LSO-Chiến dịch Biên giới năm 1950, tức chiến dịch Cao – Bắc –Lạng diễn ra trên chiến trường dài, không gian rộng của chiến khu Việt Bắc, trong đó có tỉnh Lạng Sơn. Chiến dịch này thắng lợi, quân dân ta đã tiêu diệt 11.500 tên địch, thu gần 3000 súng các loại, 60 xe ô tô, 50 tấn đạn và nhiều quân trang, quân dụng khác. Chiến dịch này toàn thắng, đã giải phóng Cao Bằng, Lạng Sơn, căn cứ địa và vùng tự do Việt Bắc được mở rộng, đã chọc thủng “hành lang Đông Tây” của địch, làm cho Việt Bắc nối liền với Liên khu III và Liên khu IV, khai thông đường biên giới, nối nước ta với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.Hồ Chủ tịch theo dõi trận Đông Khê (Cao Bằng) - Ảnh: Tư liệuĐóng góp cho thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng của chiến dịch Biên giới, có nhân lực, vật lực, tài lực của quân và dân Lạng Sơn. Nhận chỉ thị của Liên khu ủy về huy động mọi nguồn lực cho chiến dịch, tổng động viên sức người,...
LSO-Chiến dịch Biên giới năm 1950, tức chiến dịch Cao – Bắc –Lạng diễn ra trên chiến trường dài, không gian rộng của chiến khu Việt Bắc, trong đó có tỉnh Lạng Sơn. Chiến dịch này thắng lợi, quân dân ta đã tiêu diệt 11.500 tên địch, thu gần 3000 súng các loại, 60 xe ô tô, 50 tấn đạn và nhiều quân trang, quân dụng khác.
Chiến dịch này toàn thắng, đã giải phóng Cao Bằng, Lạng Sơn, căn cứ địa và vùng tự do Việt Bắc được mở rộng, đã chọc thủng “hành lang Đông Tây” của địch, làm cho Việt Bắc nối liền với Liên khu III và Liên khu IV, khai thông đường biên giới, nối nước ta với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
|
Hồ Chủ tịch theo dõi trận Đông Khê (Cao Bằng) – Ảnh: Tư liệu |
Đóng góp cho thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng của chiến dịch Biên giới, có nhân lực, vật lực, tài lực của quân và dân Lạng Sơn. Nhận chỉ thị của Liên khu ủy về huy động mọi nguồn lực cho chiến dịch, tổng động viên sức người, sức của cho chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ngày 25-7-1950, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã mở hội nghị huy động dân công phục vụ chiến dịch. Hội nghị quyết định thành lập Ban huy động dân công cấp tỉnh và cấp huyện do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban. Tỉnh chủ trương huy động mọi người dân từ 16 tuổi đến 55 tuổi đi dân công, tổ chức thành tiểu đội, trung đội, đại đội. Mỗi xã vùng tự do tổ chức 2 đại đội dân công, trong đó, 1 đại đội gồm những thanh niên trẻ, khỏe, có điều kiện đi dân công xa, phục vụ tiền tuyến nhiều ngày. Mỗi xã vùng sau lưng địch tổ chức một đại đội dân công sẵn sàng lên đường phục vụ tiền tuyến. Do huy động và tổ chức khẩn trương, hơn 2000 dân công, thanh niên xung phong đã được tổ chức thành 5 đại đội, tỏa đi khắp các nẻo đường để tải đạn, vận chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Hàng trăm tấn đạn, hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm được dân công, thanh niên xung phong vận chuyển đến từng cung đường đúng địa điểm, thời gian quy định. Các đoàn dân công, thanh niên xung phong từ các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Điềm He, Bằng Mạc làm nhiệm vụ vận tải đã tỏa ra các ngả đường, tiến về khu trung tuyến phía tây đường số 4 để rồi các đoàn dân công các huyện Tràng Định, Thoát Lãng, Văn Uuyên lại vận chuyển tiếp sang phía đông bắc Tràng Định, tập kết tại tổng kho trên địa bàn xã Quốc Khánh. Đặc biệt, xã Vĩnh Yên (huyện Bình Gia) có150 người dân tộc Dao đã động viên nhau chặt tre, nứa cho bộ đội làm cầu, đan 200 cái sọt đựng gạo, vận chuyển 2 tấn gạo vượt dốc Khau Hương sang Tràng Định tiếp tế cho chiến dịch. Không chỉ làm nhiệm vụ vận tải, dân công còn làm nhiệm vụ cản trở giao thông địch, chỉ trong 1 tuần từ 24-7 đến 31-8-1950 đã đào 120 hố rộng 5 mét, sâu 1 mét trên đường từ Đồng Đăng đi Na Sầm, đào 250 hố rộng 1 mét, sâu 1 mét, 220 hố rộng 5 mét, sâu 1 mét trên đường Na Sầm đi Thất Khê và chỉ trong 2 ngày 14,15 tháng 9-1950, hơn 3500 dân công phối hợp với nhân dân hai huyện Thoát Lãng, Tràng Định đã phá hủy 4 cầu, đào 1114 hố sâu, phá hoại nặng đoạn đường từ Bó Củng đi Bản Trại, cắt đứt hoàn toàn đường vận chuyển bằng cơ giới của địch từ thị xã Lạng Sơn lên Thất Khê. Ngày 16-9-1950, hỏa lực ta bắt dồn dập vào cứ điểm Đông Khê, mở màn chiến dịch Biên giới. Khi Đông Khê bị đánh, địch đưa tiểu đoàn Tabo số 3 từ Đồng Đăng lên Thất Khê nhằm ứng cứu cho Đông Khê tiểu đoàn 428 và đại đội 822 (Thoát Lãng) đã chặn đánh địch quyết liệt ở Pắc Luống, phá hủy 4 xe ô tô, diệt 60 tên địch, buộc chúng phải rút về Đồng Đăng. Ngày 17-9-1950, địch lại hành quân từ Đồng Đăng theo đường số 4 nhằm ứng cứu Đông Khê, tiểu đoàn 888 và đại đội 820 (Văn Uyên) đã phục kích địch tại Tà Lài (cách Đồng Đăng 6 km), tiêu diệt 2 xe ô tô, 120 tên địch, buộc chúng lại phải rút về Đồng Đăng. Thất bại ở Đông Khê, quân địch phải rút chạy. Tiểu đoàn 888 đã phối hợp với quân chủ lực liên tục truy kích địch từ Bản Trại đến Na Sầm. Đại đội tân binh 983 gồm con em nhân dân các dân tộc huyện Tràng Định, Thoát Lãng, Bắc Sơn lần đầu tiên xuất trận đã lập chiến công tại Đèo Khách. Lực lượng vũ trạng Lạng Sơn đã anh dũng ngày đêm bám đánh địch, truy kích địch trên đường số 4. Hàng nghìn dân công lại được huy động theo bộ đội tải đạn, thu gom, vận chuyển chiến lợi phẩm, áp tải tù binh về tuyến sau. Với tinh thần thi đua góp sức người, sức của cho chiến dịch, Hội phụ nữ Cứu quốc các huyện Tràng Định, Thoát Lãng, Văn Uyên, Bình Gia đã phát động phong trào “ngàn chiếc bánh dầy, ngàn chiếc bánh cốm” ủng hộ bộ đội. Hội phụ nữ các huyện còn vận động hội viên, nhân dân đón nhận thương binh về nhà săn sóc, nuôi dưỡng và tổ chức các đội tình nguyện phục vụ thương binh, hỗ trợ các trạm xá, bệnh viện chăm sóc thương binh.
Chiến dịch Biên giới toàn thắng, đường số 4 sạch bóng quân thù, Lạng Sơn và các tỉnh vùng đông bắc Tổ quốc hoàn toàn giải phóng. Để có chiến thắng đó của quân dân cả nước, quân dân Lạng Sơn đã có những đóng góp đáng kể. Với tinh thần tất cả cho chiến dịch toàn thắng, Lạng Sơn đã huy động 714.000 lượt người đi dân công, 290.116 ngày công phục vụ chiến dịch, đóng góp hơn 200 tấn thóc gạo, 2.500 tấn ngô, 998 con trâu, 450 con bò, 243 con ngựa cho chiến dịch. Lực lượng vũ trang Lạng Sơn đã tham gia nhiều trận đánh tập kích, phục kích và tuy kích địch, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, góp phần quan trọng cho chiến dịch thắng lợi.
Trung Thành
Ý kiến ()