Quảng Lạc: Chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất
– Thời gian qua, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), chính quyền xã Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn) đã tiếp tục triển khai, xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giữ vững các tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.
Đầu năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình xây dựng NTM, gia đình anh Hoàng Văn Quân, thôn Quảng Hồng, xã Quảng Lạc được UBND xã hỗ trợ gần 200 triệu đồng để xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nông hộ kiểu mẫu. Anh Quân cho biết: Nhận thấy đây là mô hình phù hợp với gia đình nên tôi đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại với quy mô nuôi từ 80 đến 100 con lợn. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật nên đàn lợn phát triển khá tốt, đến nay, tôi đã xuất chuồng 3 lứa, mỗi lứa từ 30 đến 40 con, mang lại nguồn thu nhập hơn trăm triệu đồng. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, mở rộng quy mô chuồng trại.
Nông dân thôn Quảng Trung III, xã Quảng Lạc chăm sóc cây dẻ ghép
Còn gia đình anh Hoàng Văn Hưng, thôn Quảng Hồng tham gia mô hình phát triển trồng cây hoa đào thương phẩm từ năm 2019. Anh Hưng cho biết: Gia đình tôi có 6 sào đất trồng đào. Nhờ được tập huấn khoa học, kỹ thuật và được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên cây phát triển khá tốt. Thu nhập hằng năm đạt trên 120 triệu đồng/năm, giúp gia đình tôi dần cải thiện đời sống.
Được biết, hộ anh Quân, anh Hưng chỉ là hai trong số nhiều hộ nông dân được hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng địa phương từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình xây dựng NTM. Từ năm 2019 đến nay, UBND xã thực hiện 12 mô hình hỗ trợ người dân phát triển sản xuất với tổng số vốn gần 18 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ gần 7 tỷ đồng, Nhân dân đối ứng gần 11 tỷ đồng để thực hiện các mô hình. Qua đánh giá, các mô hình đều cho kết quả khá khả quan, điển hình như: mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm của HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp An Hồng từ tháng 7/2020 với quy mô nuôi 500 con lợn thịt, mô hình trồng cây hoa đào thương phẩm tại HTX Dịch vụ nông nghiệp hoa đào Bản Cao từ tháng 9/2019 đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/hộ/năm… Qua đó, góp phần nâng mức thu nhập bình quân của xã trên 35 triệu/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,98% (giảm 0,19% so với năm 2019).
Để có kết quả đó, hằng năm, UBND xã chủ động rà soát, lựa chọn các mô hình phù hợp với tiềm năng thực tiễn để triển khai thực hiện. Đồng thời, xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất như: hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tuyên truyền Nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Trung bình hằng năm, UBND xã phối hợp tổ chức tập huấn khoảng 4 cuộc thu hút gần 200 lượt người tham gia; mở từ 2 lớp dạy nghề cho gần 100 lượt học viên… Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, UBND xã tổ chức đưa gần 200 nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất tại các tỉnh như: Hải Phòng, Thanh Hóa… Ngoài ra, UBND xã còn nâng cao vai trò của các HTX trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm như: hạt dẻ; lợn; cà gai leo…
Bà Nông Thị Thùy Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết: Trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ sản xuất được phân bổ, xã đã triển khai xuống người dân theo đúng quy định. Qua đó, phong trào phát triển kinh tế của người dân được nâng lên rõ rệt, bước đầu đem lại những hiệu quả thiết thực trong việc cải thiện đời sống vật chất của bà con và góp phần xây dựng các mô hình kinh tế, khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của xã.
Có thể thấy, các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng NTM đã giúp người dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến sản xuất nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả các chương trình để điều chỉnh kế hoạch hỗ trợ, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.
Ý kiến ()