Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
LSO-Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã và đang được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động cũng như hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm và đầu tư đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở.
Tiết mục hát then, đàn tính tại Chương trình giao lưu nghệ thuật chào mừng 70 năm ngày thương binh – liệt sỹ |
Theo số liệu của Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, đến nay toàn tỉnh có trên 83% số thôn, bản, khối phố có nhà văn hóa; 80,5% xã, phường, thị trấn có sân tập thể dục thể thao (TDTT). Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế. Hằng năm, toàn tỉnh đạt trên 66,7% hộ gia đình văn hóa, 43,3% thôn, khối phố văn hóa và 88,6% cơ quan văn hóa… Đến năm 2017, toàn tỉnh có 930 câu lạc bộ TDTT với 24 nghìn gia đình thể thao.
Điểm nhấn của hoạt động văn hóa cơ sở trong 2 năm qua là việc duy trì hiệu quả các câu lạc bộ (CLB), các đội văn nghệ quần chúng. Hoạt động các CLB văn nghệ quần chúng đã khép kín từ xã, phường, thị trấn đến bản làng, thôn xóm, khối phố. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.000 đội văn nghệ và 1.100 CLB sở thích với trên 30 nghìn người tham gia, tập luyện, giao lưu, biểu diễn thường xuyên. Điều nhận thấy rằng, hoạt động CLB khắp nơi trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa để tồn tại, phục vụ theo thị hiếu, sở thích của các thành viên CLB và nhu cầu của quần chúng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Điển hình là CLB hát then đàn tính được phát triển mạnh ở các huyện: Cao Lộc, Văn Quan, Văn Lãng, Bình Gia, Lộc Bình, Tràng Định…
Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên, người truyền dạy hát then, đàn tính cho biết: Các CLB dân ca trên địa bàn tỉnh đã duy trì nhiều năm nay, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động của các CLB đã một phần đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân, là nơi giao lưu, học hỏi của những người yêu thích hát then, đàn tính.
Cùng với hoạt động của CLB, các đội văn nghệ quần chúng, hoạt động thông tin tuyên truyền cũng được quan tâm đầu tư. Năm 2017, các đơn vị đều nâng cấp, xây dựng mới nhiều cụm cổ động lớn, cổng chào qua đường tại khu trung tâm huyện, lỵ, những tụ điểm văn hóa và trang trí lễ nghi, khánh tiết trong hội trường, nhà văn hóa. Đặc biệt các huyện: Chi Lăng, Bình Gia, Bắc Sơn, Lộc Bình, Hữu Lũng, Tràng Định… đã phát huy được vai trò đội thông tin lưu động, xóa “điểm trắng“, “vùng lõm“ để đưa thông tin, đời sống văn hóa tinh thần về với đồng bào vùng sâu, vùng xa, khó khăn.
Tuy đời sống văn hóa cơ sở đã có nhiều khởi sắc, song vẫn tập trung ở các trung tâm thành phố, thị trấn; đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn thiếu những tụ điểm vui chơi, những hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng. Thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn nữa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cần có các đề án đầu tư, xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin, thể thao cơ sở đạt chuẩn; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của mặt trận các cấp, cộng đồng dân cư, các tổ chức kinh tế, xã hội tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đồng thời tăng cường hoạt động của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp hướng về cơ sở và nâng cao chất lượng phong trào quần chúng hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()