Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 của Việt Nam đã có sự phối hợp và giúp đỡ chí tình của quân và dân nước bạn Lào. Đồng chí Lê Mai, cựu lưu học sinh tại Lào, trực tiếp tham gia những hoạt động đoàn kết đó, đã kể lại những hoạt động đầy tình nghĩa này.
Ngày 20-11-1953, quân Pháp ồ ạt nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Đầu tháng 12-1953, chúng lập cầu hàng không, liên tục vận chuyển quân cơ động Âu Phi từ đồng bằng Bắc Bộ sang Bắc Lào, lập hai hệ thống phòng ngự với những sân bay dọc sông Nam Ou và dọc vùng biên giới với Trung Quốc giáp tam giác vàng. Lực lượng địch do Đại tá Vô-cơ-clay chỉ huy gồm 20 đại đội Âu Phi, hai tiểu đoàn ngụy Viêng Chăn, một tiểu đoàn lính Thái-lan, mạng lưới phỉ dày đặc. Chưa bao giờ Pháp tập trung một lực lượng lớn và dày đặc như thế trong vùng rừng núi Thượng Lào. Nắm rõ âm mưu của quân Pháp, Bộ Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ đã quyết định đưa Sư đoàn 308 sang phối hợp với quân và dân Lào quét sạch hai hệ thống phòng ngự trên, cô lập hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp.
Ngày 24-1-1954, Trung đoàn 36 và 88 thuộc Sư 308, sau một ngày chiến đấu trong trận đầu, đã đánh tan trung đoàn Âu Phi và tiểu đoàn Ta-bo, bắt sống Thiếu tá Ba-ba-ri và Đại úy Lam-be. Địch phát hiện Sư đoàn 308 tinh nhuệ đã có mặt, chúng bắt đầu rút chạy trên toàn hai hệ thống phòng ngự nói trên. Đó là diễn biến ban đầu của chiến dịch Nam Ou.
Lúc ấy, Trung đoàn bộ 82 đang chuẩn bị đón Tết Giáp Ngọ, thì được lệnh dừng hết mọi việc để xuống ngay Cơ quan tỉnh Luông Pha-băng. Tôi cầm giấy giới thiệu bằng tiếng Lào đến ven rừng Nậm Bạc gặp đồng chí Khăm Mun-ti, Tỉnh trưởng chính quyền cách mạng, đã thấy ba dãy lán, một số bàn ăn cơm bằng tre, và vài ba chục cán bộ nguời Lào, người Lào Thơng, áo chàm, ai cũng có một túi vải, một bát sắt, một đôi đũa, một số người có cả mũ nan bọc vải dù, đeo súng trường, nhìn nhau đầy phấn khởi và tự tin. Từng tốp máy bay quân sự Hen-cát của Pháp quần đảo, máy bay vận tải bay suốt ngày đêm trong tiếng súng lớn vang động từ Điện Biên. Đồng chí Khăm Mun-ti phổ biến: “Koong thắp xảm xủn pẹt” (Sư 308) đã truy kích địch đến đây rồi, bạn đã giao cho ta 30 tù binh Âu Phi, dân quân ta phải quản đấy. Nhanh quá!”. Trung đoàn trưởng Hoàng Ngọc Sơn vào gặp đồng chí Khăm Mun-ti có việc gấp, nhưng thấy ông Khăm Mun-ti mặt xanh, gầy, biết ông bị ốm, nhưng vẫn không rời nhiệm vụ, liền động viên bằng mấy câu tiếng Lào pha lẫn tiếng dân tộc ở Cao Bằng quê ông: Phà ơi khậu mất léo (trời ơi hết gạo rồi)!. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ thông báo: Chị em dân công từ Việt Nam vác gạo mỗi người chỉ được 30 cân, bộ đội và dân công ăn đến Nậm Bạc là hết rồi! Nay phải dựa vào nguồn cung cấp của bạn. Ông Khăm Mun-ti nói ngay với cán bộ các xã: Nghe rõ chưa? Khẩn trương lên, Tam-bôn (xã) nào, Khệt (Khu) nào nếu để chậm trễ lương thực và để sổng tù binh thì hãy nhớ lấy! Bàn giao lương thực cho bộ đội không cần biên nhận nhá, sau này Khỏeng (tỉnh) sẽ giải quyết hết!… Đồng chí Hoàng Ngọc Sơn lại cười to: Phà ơi! rồi rút ra một tập giấy và nói đã có đơn vị làm giấy biên nhận đây. Đồng chí Khăm Mun-ti nhìn tờ giấy ngạc nhiên: Chữ ký loằng ngoằng: Bao chiến sĩ anh hùng ! Là ai vậy? Đại đội trinh sát của Sư 308 không biết tiếng Lào, họ toàn ký như vậy đấy. Tỉnh trưởng lại phá lên cười đến chảy nước mắt. Phà ơi ! Quân ta cả mà!
Ngay sau khi phát hiện Sư đoàn 308 tiến sang đất Lào, sáu tiểu đoàn Âu Phi chuyển từ đồng bằng Bắc Bộ sang Lào bắt đầu rút chạy suốt ngày đêm kéo theo sự tháo chạy của quân ngụy, hệ thống phỉ tan rã. Các chiến sĩ Sư 308 khỏe mạnh, thiện chiến; cán bộ chỉ huy giàu kinh nghiệm rượt đánh địch. Như báo chí Pháp lúc đó đã bình luận: Đó là một cuộc chạy ma-ra-tông mà quân Pháp đã chạy quá siêu. Bộ đội ta vừa truy kích địch, vừa dưỡng sức để trở về tham gia tổng công kích quân địch ở Điện Biên Phủ. Ban ngày nghỉ tránh máy bay, ban đêm lại truy kích địch. Nhân dân các làng bản mang gạo nếp, lợn, gà tập kết ở mỗi chặng hoặc mang đến tận những nơi bộ đội Việt Nam tạm nghỉ ngơi. Nhân dân Luông Pha-băng, Phông-xa-lì đã cung cấp cho bộ đội chừng 200 tấn lương thực, 20 tấn thịt và rất nhiều bí xanh, bí đỏ…
Bộ đội chủ lực Sư 308 phối hợp Đại đội Chăm Pa Xắc, của Bộ Quốc phòng Lào và nhân dân Luông Pha-băng đã diệt, bắt sống và loại khỏi vòng chiến đấu bảy tiểu đoàn Âu Phi trong một cuộc hành quân dài 300 km từ đầu nguồn sông Nam Ou tại Phông-xa-lì đến cuối sông tại Pak Ou, cô lập hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Lúc này, báo chí phương Tây bình luận: Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bây giờ như một cái mũ lộn ngược, quân Pháp ở trong, còn Việt Minh thì ở trên vành mũ! Trung đoàn trưởng E 88 Hồng Sơn nói với đồng chí Khăm Mun-ti: Lính ta trẻ măng được ngồi thuyền độc mộc vượt sông Mê Công, gặp dân gần cố đô Đất triệu voi, lịch thiệp đứng vẫy chào thân thiện và nhìn theo các chiến sĩ Koong thắp xảm xủn pẹt
.
Tôi gặp các đồng chí Ma-ha Xoom-bun, Ma-ha Khăm Phăn, Cha-lơn…, từng sát cánh với rất nhiều anh em Việt Nam trải qua những năm chống càn quyết liệt ở Nậm Bạc, Luông Nậm Thà; qua những thử thách sống chết, có thời gian dài không được tiếp tế, quần áo rách bươm, hết muối, trong khi truyền đơn của Pháp với nội dung nhằm chia rẽ tình đoàn kết Lào – Việt rải đầy đường…nhưng tình đoàn kết quốc tế Lào – Việt vẫn được giữ gìn và phát triển. Giờ phút này thật hiếm có, nhìn nhau cảm động nghẹn ngào!…Quân đội Pháp đã bám rễ ở Phông-xa-lì, Nậm Thà, Mương Sing, lập hệ thống ngụy quân và phỉ vô cùng nguy hiểm ngay từ đầu thế kỷ nay đã đến lúc tàn tạ! Các đồng chí Lào nói: “Chắc là chúng mình đi tiếp quản Mường Ngòi, Phông-xa-lì, nhưng còn chờ lệnh Trung ương Neo Lào Hắc-xạt…!”. Không biết bao giờ gặp lại nhau.
Đồng chí Tỉnh trưởng Khăm Mun-ti, sau chiến dịch Điện Biên Phủ đã qua đời trong vòng tay các y, bác sĩ Việt Nam, anh em Đoàn bộ và nhân dân Mường Ngòi. Những ngày chiến đấu bên nhau, đồng chí Khăm Mun-ti và nhiều cán bộ cấp cao khác của Đảng NDCM Lào thường nói : Quan hệ Lào – Việt là đặc biệt theo nghĩa giản dị là vậy đấy!
Ý kiến ()