Khởi nghiệp từ Trà bồ khai: Ý tưởng nhiều triển vọng
- Nhằm khai thác lợi thế thương mại điện tử cũng như tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, nhóm khởi nghiệp gồm chị Lành Bích Ngọc và Nguyễn Thị Thảo, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS & THPT huyện Cao Lộc đã lên ý tưởng khởi nghiệp “Ứng dụng chuyển đổi số phát triển và thương mại đặc sản Lạng Sơn: Cây Bồ khai”. Dự án này đã xuất sắc vượt qua hơn 80 dự án và giành giải nhì tại Cuộc thi "Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2024" do Câu lạc bộ (CLB) Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh tổ chức.
Bồ khai là một trong những loại rau đặc sản và là một vị thuốc đông y dùng hỗ trợ thải độc, tăng cường chức năng gan, thanh nhiệt, lợi tiểu... Tuy nhiên, trước đây, người dân chỉ chú trọng chăm sóc để thu hoạch ngọn non dùng làm thực phẩm trong bữa cơm gia đình, còn phần thân, cành, lá già sau khi cắt tỉa thường bỏ đi.
Chị Nguyễn Thị Thảo, trưởng nhóm khởi nghiệp cho biết: Với mong muốn chế biến ra loại trà bồ khai tốt cho sức khỏe và đóng gói thuận tiện cho người sử dụng, tháng 5/2024, nhóm chúng tôi đã có ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm này. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, nhóm lựa chọn thu mua lá rau từ các vườn trồng ở địa bàn huyện Cao Lộc. Tất cả các bước sản xuất từ việc thu hái đến chế biến và đóng gói, đều được thực hiện theo các tiêu chuẩn và được kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Để tối ưu hóa kinh phí tổ chức sản xuất, nhóm đã kết nối với Công ty TNHH Một thành viên Thương Hảo, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình tạo điều kiện để nhóm sử dụng máy móc, trang thiết bị sẵn có như: máy sấy, máy nghiền, máy đóng túi lọc…
Lá bồ khai sau khi thu hái sẽ được loại bỏ phần dập nát, sâu, hỏng, không đạt yêu cầu rồi rửa nhiều lần với nước sạch để loại bỏ bụi bẩn. Nguyên liệu sau khi sơ chế thì được sấy khô ở nhiệt độ thích hợp. Khi nguyên liệu đã khô thì tiến hành nghiền nhỏ và đóng vào túi lọc với trọng lượng 3 gram, sau đó đóng túi. Bên cạnh chế biến sản phẩm, nhóm còn chú trọng thiết kế bao bì, tem nhãn cho các sản phẩm, nguyên liệu để sản xuất bao bì đều từ giấy tái chế, thân thiện với môi trường. Sau 2 tháng nghiên cứu, thử nghiệm, sản phẩm trà bồ khai túi lọc đã hoàn thành với đầy đủ bao bì, nhãn mác. Ngoài ra, để tăng độ tin cậy cho khách hàng, nhóm đã chủ động gửi sản phẩm để lấy mẫu gửi cơ quan chuyên môn có thẩm quyền kiểm tra chỉ tiêu về vi sinh vật.
Nhằm thu hút khách hàng, nhóm đã tăng cường quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như: Tiktok, Facebook, Zalo, Shopee... Nhờ đó, sản phẩm trà bồ khai đã từng bước được nhiều người biết đến. Từ khi ra mắt sản phẩm đến nay, nhóm đã bán trên 400 hộp trà với giá 90.000 đồng/hộp 20 gói trên các sàn thương mại điện tử, đem lại doanh thu trên 36 triệu đồng
Chị Đoàn Thị Bẩy, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Thông qua mạng xã hội Tiktok, tôi biết đến sản phẩm trà bồ khai và mua về sử dụng. Sau khi dùng, tôi thấy trà có vị thơm, ngọt rất dễ uống. Qua tìm hiểu, tôi được biết, trà từ cây bồ khai có nhiều công dụng với sức khỏe như: thanh nhiệt, thải độc, giảm mỡ máu… nên tôi rất yên tâm khi sử dụng.
Nếu như trước đây, sản phẩm trà bồ khai chủ yếu được tiêu thụ tại các huyện, thành phố trong tỉnh, thì sau khi tăng cường quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng được mở rộng. Đến nay, sản phẩm đã có mặt tại một số cửa hàng tiện lợi, quán cafe trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Trần Thế Kiên, Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2024” nhận xét: Trà bồ khai là sản phẩm có tính hữu dụng, có bao bì, mẫu mã bắt mắt, thân thiện với môi trường, phù hợp với nhiều đối tượng người dùng. Tuy không phải một sản phẩm trà mới có trên thị trường nhưng nhóm khởi nghiệp đã tận dụng được lợi thế để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Việc phát triển thành sản phẩm hàng hóa thì không chỉ tận dụng được nguồn nguyên liệu nông sản tự nhiên sẵn có, dồi dào ở địa phương mà còn tạo ra việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, góp phần đưa rau đặc sản của Xứ Lạng vươn xa hơn.
Ý kiến ()