Quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại Myanmar
Ngày 11.6, tại Yangoon, Đoàn đã tiến hành hội thảo, tọa đàm với các doanh nghiệp du lịch Myanmar. Trước đó đoàn cũng đã được Bộ trưởng Bộ Khách sạn và du lịch (KSDL) Myanmar H.E.U Soe Naing tiếp.
Trước khi buổi hội thảo làm việc, lãnh đạo ngành Du lịch của hai nước đã có cuộc gặp gỡ, thông báo cho nhau tình hình phát triển kinh tế của hai nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những khó khăn và thuận lợi đã có tác động nhất định đến sự phát triển ngành Du lịch. Hai bên cam kết sẽ cùng nhau tháo gỡ những rào cản để ngành du lịch hai nước cùng phát triển. Bộ trưởng Bộ KSDL Myanmar khẳng định, sẵn sàng hợp tác với VN, ủng hộ các doanh nghiệp trên các lĩnh vực khách sạn và lữ hành.
Thời gian qua, Chính phủ Myanmar đã khuyến khích phát triển du lịch như mở đường bay mới, thủ tục visa cũng đơn giản hơn. Ông bày tỏ rất khâm phục sự phát triển của du lịch VN. Trong khi ở VN lượng khách quốc tế đến VN 4,5 triệu người/năm thì Myanmar còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 800 ngàn người/năm. Số lượng phòng khách sạn của VN trên 200 ngàn, trong khi Myanmar khoảng 20 ngàn. Ông cũng đưa ra một vài hình ảnh so sánh như: Diện tích của Myanmar gấp đôi của VN. Đất nông nghiệp của Myanmar gấp 2 lần của Việt Nam nhưng sản lượng lương thực của VN lại tăng gấp đôi. Myanmar coi Việt Nam là tấm gương để Myanmar học tập trong thời kỳ hội nhập phát triển kinh tế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thay mặt Đoàn cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và đầy tinh thần hợp tác của ngài Bộ trưởng Bộ KSDL Myanmar. Ông khẳng định, ngành Du lịch đã đi đầu trong việc triển khai nội dung những tuyên bố chung của Chính phủ hai nước. Và hội thảo là hoạt động cụ thể cam kết hợp tác du lịch trong tuyên bố chung đó.
Lãnh đạo Tổng cục hai nước cũng đi đến thống nhất ký kết văn bản gồm 5 điểm: Triển khai hiệp định hợp tác du lịch cấp Chính phủ giữa hai nước ký kết từ năm 1994; trao đổi đoàn các cấp; trao đổi thông tin kinh nghiệm; tạo điều kiện để các doanh nghiệp hợp tác, xúc tiến quảng bá, trao đổi khách… và đào tạo nguồn nhân lực.
Về phía Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – đơn vị đóng vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư VN tại Myanmar, ngoài việc tiên phong mở văn phòng đại diện tại Myanmar, hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng…, trong dịp này đã ký kết tài trợ cho Hiệp hội Du lịch Myanmar số tiền 50 ngàn USD để các doanh nghiệp du lịch Myanmar quảng bá xúc tiến du lịch tại VN. Còn Hãng Hàng không quốc gia VN (Vietnam Airlines) cũng khẳng định đến tháng 10.2010 sẽ khai trương tiếp đường bay TP.HCM – Yangoon, với tần suất chuyến bay nhiều hơn và máy bay cũng được trang bị hiện đại hơn. Với giá vé ưu đãi cho các doanh nghiệp lữ hành giảm trên 50%.
Tại buổi hội thảo hầu hết các doanh nghiệp lữ hành VN đều khẳng định: Myanmar là thị trường du lịch tiềm năng với nhiều yếu tố như con người Myanmar hiền lành, thân thiện, mến khách, môi trường tự nhiên còn hoang sơ, đất nước có trên 4 ngàn ngôi chùa… Tuy nhiên, với giá tour còn quá cao như hiện nay, kết nối điện thoại, internet chưa thông suốt, vẫn còn thủ tục visa, lịch bay chưa hợp lý, đó là lý do làm cho khách VN chưa “mặn mà” với Myanmar. Còn các doanh nghiệp lữ hành Myanmar cho rằng đây là cơ hội để cho họ tìm hiểu về thị trường du lịch VN và là bước mở đầu cho việc đưa khách trong nước cũng như nối dài tour khách quốc tế đến VN.
Tuy nhiên, những thắc mắc trên đã được các cơ quan hữu quan có mặt tại hội thảo tiếp thu và sẽ điều chỉnh hoặc kiến nghị cơ quan cấp trên điều chỉnh trong thời gian sớm nhất.
Trong khuôn khổ chuyến quảng bá, xúc tiến du lịch tại Myanmar, Đoàn cán bộ Tổng cục Du lịch đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng cùng một số cán bộ của sứ quán đã tiếp đoàn.
Đại sứ Chu Công Phùng đã thông báo tóm tắt cho Đoàn về tình hình phát triển kinh tế của Myanmar những năm gần đây và cung cấp tư liệu cho các thành viên trong đoàn những thông tin cần thiết và những thủ tục pháp lý để đầu tư vào Myanmar. |
Ý kiến ()