Quan tâm trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
- Người khuyết tật (NKT) thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội cần sự quan tâm tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ kiến thức pháp luật, đây cũng là đối tượng có quyền lợi được tư vấn, trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí theo Luật TGPL.
Toàn tỉnh hiện có trên 12.500 NKT. Thời gian qua, công tác TGPL cho NKT được các cấp, ngành liên quan chú trọng triển khai.
Như trường hợp của ông Hoàng Văn Đô, sinh năm 1977, là NKT nặng hiện đang sinh sống tại thôn Mai Thành, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. Ông Đô cho biết: Tôi được bố mẹ để lại mảnh đất rộng 300 m2 nhưng do có tranh chấp nên chưa thể làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2022, thông qua Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em (BTNKT&BVQTE), tôi được cán bộ của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh hỗ trợ tư vấn pháp luật và giúp tôi giải quyết tranh chấp, nhờ đó đến nay tôi đã hoàn thành các thủ tục và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đó chỉ là một trong số nhiều NKT trên địa bàn tỉnh đã được Hội BTNKT&BVQTE tỉnh phối hợp và hỗ trợ TGPL. Bà Lương Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, Sở Tư pháp cho biết: Trung tâm thường xuyên phối hợp với Hội BTNKT&BVQTE tỉnh thực hiện rà soát, tổng hợp nhu cầu về TGPL của NKT để lựa chọn địa bàn tổ chức hội nghị và nội dung TGPL đáp ứng đúng nhu cầu của NKT. Các hình thức TGPL chủ yếu là tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng bào chữa, đại diện ngoài tố tụng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NKT…
Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thực hiện TGPL 38 vụ việc cho NKT với 4 vụ tư vấn pháp luật và 34 vụ tham gia tố tụng. Từ đầu năm 2024 đến nay, trung tâm đã thụ lý và thực hiện 8 vụ việc cho NKT, tăng 6 vụ việc so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, gần 90% số việc đạt chất lượng tốt, còn lại đạt loại khá.
Để tạo cơ hội thuận lợi cho NKT tiếp cận pháp luật, bên cạnh việc tư vấn trực tiếp tại trụ sở, tư vấn bằng văn bản và tham gia tố tụng, trung bình mỗi năm, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh phối hợp với Hội BTNKT&BVQTE tổ chức 2 - 3 cuộc tuyên truyền và phát hàng nghìn tờ gấp pháp luật về các chuyên đề: chính sách ưu đãi cho NKT; bình đẳng giới; đất đai; hôn nhân gia đình; hình sự cho NKT. Đáng chú ý, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh còn phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các đợt TGPL tại các xã có nhiều đối tượng là NKT. Tại đây, các trợ giúp viên pháp lý đã trực tiếp tư vấn, giải đáp các vướng mắc pháp luật về chính sách TGPL, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hôn nhân và gia đình…
Đặc biệt, trên cơ sở rà soát nhu cầu TGPL của NKT, cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã chủ động liên hệ, tuyên truyền về quyền lợi, lĩnh vực, hình thức TGPL và trực tiếp tư vấn, TGPL theo nhu cầu cụ thể của NKT.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác TGPL cho NKT, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ những người làm công tác TGPL những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt tiếp cận với NKT để bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của NKT về pháp luật.
Bà Lương Thị Mỹ An, Chủ tịch Hội BTNKT&BVQTE tỉnh cho biết: Nhờ việc tăng cường phối hợp giữa hội và Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ NKT được tiếp cận với những hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, TGPL một cách chủ động, hiện 100% NKT đều được trợ giúp khi có nhu cầu. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền của NKT, đề cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ NKT, xóa bỏ mọi rào cản, tạo cơ hội để NKT hòa nhập cộng đồng.
Ý kiến ()