Quan tâm phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
– Sau hơn 4 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn tỉnh có 84 sản phẩm đạt chứng nhận (còn hiệu lực). Để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, cũng như góp phần xây dựng nông thôn mới, các ngành chức năng tỉnh và các chủ thể đã quan tâm xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Khách hàng mua sản phẩm tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP số 211, đường Trần Đăng Ninh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn
Những năm qua, thông qua nhiều kênh giới thiệu, quảng bá, người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh đã biết và hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm OCOP. Nắm bắt được thị hiếu này, nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh đã giới thiệu và bày bán các sản phẩm OCOP của tỉnh. Cùng đó, từ năm 2019, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương đã hỗ trợ 200 triệu đồng từ ngân sách trung ương xây dựng 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Lạng Sơn.
Bà Trần Thị Hồng Vân, đại diện Công ty TNHH MTV Minh Phát Lạng Sơn (DN được hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP) cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng tỉnh, đến nay cửa hàng OCOP của đơn vị tại 211 đường Trần Đăng Ninh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn đã đi vào hoạt động ổn định. Cửa hàng đang bày bán 200 mặt hàng là các sản phẩm OCOP của tỉnh và một số tỉnh như: Cao Bằng, Bắc Kạn… Khách hàng chủ yếu là người dân trên địa bàn thành phố, các đoàn khách du lịch trong nước và đoàn khách quốc tế đến từ: Đài Loan, Quảng Tây (Trung Quốc)…
Tương tự, tại huyện Văn Lãng cũng có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (địa chỉ số 64, khu 2, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng). Chị Chu Thị Hạnh, chủ cửa hàng cho biết: Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6/2022, cửa hàng đang giới thiệu, bày bán 15 sản phẩm OCOP của huyện và một số huyện như: Văn Quan, Chi Lăng… Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, cửa hàng là địa điểm tin cậy khách hàng lựa chọn mua các sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, doanh thu của cửa hàng đạt trên 400 triệu đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có 10 điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP. Việc xây dựng, hình thành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã tạo cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Ông Cao Minh Tuấn, đường Bà Triệu, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Khi chọn mua đặc sản làm quà biếu anh em, bạn bè phương xa hoặc mua cho gia đình thưởng thức tôi thường đến các cửa hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP để tìm mua. Tại đây có đa dạng các sản phẩm đặc sản, nông sản đặc trưng của tỉnh, rất thích hợp để mua làm quà. Các sản phẩm đều có chứng nhận OCOP, có bao bì mẫu mã đẹp nên tôi rất yên tâm, tin tưởng về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
Để tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trong đó có sản phẩm OCOP, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thực hiện hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp (DN) kinh phí thuê địa điểm giới thiệu, bán sản phẩm. Theo đó, ngoài điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã được nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, từ năm 2021 đến hết năm 2022, toàn tỉnh còn có 7 chủ thể sản phẩm OCOP, DN được nhận hỗ trợ kinh phí thuê địa điểm bán sản phẩm theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 với tổng số tiền 200 triệu đồng. Nhờ có các cơ sở, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sức tiêu thụ và doanh thu của đơn vị kinh doanh và các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tăng từ 5 đến 10% so với trước đây.
Từ đầu năm 2023 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ 12 chủ thể sản phẩm OCOP, DN kinh doanh kinh phí thuê địa điểm với tổng số tiền 300 triệu đồng (thực hiện hỗ trợ vào cuối năm 2023).
Ngoài ra, Sở Công Thương đang tiếp tục tham mưu, trình UBND tỉnh dự thảo quyết định ban hành quy chế lựa chọn, hỗ trợ, quản lý điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo Quyết định số 1533/QĐ-UBND ngày 13/8/2019 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, từ nay đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng thêm 12 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP (mỗi huyện 1 điểm và thành phố 2 điểm). Trong đó, các điểm phải đáp ứng một số tiêu chí như: có diện tích tối thiểu 30 m2, trưng bày giới thiệu trên 50% các sản phẩm OCOP của tỉnh và các tỉnh khác trên tổng số mặt hàng bày bán tại cửa hàng… Mức kinh phí hỗ trợ mỗi điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP 650 triệu đồng (ngân sách trung ương hỗ trợ 450 triệu đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 200 triệu đồng).
Ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng đó tham mưu Sở Công Thương tổ chức tuyên truyền về các cửa hàng đến với người dân, khách du lịch; tích cực kết nối để các cửa hàng OCOP và DN du lịch tiếp cận, trao đổi lẫn nhau… Qua đó, giúp các DN, cơ sở sản xuất từng bước mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh của tỉnh, góp phần xây dựng nông thôn mới.
LIỄU CHANG
Ý kiến ()