Quan tâm thực hành nghề cho học sinh
![]() |
Học sinh các trung tâm GDTX thực tập nghề mộc tại Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ Nông lâm Đông Bắc |
Bỏ lý thuyết suông
Trong tháng 3/2016, tại tỉnh Bình Định, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thi tay nghề giỏi lần thứ VII. Ngoài các môn thi mang tính chất “truyền thống” như: mộc mỹ nghệ, gò, hàn, điện, may… năm nay hội thi đã tổ chức thi các môn thuộc lĩnh vực nông nghiệp như ghép cây, chiết ghép, thiến hoạn lợn con…. Lạng Sơn có 7 học sinh của Trung tâm GDTX các huyện: Tràng Định, Văn Quan và Lộc Bình tham dự; và cả 7 học sinh Lạng Sơn đều đạt giải, trong đó có 4 giải nhất, 2 giải nhì và 1 giải khuyến khích. Hai giải nhất nghề mộc mỹ nghệ thuộc về học sinh Trung tâm GDTX Văn Quan; 2 giải nhất, 2 giải nhì chiết ghép cây thuộc về các học sinh lớp 11 của Trung tâm GDTX Tràng Định và 1 giải khuyến khích lĩnh vực chiết ghép cây thuộc về học sinh Trung tâm GDTX Lộc Bình.
Kết quả trên không phải là sự may mắn mà là hiệu quả to lớn của việc từ bỏ lối truyền đạt lý thuyết suông, tăng tính thực hành trong dạy nghề. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Hoàng Văn Chiều, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc – đơn vị liên kết với các trung tâm dạy trung cấp nghề cho chúng tôi biết: cho dù học sinh học theo hình thức kết hợp “2 trong 1” thì chương trình thực hành vẫn được thiết kế như chương trình chính quy tại trường. Theo đó bao giờ cũng thực hiện “công thức 3-7” ( 30% lý thuyết và 70% thực hành). Một số nghề như lâm sinh có thể thực hành tại cơ sở, nhưng một số nghề cần phải chuyển học sinh về trường như: mộc mỹ nghệ, cơ khí… cho dù có khó khăn, nhà trường vẫn phải bố trí nơi ăn, nghỉ để học sinh có điều kiện thực tập nghề. Dạy như vậy tính thiết thực bao giờ cũng cao hơn và do được thực hành nhiều nên học sinh luôn “thạo nghề” từ lý thuyết, khi đã thuần thục trong thực hành, lý thuyết bao giờ cũng được củng cố.
Dạy để làm nghề
Từ năm 2008 đến nay, chương trình liên kết đào tạo nghề giữa các trung tâm GDTX với các trường cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh đã đào tạo được gần 10 ngàn thanh niên có trình độ trung cấp nghề và nghề ngắn hạn. Đặc biệt, lối đào tạo theo tính chất “2 trong 1” (vừa học bổ túc THPT, vừa học trung cấp nghề) đã có tác dụng tốt trong việc “hút” thanh niên không vào học THPT, tạo ra một “luồng” lao động có trình độ trung cấp nghề trong độ tuổi 18- độ tuổi bước vào lao động. Năm học 2015-2016, các trung tâm GDTX đã liên kết với 3 trường cao đẳng, trong đó có Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn và Trường Cao đẳng nghề Công nghệ & Nông lâm Đông Bắc để duy trì 40 lớp Trung cấp nghề với 736 học viên và mở mới 25 lớp với 795 học viên.
Để khắc phục tình trạng người lao động khó xin việc sau học nghề, trong tư vấn học nghề, các trung tâm GDTX quan tâm đến định hướng cho học sinh những nghề thiết thực trong phạm vi lao động gia đình, mở mang kinh doanh dựa trên nghề đã học và phù hợp với từng địa bàn. Thầy giáo Hoàng Văn Chương, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Tràng Định cho biết: các em đạt giải nhất, nhì kỹ thuật chiết ghép cây ăn quả tại hội thi cấp bộ lần này đều là những học sinh lớp 11 và là con em đồng bào các dân tộc ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như: em Bàn Văn Xuân, dân tộc Dao, xã Bắc Ái; em Nông Văn An, dân tộc Tày, xã Tân Tiến. Là một huyện nông – lâm nghiệp, ngoài thâm canh cây lúa, cây thạch đen, việc phát triển vùng cây ăn quả đặc sản như mận, lê, quýt… đòi hỏi cần có những kỹ thuật mới như chiết, ghép… thay thế cho lối trồng cũ thời gian lâu, năng suất kém, chất lượng không tốt. Những học sinh giỏi nghề như vậy sẽ là nòng cốt về kỹ thuật ở địa phương, các em không chỉ giúp gia đình nhân giống cây trong trang trại đồi rừng mà còn có thế mạnh ươm bán cây giống ghép cho thu nhập cao.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()