Quảng Nam cải thiện môi trường đầu tư
Nghị quyết Đại hội lần thứ 20 Đảng bộ tỉnh Quảng Nam xác định: Xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là khâu đột phá quan trọng để trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị.Kết quả bước đầuTrở lại Chu Lai, Núi Thành - nơi trận đầu đánh Mỹ năm xưa, vào những ngày cuối tháng 5 lịch sử này, điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là nhà ở của người dân nằm trong diện giải tỏa đã được bố trí vào các khu tái định cư ngày một đông hơn và diện tích đất trống tại các khu công nghiệp: Tam Hiệp, Bắc Chu Lai... đã được lấp đầy dần bởi các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô Chu Lai - Trường Hải, Kính nổi Chu Lai... Điều mừng là, trong khi tình hình giá cả tăng cao, nhưng các nhà máy ở đây vẫn hoạt động bình thường và đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Bí thư...
Kết quả bước đầu
Trở lại Chu Lai, Núi Thành – nơi trận đầu đánh Mỹ năm xưa, vào những ngày cuối tháng 5 lịch sử này, điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là nhà ở của người dân nằm trong diện giải tỏa đã được bố trí vào các khu tái định cư ngày một đông hơn và diện tích đất trống tại các khu công nghiệp: Tam Hiệp, Bắc Chu Lai… đã được lấp đầy dần bởi các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô Chu Lai – Trường Hải, Kính nổi Chu Lai… Điều mừng là, trong khi tình hình giá cả tăng cao, nhưng các nhà máy ở đây vẫn hoạt động bình thường và đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tiến phấn khởi thông báo: Từ khi Khu Kinh tế mở (KTM) Chu Lai được thành lập và đi vào hoạt động đã tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Từ một huyện nông nghiệp, đến nay, tại mảnh đất Núi Thành đã mọc lên nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp. Mới đây, Công ty TNHH Công nghiệp và Năng lượng Đông Dương đã khởi công Nhà máy sản xuất tấm thu năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai (tổng vốn đầu tư 390 triệu USD, công suất 2,4 triệu sản phẩm/năm); Công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải đã hợp tác với Tập đoàn Hyundai Motor (Hàn Quốc) sản xuất, lắp ráp thành công xe tải Thaco – Hyundai;…
Đưa chúng tôi đến thăm một số nhà máy ở Khu KTM Chu Lai, Trưởng phòng Trợ giúp Đầu tư, Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai Võ Văn Hùng cho biết, do ảnh hưởng của giá cả, lạm phát nên tình hình thu hút đầu tư vào Chu Lai bị chững lại. Tuy vậy, một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn không chỉ duy trì sản xuất mà còn mạnh dạn mở rộng đầu tư. Đầu năm 2011, Công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải và Nhà máy Kính nổi Chu Lai đã đầu tư 1.500 tỷ đồng để mở rộng cơ sở sản xuất. Như vậy, trên địa bàn Khu KTM Chu Lai (tính luôn các dự án tổng thể sắp xếp dân cư ven biển) hiện đã có 65 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn năm tỷ USD. Trong đó, có 38 dự án đang hoạt động, tổng vốn thực hiện đầu tư khoảng 560 triệu USD, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 nghìn lao động.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải cho biết, qua hai năm triển khai nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về 'xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh', môi trường đầu tư của tỉnh đã cải thiện đáng kể, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân có chuyển biến tích cực, hầu hết các DN hoạt động có hiệu quả. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, Quảng Nam đã thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn vào Khu KTM Chu Lai, Khu Công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc và các cụm công nghiệp trên địa bàn. Việc sản xuất, lắp ráp thành công các loại xe ô-tô của Công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải, sản phẩm kính dân dụng của Nhà máy Kính nổi Chu Lai, Cồn Ethanol của Công ty CP Đồng Xanh… đã góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Theo số liệu tổng hợp mới đây, Quảng Nam hiện có hơn 5.330 doanh nghiệp trong nước, với tổng vốn đăng ký kinh doanh 22 nghìn tỷ đồng; 82 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký 5,2 tỷ USD… Nhờ thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng, nên tổng giá trị sản xuất ở các lĩnh vực này tăng lên rõ rệt. Trong năm năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 12,8%/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2005; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân gần 25,8%; giá trị ngành dịch vụ tăng 16,1%… Điều đáng nói là, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng công nghiệp – xây dựng tăng từ 34% (năm 2005) lên 40,1% (năm 2010); dịch vụ từ 35% lên 38,5% và nông – lâm – ngư nghiệp từ 31% xuống còn 21,4%…
Lực cản trong thu hút đầu tư
Công tác thu hút đầu tư vào Quảng Nam trong thời gian gần đây còn nhiều hạn chế. Số lượng các nhà đầu tư đến tìm hiểu, triển khai dự án ngày càng giảm. Tình trạng dự án đăng ký trên giấy, dự án treo còn nhiều. Điều này, một phần do bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, do lạm phát, lãi vay ngân hàng tăng cao. Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân khách quan, thu hút đầu tư chững lại còn do nhiều nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ quan chức năng ở địa phương và nhà đầu tư. Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, thời gian qua, có nhiều DN phàn nàn về thủ tục hành chính. Một số giám đốc DN cho rằng, ở Quảng Nam hiện có quá nhiều cơ quan quản lý về đầu tư; thủ tục thành lập DN có nhanh hơn trước đây, nhưng thủ tục đầu tư diễn ra chậm. Việc tiếp cận thông tin, đất đai, nguồn vốn… còn khó khăn, bất cập. Tình trạng 'trên thông, nhưng dưới chưa thoáng' cấp dưới tỏ ra 'quan trọng' hơn cấp trên còn phổ biển ở nhiều nơi, đã trở thành lực cản trong thu hút đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh chia sẻ: Hiện tại, có nhiều DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và gặp khó khăn trong việc huy động vốn, cho nên phải giãn tiến độ cam kết là điều dễ thông cảm. Nhưng có một số nhà đầu tư, không vướng mắc gì về mặt bằng cũng không triển khai, hoặc triển khai cầm chừng và có dấu hiệu 'chiếm đất' để chuyển nhượng dự án. Chính các nhà đầu tư làm ăn theo kiểu này đã làm cho công tác thu hút đầu tư của địa phương vốn đã khó khăn, lại thêm phức tạp. Để làm sạch môi trường đầu tư, năm 2010, tỉnh đã kiên quyết thu hồi giấy phép một dự án du lịch, với số vốn đăng ký hơn bốn tỷ USD. Đầu năm 2011, UBND tỉnh tiếp tục thu hồi giấy phép 10 dự án nữa; trong đó, có hai dự án đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho biết, Quảng Nam đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư. Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là khâu đột phá quan trọng để phát triển Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020. Để công tác thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao, tỉnh sẽ tập trung triển khai một số nhóm giải pháp chủ yếu nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và thị trường; giải quyết hài hòa các mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích… Theo đó, tỉnh sẽ tiến hành rà soát quy hoạch, trên cơ sở đó, tập trung thu hút các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Trước mắt, tỉnh tranh thủ nguồn vốn từ các kênh để hoàn thành các công trình trọng điểm như: cầu Cửa Đại, nạo vét sông Trường Giang; các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn; nạo vét luồng cảng Kỳ Hà. Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuẩn bị mặt bằng sạch để đón các nhà đầu tư. Mặt khác, tỉnh sẽ tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Sắp tới, tất cả các cơ quan chức năng phải thực hiện niêm yết, công khai quy hoạch, hồ sơ, thủ tục, điều kiện liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh có chủ trương khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết đào tạo nghề và đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề nhằm đáp ứng lực lượng lao động có tay nghề cao cho các DN. Tập trung xây dựng bảng giá đất có tính cạnh tranh, cương quyết xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân gây cản trở việc thực hiện các dự án đầu tư, nhũng nhiễu DN, ổn định quy hoạch lâu dài, tập trung nguồn lực để khai thác quỹ đất ở một số khu vực. Xây dựng đề án 'Giải thưởng doanh nhân Đất Quảng' nhằm tôn vinh và khuyến khích các doanh nhân tận tâm đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Đồng thời, tỉnh sẽ rà soát, tiếp tục thu hồi giấy phép những dự án không triển khai, những dự án có tác động xấu và gây ô nhiễm môi trường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()