Quân và dân Phú Yên với Ðường Hồ Chí Minh trên biển
Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Vũng Rô (Đông Hòa, Phú Yên). Cùng một số địa phương ven biển khác trong cả nước, giữa năm 1964, Phú Yên được Khu V và Trung ương chọn mở bến Vũng Rô để đón nhận một số chuyến tàu không số từ miền bắc theo đường Hồ Chí Minh trên biển tiếp tế vũ khí, hàng hóa cho chiến trường phân khu Nam gồm các tỉnh Khánh Hòa, Đác Lắc, Gia Lai và Phú Yên.Sự kiện Vũng Rô đã được nhắc đến như một huyền thoại, khẳng định sự quyết tâm của quân, dân Phú Yên góp phần tô thắm trang sử hào hùng của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.Chúng tôi đến thăm ông Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng Tàu 41, con tàu đã vận chuyển trót lọt ba chuyến hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường năm 1964 vào bến Vũng Rô. Khi biết tôi muốn tìm hiểu về công tác tiếp nhận vũ khí ở bến Vũng Rô, ông Thạnh kể cho tôi nhiều câu chuyện đầy cảm động giữa bến và thuyền mỗi khi tàu vào...
|
Sự kiện Vũng Rô đã được nhắc đến như một huyền thoại, khẳng định sự quyết tâm của quân, dân Phú Yên góp phần tô thắm trang sử hào hùng của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Chúng tôi đến thăm ông Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng Tàu 41, con tàu đã vận chuyển trót lọt ba chuyến hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường năm 1964 vào bến Vũng Rô. Khi biết tôi muốn tìm hiểu về công tác tiếp nhận vũ khí ở bến Vũng Rô, ông Thạnh kể cho tôi nhiều câu chuyện đầy cảm động giữa bến và thuyền mỗi khi tàu vào Vũng Rô.
Sau bảy chuyến vận chuyển vũ khí vào miền Tây Nam Bộ, tháng 11-1964, Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cùng thủy thủ đoàn được lệnh vận chuyển vũ khí vào Phú Yên, nơi tàu cập bến là Vũng Rô nằm dưới chân đèo Cả. Bến Vũng Rô, xã Hòa Xuân ở ngay dưới chân núi Đá Bia, đây là vịnh nướcsâu, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn. Ba mặt có núi bao bọc, núi liền mặt vịnh nên kể cả mùa đông nướcvẫn im sóng. Tuy Vũng Rô không có nơi trú ẩn như các bến bãi miền Tây Nam Bộ, từ đây ra biển chỉ có một cửa, lại nằm trong tầm kiểm soát từ xa của địch, nguy hiểm luôn rình rập, nhưng Vũng Rô tạo được yếu tố bất ngờ cho công tác vận chuyển.
Vốn là người con Phú Yên, dạn dày kinh nghiệm trên biển, Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đã chỉ huy đưa chuyến hàng đầu tiên cập bến Vũng Rô đúng như kế hoạch. Lúc 23 giờ đêm 28-11-1964, tàu cập bến Vũng Rô. Tuy nhiên, khi tàu vào phát ám hiệu bằng đèn pin lại không thấy bến trả lời. Thuyền trưởng đã lệnh cho thuyền phó và một thủy thủ bơi thuyền lá vào bến bắt liên lạc. Các anh ở bến nghĩ có được chừng 5-7 tấnvũ khí là mừng rồi. Ai ngờ cả một chuyến tàu chở đến 63 tấnvũ khí, ai nấy đều mừng. Tuy nhiên, tàu chỉ được phép ở lại bến Vũng Rô trong thời gian từ 24 giờ đêm đến 3 giờ sáng phải rời bến. Nên nhiều phương án vận chuyển hết vũ khí vào bờ được đưa ra, trong đó có cả việc bốc không hết hàng thì tàu chạy ra khơi, tối lại quay vào. Cuối cùng chi bộ tàu 41 thống nhất chọn phương án ở lại bến khi nào bốc hết vũ khí mới đi. Quyết định táo bạo và chuyến hàng đầu tiên đã được bốc dỡ, 3 giờ sáng ngày hôm sau rời bến an toàn…
Chúng tôi vượt 70 km đường dài, về xã đặc biệt khó khăn Xuân Lãnh, huyện miền núi Đồng Xuân để gặp một nhân chứng lịch sử trong “Sự kiện Vũng Rô”. Ông là Trung tá Hồ Thanh Bình, nguyên Đại đội trưởng Đại đội K60, trực tiếp chỉ huy chiến đấu, hướng dẫn dân công chuyển hàng, bảo vệ bến Vũng Rô năm 1964. Ông kể, theo yêu cầu của tỉnh Phú Yên, Trung ương tăng cường một số cán bộ thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực từ miền bắc vào để xây dựng lực lượng. Ông Hồ Thanh Bình cùng ba cán bộ nữa đi theo tàu 41 trong chuyến thứ hai vào Vũng Rô đêm 24-12-1964. Tại đây các đồng chí này được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Suyền (anh Sáu Râu), Ủy viên thường trực Liên tỉnh ủy 3 tổ chức thành lập đại đội K60, bảo vệ bến Vũng Rô. Với tính chất cấp bách để tiếp nhận những chuyến tàu tiếp theo, chỉ trong vòng 10 ngày, qua cuộc vận động, phần lớn số thanh niên trong khu vực đã tự nguyện tham gia xây dựng lực lượng. Đại đội K60 hình thành (trên cơ sở Trung đội tập trung miền Đông) và khẩn trươnghuấn luyện quân sự, giáo dục chính trị.
Sau hai chuyến tàu chở vũ khí cập bến an toàn, việc tiếp nhận vũ khí từ các chuyến tàu không số đã được quân, dân Phú Yên tổ chức chu đáo chặt chẽ. Từ bến Vũng Rô, những con đường mòn bí mật len qua khe núi, đèo dốc với sự tham gia của hàng nghìn thanh niên xung kích, dân công ngày đêm vận chuyển hàng hóa, vũ khí về hậu cứ và tỏa đi khắp các chiến trường Nam Trung Bộ, trang bị kịp thời cho những trận đánh lớn, mở rộng vùng giải phóng.
Ba chuyến đi thắng lợi của tàu 41 vào Vũng Rô (từ cuối năm 1964 đầu 1965) có ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo điều kiện kịp thời trang bị cho lực lượng vũ trang thuộc địa bàn phân khu Nam, chuẩn bị cho chiến dịch Đông Xuân 1965. Giờ đây đã sau 50 năm, ôn trang sử hào hùng, nhắc lại sự kiện tàu không số vào Vũng Rô mới thấy hết sự quyết tâm, lòng quả cảm của quân, dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đại tá Đặng Phi Thưởng, nguyên Chỉ huy trưởng BCH quân sự tỉnh Phú Yên, nguyên là chiến sĩ bảo vệ bến Vũng Rô nhớ lại, chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng cuối năm 1964, đầu năm 1965, quân, dân Phú Yên đã tổ chức đón nhận bốn chuyến tàu không số từ miền bắc chở hơn 200 tấnvũ khí, hàng hóa vào chi viện cho chiến trường Phú Yên, Đác Lắc, Gia Lai, Khánh Hòa đánh giặc. Đó là một thời hào hùng, rực lửa cách mạng trong những trái tim tuổi trẻ vì quê hương vì miền nam ruột thịt.
Trong câu chuyện kể về ba chuyến tàu cập bến Vũng Rô, Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh vẫn thường hay nhắc đến “nắm đất Vũng Rô” do một nữ dân công ngày đó gửi trao khi chuyến tàu thứ ba rời bến. Sau khi triển khai ngay nhiệm vụ đưa vũ khí lên bờ, trước khi tàu rời bến, một cô gái người Tuy Hòa đã gói sẵn một nắm đất trong chiếc khăn tay đến bên thuyền trưởng và nói rằng: ” Nhờ sự tài tình, anh dũng của các anh, chiến trường Phú Yên có thêm nhiều súng đạn đánh giặc, bảo vệ quê hương. Nắm đất này từ quê hương Phú Yên xin được gửi theo tàu như một lời chúc may mắn và quê hương hứa cùng các anh sẵn sàng chiến đấu đến ngày toàn thắng…”. Hình ảnh nữ dân quân và nắm đất đã được cán bộ, thủy thủ tàu 41 nâng niu, gìn giữ và sau này trao tặng Bảo tàng Hải quân và được tái hiện bằng nghệ thuật điêu khắc tượng đồng đặt tại Nhà truyền thống Lữ đoàn 125 Anh hùng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()