Quan tâm xây dựng thương hiệu: Góp phần nâng tầm nông sản Xứ Lạng
(LSO) – Thương hiệu, nhãn hiệu có vai trò quan trọng khẳng định chất lượng, quyền sở hữu sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm nông sản sau khi được xây dựng thương hiệu, giá trị đều tăng lên.
Hiện nay, hồng Bảo Lâm bán tại thành phố Lạng Sơn có giá 40.000 đồng đến 70.000 đồng/kg. Quả hồng được đóng trong hộp 2 kg, 5 kg, 10 kg, có túi đựng lịch sự, trang nhã là món quá biếu của người Lạng Sơn đến bạn bè, đối tác. Từ khi được công nhận chỉ dẫn địa lý năm 2012, nông dân huyện Cao Lộc tập trung sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, diện tích trồng hồng cũng tăng từ hơn 200 ha đến nay lên 500 ha. Các hoạt động quảng bá như: hội thi quả hồng, tham gia các hội chợ nông sản, chương trình giới thiệu sản phẩm… thường xuyên được huyện Cao Lộc tổ chức, tham gia. Nhờ đó, hồng Bảo Lâm đã được nhiều người biết đến và ưa chuộng.
Bà Chu Thị Com, xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc cho biết: Gia đình tôi có hơn 500 gốc hồng cho thu hoạch trên 5 tạ mỗi vụ. Trước đây, giá bán chỉ khoảng 25.000 đồng/kg. Đến nay, giá hồng đã tăng gấp 2 – 3 lần lại không lo đầu ra, vườn hồng mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập đáng kể.
Sản phẩm nông sản tỉnh Lạng Sơn được giới thiệu tại Hà Nội
Không riêng hồng Bảo Lâm, sản phẩm bún ngô Thuận Anh, huyện Đình Lập ban đầu chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện, nhờ chú trọng xây dựng thương hiệu, đầu tư bao bì, nhãn mác, nâng cấp, xây mới nhà xưởng, hoàn thiện quy trình chế biến, năm 2019, sản phẩm được xếp hạng 3 sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), đến nay, sản phẩm này được biết đến là sản phẩm đặc trưng của huyện Đình Lập. Nếu trước đây, mỗi năm tiêu thụ khoảng 80 tấn ngô, thì nay tăng lên 100 -120 tấn.
Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Các sản phẩm được bảo hộ và trong quá trình xác lập quyền sở hữu trí tuệ đều được hỗ trợ kinh phí, tem truy xuất nguồn gốc, tư vấn thiết kế bao bì, nhãn mác, cơ chế quản lý nhãn hiệu tập thể. Hỗ trợ các tài liệu kỹ thuật nhằm duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa được bảo hộ. Cùng với đó, sản phẩm nông sản được tham gia các hội chợ trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá sản phẩm, từng bước xác lập các kênh tiêu thụ, kết nối thương mại…
Để các địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, từ năm 2017 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã tổ chức gần 30 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ cho gần 2.000 lượt người trên địa bàn tỉnh. Nội dung tập huấn về: tầm quan trọng của việc xây dựng tài sản trí tuệ, bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ, chính sách của tỉnh đối với việc xác lập tài sản trí tuệ… Cùng đó, đơn vị chủ động hướng dẫn các huyện xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, chủ lực. Đến nay, toàn tỉnh đã xác lập quyền sở hữu trí tuệ với 24 sản phẩm như: rau thành phố Lạng Sơn, ba kích Đình Lập, cao khô Vạn Linh, nem nướng Hữu Lũng, ngựa bạch Hữu Kiên, thanh long Bình Gia… trong đó, hồng Bảo Lâm, hồi Lạng Sơn được xác lập và bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Bên cạnh xác lập quyền sở hữu trí tuệ, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP cũng góp phần tạo nên thương hiệu của nông sản trên địa bàn huyện. Các huyện, thành phố đã rà soát, xác định sản phẩm đặc trưng của xã, phường, thị trấn, đồng thời tích cực vận động, hướng dẫn các cơ sở sản xuất hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong 2 năm: 2019 và 2020, toàn tỉnh đã có 22 sản phẩm được xếp hạng 3 sao, 4 sao. Tiêu biểu như: chè Ô Long, rượu men lá Mỏ Heo, gạo bao thai hồng, tinh bột nghệ hữu cơ Hồng Nhung… Từ khi được xây dựng thương hiệu, các sản phẩm nông sản của tỉnh Lạng Sơn đã có mặt tại nhiều hội chợ nông sản lớn của quốc gia, khu vực.
Hoạt động xây dựng thương hiệu được đẩy mạnh đã góp phần nâng tầm nông sản tỉnh Lạng Sơn. Có thể kể đến một số nông sản tiêu biểu như: đến năm 2020, các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng có trên 3.200 ha na, tổng sản lượng trên 70.000 tấn mang lại doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng, tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ dân; hồi Lạng Sơn từ sản phẩm chỉ xuất khẩu sang thị trường truyền thống là Trung Quốc, đến nay, đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu; khoai lang Lộc Bình trước đây chỉ tiêu thụ trong tỉnh, đến nay, diện tích trồng được mở rộng trên quy mô 600 ha, sản lượng trên 4.500 tấn, thị trường tiêu thụ là các tỉnh, thành phía Bắc, doanh thu đạt 35 tỷ đồng…
Ông Lưu Bá Mạc, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Quản lý chuyên ngành, Sở KHCN cho biết: Trước đây, công tác xây dựng nhãn hiệu được hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau song mức hỗ trợ còn hạn chế. Vấn đề này đã được HĐND tỉnh quan tâm và ban hành Nghị quyết số 08 ngày 10/12/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, hỗ trợ một lần 100% kinh phí (tối đa không quá 20 triệu đồng/tổ chức, cá nhân); hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; nhãn hiệu sản phẩm được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ; cơ sở được công nhận nhãn hiệu (không quá 100 triệu đồng/cơ sở). Đây chính là điều kiện thuận lợi để các huyện, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản.
Thời gian tới, Sở KHCN sẽ triển khai kế hoạch xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với 3 dự án; hỗ trợ xác lập sở hữu trí tuệ đối với 15 dự án. Qua đó nhằm nâng cao giá trị các loại nông sản trên địa bàn tỉnh, từng bước hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài.
Ý kiến ()