; góp phần giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hơn ba nghìn lao động ở địa phương. Điều đáng mừng hơn cả là, kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn có những bước tiến bộ; giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 36 triệu đồng/ha/năm thì năm 2010 tăng lên hơn 38,4 triệu đồng/ha/năm. Trong ba năm gần đây, Quảng Nam đã tạo việc làm mới cho gần 37 nghìn lao động và có hơn 14 nghìn lao động được hỗ trợ học nghề; đời sống người dân từng bước được cải thiện. Năm 2010 thu nhập bình quân lao động nông thôn đạt 17,1 triệu đồng/người/năm, tăng 2,2 lần so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 25,5% (năm 2008) xuống còn 18,78% (năm 2010). Cạnh đó, lĩnh vực y tế, giáo dục ở khu vực nông thôn chuyển biến mạnh mẽ; tỷ trọng đầu tư vào khu vực nông thôn, miền núi bình quân hằng năm chiếm khoảng hai phần ba tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tính từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 120 km đường được xây dựng mới, hơn 150 km đường huyện được nâng cấp. Nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện những nội dung công việc về xây dựng nông thôn mới, và bước đầu đã có 33 xã đạt 10 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Giải pháp phát triển kinh tế nông thôn
Tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Quảng Nam là: Quy hoạch ngành nông nghiệp chưa được triển khai đồng bộ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và nội bộ ngành nông nghiệp còn chậm; tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo còn quá cao. Hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn có cải thiện nhưng còn yếu kém, môi trường sinh thái ở một số khu vực nông thôn bắt đầu ô nhiễm. Kinh tế hợp tác, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp chưa thực hiện tốt vai trò hỗ trợ cho nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề đầu tư ngân sách vào nông thôn chưa tương xứng tiềm năng, việc áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng còn hạn chế. Công tác “dồn điền, đổi thửa” mới thực hiện được khoảng 20% diện tích toàn tỉnh. Việc đo đạc, chỉnh lý biến động ruộng đất và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau “dồn điền, đổi thửa” triển khai chậm.
Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra, Quảng Nam đã xác định tập trung bốn khâu đột phá quan trọng: Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại hóa, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội ở nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; huy động các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Trước hết phải hoàn thành việc lập quy hoạch và phê duyệt đề án nông thôn mới và triển khai công tác quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững, không chồng chéo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân nhận thức rõ về mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm trong việc thực hiện chương trình nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho biết, tỉnh vừa ban hành hàng loạt các cơ chế, chính sách khuyến khích trong phát triển “Tam nông”. Cụ thể về công tác “dồn điền, đổi thửa”. Theo chủ trương này, cứ một thôn thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, ít nhất là 10 ha thì ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ cho ban chỉ đạo cấp xã ba triệu đồng và ban nhân dân thôn với mức 7 – 10 triệu đồng. Đối với ban chỉ đạo cấp huyện, thành phố thì căn cứ diện tích thực hiện trên địa bàn, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 30 nghìn đồng/ha. Ngoài ra, ngân sách tỉnh còn hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha để thực hiện việc đo đạc, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân sau khi dồn điền đổi thửa. Sắp tới, tỉnh sẽ huy động nhiều nguồn vốn hỗ trợ 50% kinh phí để các địa phương thi công trục chính giao thông nội đồng và các công trình cống qua đường và hỗ trợ 2 triệu đồng/ha thực hiện việc chỉnh trang đồng ruộng…
HĐND tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết về tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2015, tỉnh sẽ đầu tư 143 tỷ đồng để xây dựng 256 công trình thủy lợi nhỏ (chủ yếu tập trung ở miền núi) nhằm chủ động tưới cho hơn 3.600 ha đất canh tác. Đồng thời, triển khai thi công 109 hệ thống thủy lợi hóa đất màu, với nguồn vốn đầu tư khoảng 40 tỷ đồng để bảo đảm cung ứng nguồn nước cho một nghìn ha cây trồng cạn tại những khu vực đồi gò, bãi bồi ven sông, ven biển. Trong năm năm tới, tỉnh sẽ dành 210 tỷ đồng để kiên cố hóa khoảng 410 km kênh loại 2 và loại 3 trên địa bàn tỉnh. Để tạo điều kiện cho người nông dân giải phóng sức lao động và tăng năng suất lao động, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng hoàn chỉnh và chuẩn bị trình UBND tỉnh phê duyệt đề án “Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, giai đoạn 2011-2015” nhằm khuyến khích người nông dân mạnh dạn đầu tư vốn mua sắm máy móc, phương tiện phục vụ cho sản xuất, nâng cao thu nhập và tiếp tục góp phần tạo ra diện mạo mới ở nông thôn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()