Quảng bá lụa Nha Xá qua du lịch
Sản phẩm làng lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên (Hà Nam) đang gặp nhiều khó khăn ở đầu ra do tình hình phức tạp của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian để Nha Xá như bao làng nghề khác trong cả nước định hình, cơ cấu lại sản xuất, tập trung cho những kế hoạch quảng bá thương hiệu và phát triển du lịch làng nghề vốn bị xao nhãng lâu nay.
Chúng tôi đến Nha Xá vào những ngày mà tỉnh Hà Nam và cả nước đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thôn xóm khá vắng vẻ, thưa thớt người đi lại. Nếu không có tiếng máy dệt rộn rã ở đâu đó, khó ai có thể nghĩ rằng đây là một làng lụa nổi tiếng có tuổi đời khoảng 700 năm và là nơi cung cấp sản phẩm nhiều nhất cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh lụa Nha Xá Nguyễn Tiến Quảng cho biết: Do dịch bệnh, phần lớn các hộ đều co hẹp quy mô sản xuất bởi sản phẩm chính của thôn đều dành cho xuất khẩu và phục vụ khách du lịch. Từ đầu năm đến nay, lượng hàng đã giảm hẳn và thực tế này được cảm nhận rất rõ khi ông Quảng dẫn chúng tôi đi thăm một số cơ sở sản xuất trong thôn còn duy trì hoạt động đều đặn và vẫn rộn tiếng máy đánh suốt, dệt lụa… Ông Quảng nói: Không vì dịch bệnh thì Nha Xá ầm ĩ cả ngày bởi tiếng ồn từ 400 máy dệt của 150 hộ gia đình làm nghề cùng chạy một lúc, trong khi xe ra, xe vào lấy hàng tấp nập.
Nha Xá là một trong những thí dụ thực tế cho thấy dịch Covid-19 tác động rất lớn đến xuất khẩu và du lịch trong nước vì doanh thu chủ yếu của thôn phụ thuộc vào làm nghề dệt lụa. Trong đó, một lượng không nhỏ sản phẩm và doanh thu đến từ khách du lịch. Chúng tôi dễ dàng nhận thấy điều này ở xưởng dệt Hà Thủy khi bên trong khu nhà có đến tám máy dệt với sản lượng trung bình là 3.000 m lụa mộc mỗi tháng, giờ chỉ có một người thợ vận hành ba máy. Theo ông Phạm Hồng Thủy, chủ xưởng dệt Hà Thủy, vào tháng trước, khách du lịch và các mối hàng bắt đầu trở lại với Nha Xá thì xuất hiện đợt phòng, chống dịch mới và mọi việc kinh doanh lại khó khăn như hồi đầu năm. Với những xưởng dệt lụa mộc cho các cơ sở khác thu mua rồi mới đem nhuộm như Hà Thủy, đầu ra là rất quan trọng. Thế nhưng, ở Hà Hoạt Silk chuyên bán buôn cho các mối kinh doanh và bán lẻ cho khách du lịch, doanh thu của họ đã giảm từ 80 tới 90%.
Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh lụa Nha Xá Nguyễn Tiến Quảng cho biết thêm, ở Nha Xá không có nhiều cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm như tại Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội), Hội An (Quảng Nam) hay TP Hồ Chí Minh… Thay vào đó, mọi hoạt động kinh doanh, giới thiệu sản phẩm và xuất khẩu đều là nỗ lực của tự các hộ dân. Nghĩa là họ sản xuất và trực tiếp tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, khi xuất khẩu ngưng trệ nhất là sang Hàn Quốc, Nhật Bản, điều này cũng đồng nghĩa, hàng loạt máy dệt tại Nha Xá bị tạm dừng sản xuất, bỏ không.
Việc tìm đầu ra cho các sản phẩm lụa Nha Xá đã là trăn trở lâu nay của chính quyền địa phương, huyện Duy Tiên cũng như của tỉnh Hà Nam. Bởi dù sản phẩm của thôn có mặt ở nhiều trung tâm du lịch nổi tiếng như Hà Nội, Huế, Hội An, TP Hồ Chí Minh…, nhưng vẫn còn ít người biết đến cái tên Nha Xá. Họ đâu biết những tấm lụa hoa, lụa trơn, những chiếc khăn quàng, những chiếc áo dài hay những chiếc chăn đang bày bán ở các cửa hàng phục vụ khách du lịch là do chính các nghệ nhân ở Nha Xá làm ra với kỹ thuật nhuộm mầu công phu, đẹp và bền, mẫu mã đa dạng…
Cho đến nay, việc xây dựng, quảng bá thương hiệu lụa Nha Xá đã không thật sự được chú trọng nhiều mà chủ yếu thông qua đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực thời trang hay kinh doanh. Về lâu dài, 150 hộ sản xuất ở Nha Xá rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc bảo tồn, lưu giữ nghề truyền thống của cha ông nhưng mặt khác, họ cũng cần đẩy mạnh việc gắn kết sản xuất với quảng bá du lịch thông qua xây dựng các tua, tuyến đưa khách du lịch về làng nghề với những công ty lữ hành. Đây thật sự là một giải pháp thiết thực nhằm kích cầu du lịch ở Nha Xá, gia tăng giá trị doanh thu khi thôn chỉ cách Hà Nội khoảng 45 km, lại nằm trên cung đường du lịch đến Hưng Yên, Nam Định hay Ninh Bình và hội tụ những khung cảnh đẹp của một làng quê đậm chất đồng bằng Bắc Bộ. Vì thế, còn gì tuyệt vời hơn nếu vào một ngày nắng đẹp, khách phương xa được đi giữa làng theo những con đường rộng đã bê-tông hóa, nhiều ngôi nhà tầng kiên cố xen lẫn những ngôi nhà cổ, nghe tiếng thoi đưa rộn rã, ngắm nhìn những tấm vải lụa nhiều mầu được căng phơi lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Tất cả không chỉ nhằm tăng thu nhập cho người dân mà quan trọng không kém là giúp Nha Xá bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống của một làng nghề lâu đời.
Ý kiến ()