Thứ 4, 25/12/2024 13:52 [(GMT +7)]
Quan tâm và tập hợp lực lượng du học sinh
Thứ 2, 30/08/2010 | 09:08:00 [(GMT +7)] A A
Năm 1997 – 1998, chỉ có vài nghìn du học sinh Việt Nam theo học tại một số nước như Anh, Pháp, Mỹ. Đến năm 2000, có khoảng 10.000 sinh viên, học sinh Việt Nam du học tại nhiều quốc gia và đến nay thị trường du học đã thay đổi nhiều với hơn 50.000 du học sinh đang học tại các nước. Du học sinh Việt Nam trong những năm tới tiếp tục phát triển về quy mô số lượng, bậc học, ngành học và số lượng quốc gia theo học ngày càng mở rộng.
Nguồn nhân lực chất lượng cao
Việc tăng nhanh số lượng thanh niên Việt Nam du học tại nước ngoài có thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu sau. Đó là, cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống người dân Việt Nam ngày càng khá lên. Nhiều gia đình khá giả mong muốn con mình được tiếp nhận nền giáo dục tiên tiến sẵn sàng chấp nhận đầu tư, thậm chí có thể phải vay mượn tiền cho con đi du học.
Các nước phát triển luôn khuyến khích và tạo điều kiện làm việc cho những sinh viên có trình độ cao. Điều này giúp cho nguyện vọng được học tập tại những nước có nền giáo dục tiên tiến của thanh niên Việt Nam có nhiều thuận lợi. Nếu so với tổng số sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trong nước năm học 2006 – 2007 thì du học sinh Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3%. Có thể coi đây là nguồn nhân lực chất lượng cao rất cần cho chiến lược phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, không thể cho rằng du học sinh có trình độ giỏi hơn hay có khả năng hơn các sinh viên học tập trong nước, vì điều này còn tùy thuộc vào từng cá nhân, từng ngành nghề học tập. Nhưng nhìn một cách tổng thể thì du học sinh vẫn có nhiều lợi thế hơn so với sinh viên trong nước. Nhận xét này có thể lý giải từ một số góc độ sau: Phần lớn điểm đến của du học sinh Việt Nam là các nước phát triển cao so với mặt bằng chung thế giới, như: Mỹ, Anh, Ô-xtrây-li-a, Pháp, Đức, Ca-na-đa, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Xin-ga-po… Những nước này vừa đứng đầu các bảng xếp hạng về tiềm lực kinh tế, vừa đứng đầu trong các bảng xếp hạng về chất lượng giáo dục đại học. Đặc biệt, trong nhiều chuyên ngành cụ thể, du học sinh Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp xúc với những công nghệ hiện đại.
Bên cạnh đó, không chỉ buộc phải tồn tại trong môi trường đại học, việc thích nghi với cuộc sống chung quanh là một thử thách khác đối với du học sinh. Đầu tiên là khả năng ngoại ngữ. Nếu sử dụng ngoại ngữ không tốt, mức độ nhận thức và trau dồi kiến thức của du học sinh sẽ bị hạn chế. Cách nâng cao năng lực ngoại ngữ là mở rộng giao tiếp với người dân bản địa, tham gia vào hoạt động đội, nhóm với sinh viên nước ngoài và việc đó buộc du học sinh phải luôn thay đổi và thích ứng liên tục. Quá trình này không những có ích cho việc học tập, mà còn giúp du học sinh nhạy bén hơn về cuộc sống văn hóa của nước sở tại.
Tuy nhiên trên thực tế, công tác phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao này vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển cả về lượng và chất của du học sinh và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chủ trương, chính sách đãi ngộ cụ thể dành cho du học sinh chưa có bước đột phá. Hầu hết các du học sinh đều có tâm lý mong muốn được làm việc và cống hiến cho quê hương nhưng môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ hiện nay chưa bảo đảm để họ có thể dành toàn tâm toàn ý cho công việc. Đối với du học sinh tự túc, vấn đề này càng trở nên khó khăn hơn vì sau khi tốn một khoản chi phí rất lớn để học tập, thường họ sẽ chọn làm việc tại nước ngoài hoặc các doanh nghiệp nước ngoài để có thu nhập cao bù đắp chi phí đã bỏ ra.
Tập hợp, phát huy lực lượng du học sinh
Để có thể phát huy hiệu quả đội ngũ du học sinh cần phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ từ chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước đến công tác chăm lo, hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể. Với tư cách là tổ chức đại diện cho thanh niên có nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ những quyền lợi hợp pháp chính đáng của thanh niên, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, cần phải xác định những giải pháp tập hợp và phát huy đội ngũ này tham gia hiệu quả vào quá trình xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Từ năm 2010, Thành đoàn Hội LHTN TP Hồ Chí Minh định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa du học sinh thành phố và lãnh đạo thành phố ít nhất một lần/năm. Bên cạnh đó, mỗi năm, Thành đoàn nhận thực hiện ít nhất một công trình góp phần xây dựng thành phố trên cơ sở tập hợp và phát huy chất xám của đội ngũ du học sinh. Chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp Thành đoàn tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho thanh niên thành phố đi du học. Nhà Văn hóa Thanh niên, Nhà Văn hóa Sinh viên có bộ phận chuyên trách tư vấn cho du học sinh thành phố.
Đặc biệt, Thành đoàn, Hội LHTN thành phố đang khẩn trương triển khai các hoạt động, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ Du học sinh TP Hồ Chí Minh, tiến tới thành lập Hội Du học sinh TP Hồ Chí Minh trong năm 2010. Phấn đấu hết năm 2010, Hội Du học sinh xây dựng được hệ thống quản lý thông tin các du học sinh của TP Hồ Chí Minh, thu hút ít nhất 60% số du học sinh thành phố tham gia hội; đến hết năm 2012 có 80% số du học sinh thành phố tham gia hội; định kỳ hằng năm, tổ chức Ngày hội Du học sinh thành phố; tổ chức phản biện khoa học cho các công trình, đề án của thành phố ít nhất hai lần/năm. Hội LHTN, Hội Sinh viên thành phố định kỳ hằng năm bình chọn ít nhất 50 du học sinh xuất sắc nhất để tuyên dương; mời các điển hình này tham gia các chương trình, dự án của tổ chức đoàn, hội thành phố, đồng thời giới thiệu để lãnh đạo thành phố xem xét tuyển chọn, bố trí vào những vị trí làm việc phù hợp.
Thành đoàn chuẩn bị xây dựng trang thông tin điện tử dành riêng cho du học sinh thành phố và thanh niên thành phố có mong muốn đi du học; xây dựng cơ chế phối hợp các sở, ngành thành phố thông tin định kỳ hằng quý các chính sách, chế độ ưu đãi, thị trường lao động, nhu cầu nguồn nhân lực của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, trường, viện trên địa bàn…
Thành đoàn, Hội LHTN thành Hồ Chí Minh quyết tâm làm cầu nối, phát huy tốt tiềm năng, sức trẻ, trí tuệ của lực lượng du học sinh; thông qua mối quan hệ trong quá trình học tập và làm việc, giới thiệu các học bổng phù hợp để thúc đẩy ngày càng nhiều thanh niên thành phố được đi du học. Từ năm 2010, cố gắng mỗi năm giới thiệu ít nhất năm thanh niên được đi du học, số lượng này cần được nâng lên qua từng năm.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()