Quan tâm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế
Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế diễn ra tại nhiều cơ sở y tế các tuyến của một số địa phương, gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh của người dân và ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế khi phải tự đi mua thuốc bên ngoài dù thuộc danh mục được chi trả của bảo hiểm y tế.
Bệnh nhân chờ nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại hội nghị cung cấp chuyên đề bảo hiểm y tế mới đây cho thấy, hiện vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại một số địa phương, như: Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bạc Liêu… Nguyên nhân chính là do tình trạng chậm trễ trong đấu thầu cung cấp thuốc, vật tư y tế; có những gói thầu từ năm trước đến nay vẫn chưa hoàn thành, thực hiện được.
Theo chia sẻ của một đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc đấu thầu tập trung ở các cơ sở y tế cả tại Trung ương và địa phương khá chậm. Thống kê có những mặt hàng dù đã hết nhưng chậm hơn ba tháng, có những tỉnh, thành phố phải đấu thầu tập trung ở Sở Y tế như: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Nghệ An thì tình trạng chậm hơn ba tháng chưa đấu thầu diễn ra khá phổ biến.
Tuy nhiên, khi theo dõi chi phí bình quân của một đơn vị cấp thuốc cho người bệnh từ tháng 4 đến tháng 6/2022 thì chưa có sự biến động quá lớn, mức độ chênh lệch khoảng dưới 10 nghìn đồng một đơn thuốc (chiếm khoảng 5%).
Trước đó, Bộ Y tế thẳng thắn thừa nhận 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, mà một trong những nguyên nhân chính lại là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, cho nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.
Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn…
Việc mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt, trong hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 vừa qua, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ chống dịch. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn…
Thêm vào đó, việc hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính, chưa thống nhất dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm bị chững lại, chưa tổ chức việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ…
Mới đây, Bộ Y tế thông báo đã mở được gói thầu tập trung, hy vọng trong tháng 7 này sẽ có được kết quả để công bố. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, gói thầu của Bộ Y tế rất lớn, trị giá gần 9.000 tỷ đồng, trong đó riêng phần mua sắm thuốc là 4.000 tỷ đồng, chiếm 1/4 chi phí thanh toán khám, chữa bệnh… Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có văn bản gửi các địa phương chỉ đạo bám sát hoạt động đấu thầu để thúc đẩy việc mua sắm thuốc, khắc phục tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế.
Đồng thời, quan điểm nhất quán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là luôn hướng tới bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. Vì vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tập trung giám định nhanh nhất có thể với các đề xuất, để các bệnh viện, cơ sở y tế có thể nhanh chóng mua sắm thuốc.
Với tình trạng thiếu thuốc khiến người dân phải tự đi mua thuốc bên ngoài như hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng bày tỏ việc không đồng tình, vì có trường hợp thuốc điều trị rất đắt, cũng như cần được bảo đảm về chất lượng trong khâu bảo quản và người bệnh cũng không thể bỏ ra số tiền lớn để mua trong khi “không có cơ sở thanh toán trực tiếp” cho họ.
Liên quan vấn đề này, cuối năm 2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng có văn bản xin ý kiến Bộ Y tế về việc có được thanh toán trực tiếp thuốc, vật tư y tế khi người bệnh phải tự mua do bệnh viện không cung ứng được hay không? Sau gần hai năm, tháng 10/2021, Bộ Y tế có văn bản trả lời và kết luận “không có cơ sở thanh toán trực tiếp cho người bệnh”.
Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị, các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh phải có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế để bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh và quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế; xem xét cơ chế “hoàn trả” cho người bệnh nếu họ phải tự đi mua thuốc…
Có thể thấy, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và nhân lực y tế là những yếu tố rất quan trọng không thể thiếu để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh không bị đứt gãy. Vì vậy, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cũng như các cơ quan liên quan cần nhanh chóng có các giải pháp hiệu quả để giải quyết, không để tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh của người dân.
Ý kiến ()