NDĐT- Bão số 10 gây hậu quả nghiêm trọng đối với tỉnh Quảng Bình, riêng trong nông nghiệp thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng. Người dân trắng tay cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng đối mặt với những rủi ro mới. Các ngân hàng đang tìm cách “giải cứu” cho khách hàng để tiếp tục sản xuất và có điều kiện trả nợ, song cũng gặp nhiều khó khăn.
Trắng tay, làm lại từ đầu
Sau bão hơn 10 ngày, bà Phạm Thị Sen ở thôn Xuân Giang, xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy vừa dẫn chúng tôi ta vườn cao su, vừa nói trong nước mắt: “Từ sau bão đến chừ cả nhà chẳng nuốt nổi cơm. Mấy năm nay trồng, chăm sóc 3ha cao su tưởng đến ngày được cạo mủ, thu vốn thì trận cuồng phong đã cuốn đi tất cả. Bụng mừng nhưng mặt chưa kịp vui. Món nợ ngân hàng 200 triệu đồng chừ biết lấy tiền mô để trả. Không biết lấy chi thế chấp để vay vốn để trồng lại cao su”.
Không riêng bà Sen mà gần 200 hộ dân xã miền núi Văn Thủy cũng trong tình trạng tương tự.
Người trồng cao su khóc cạn nước mắt bên rừng cây bị phạt ngang như chặt. Còn bên triền sóng, hàng nghìn người nuôi tôm trên cát Quảng Bình cũng đau nỗi đau hậu siêu bão mà đến nay vẫn chưa nguôi.
Hơn 10 năm nay, ông Lê Văn Lài ở thôn 9, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch gắn bó với nghề nuôi tôm trên cát. Từ con tôm sú rồi tôm thẻ chân trắng, có những lúc mất mùa do thiên tai, dịch bệnh nhưng cũng nhiều năm được mùa.
Con cái được ăn học đành hoàng. Tích lũy chút vốn liếng, ông tiếp tục đầu hoàn thiện khu vực nuôi tôm, mua thêm máy móc để nuôi thâm canh.
Trên diện tích 3.500m2 ao nuôi, chỉ khoảng 10 ngày nữa thì có thể thu hoạch gần bốn tấn tôm, trị giá gần một tỷ đồng. Nhưng tất cả đã tan theo bão số 10.
Bờ bao, lán trại, máy móc vỡ tan tành, hàng vạn con tôm bị sóng cuốn đi.
Ngoài việc mất trắng cả tỷ đồng, ông Lài còn nợ ngân hàng 150 triệu đồng tiền mua thức ăn cho tôm thời gian qua.
Đến nay, gia đình chưa thể gượng lên được vì thiệt hại qua lớn, cần số tiền đầu tư lại hạ tầng không nhỏ.
Trong đơn gửi các cấp, ngành, ông Lài tha thiết: “Cuộc sống gia đình chúng tôi sau bão số 10 hết sức khó khăn. Để khôi phục lại hồ nuôi tôm, kịp thời thả lứa tôm giống tiếp theo đúng thời hạn, kính mong các cơ quan liên quan tạo mọi điều kiện khoanh nợ, giảm nợ và cho chúng tôi được vay vốn, hỗ trợ một phần kinh phí để gia đình tôi làm lại từ đầu”.
Dựng lại những cây cao su đổ nghiêng sau bão số 10
Tìm cách hỗ trợ tín dụng cho người dân
Theo thống kê của tỉnh Quảng Bình, riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, bão số 10 gây thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng.
Người nông dân bị thiệt hại tài sản, cuộc sống khó khăn còn phía ngân hàng cũng đối mặt với những rủi ro mới.
Chỉ tính riêng các khoản vay nông nghiệp của khách hàng tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Quảng Bình đã thiệt hại 270 tỷ đồng, trong khi đó khả năng trả được nợ là rất thấp.
Dù Ngân hàng đang tìm cách hỗ trợ tín dụng cho người dân để tiếp tục sản xuất và có điều kiện trả nợ, tuy nhiên do không có tài sản thế chấp nên rất khó để giải ngân.
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Lâm cho biết, theo Nghị định 41 quy định các khoản vay thiên tai không có tài sản đảm bảo thì mỗi hộ dân chỉ được vay không quá 50 triệu, các trang trại sản xuất không quá 500 triệu.
Tuy nhiên số tiền này chẳng bỏ bèn gì so với nhu cầu các hộ bởi thiệt hại do bão quá lớn phải cần số vốn đầu tư không nhỏ để khôi phục sản xuất.
Để chia sẻ khó khăn với khách hàng, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Quảng Bình thực hiện điều chỉnh kỳ hạn, cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai; điều chỉnh giảm lãi suất, giảm lãi trên hợp đồng tín dụng 1%/năm đối với nợ ngắn hạn; đối với nợ trung hạn giảm lãi suất trong một năm; đồng thời xem xét giảm số lãi vay phải trả cho khách hàng.
Đến nay, đơn vị đã điều chỉnh giảm lãi suất cho toàn bộ gần 3.600 khách hàng bị thiệt hại.
Hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Quảng Bình và các ngân hàng trên địa bàn Quảng Bình đang thực hiện phương án khoang nợ, giản nợ để giúp khách hàng khắc phục một phần khó khăn sau bão số 10.
Nhưng, nếu Nhà nước không có chính sách cho vay vốn kịp thời thì nguy cơ tái nghèo và hộ nghèo tăng cao tại Quảng Bình là điều rất dễ xảy ra.
Ý kiến ()