Quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trong đó hơn 98% lao động làm việc trong lĩnh vực kinh doanh (các cơ sở lưu trú, kinh doanh lữ hành, khu, điểm du lịch); tỷ lệ lao động trẻ (từ 18 đến 35 tuổi) chiếm 62%. Đứng trước thực tế phát triển của ngành du lịch tỉnh và đòi hỏi ngày càng cao của du khách, việc nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong ngành du lịch được ngành và các cơ sở kinh doanh chú trọng, xem là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Trong những năm qua, Sở VHTT&DL đã đề xuất với UBND tỉnh ban hành những chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Đối với cán bộ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực du lịch, tỉnh ta đã phối hợp, tạo điều kiện để đội ngũ này được tham dự các lớp tập huấn do Tổng cục Du lịch và Bộ VHTT&DL tổ chức. Trung bình mỗi năm có khoảng 10 lớp với 30 lượt cán bộ tham gia. Từ đầu năm 2014 đến nay, tỉnh ta đã cử 10 lượt cán bộ tham gia 5 lớp tập huấn do Trung ương tổ chức về các nội dung như: quản lý Nhà nước về du lịch, phát triển du lịch bền vững (Dự án EU tài trợ), chỉ tiêu nghề du lịch… Nhờ đó, đội ngũ cán bộ thường xuyên được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển để có những biện pháp quản lý, điều chỉnh ở địa phương cho phù hợp với thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Khách du lịch mua hàng lưu niệm tại chùa Tam Thanh |
Để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của địa phương thì việc nâng cao chất lượng của đội ngũ trực tiếp phục vụ, cung ứng – CBNVLĐ làm việc tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, lữ hành, điểm du lịch – cũng không kém phần quan trọng. Hiện nay tỉnh ta có gần 2.000 người hoạt động trong khu vực này. Hàng năm, ngành du lịch tỉnh đã phối hợp với các trường chuyên nghiệp để tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về hướng dẫn viên du lịch, lễ tân, buồng, bàn, bar, quản lý cơ sở lưu trú… Từ đầu năm 2014 đến nay, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh đã phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tổ chức 1 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ lễ tân buồng bàn cho 45 nhân viên ở các cơ sở kinh doanh nhà hàng khách sạn trên địa bàn tham gia. Và theo kế hoạch trong tháng 9/2014, trung tâm sẽ tổ chức lớp đào tạo nghề du lịch cho 26 lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số ở Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (Bắc Sơn) tham gia. Qua đó, trình độ chuyên môn của CBNVLĐ trực tiếp tại các điểm du lịch, các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ đã từng bước được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu của du khách, góp phần thu hút khách du lịch đến với Lạng Sơn. Mặc dù thị trường khách du lịch quốc tế có nhiều biến động nhưng số lượng khách du lịch đến với Lạng Sơn vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm 2014 đến nay, tỉnh ta đã thu hút được khoảng 1.697.100 lượt khách (đạt 95% kế hoạch), tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2013. Doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch đạt 634 tỷ đồng, tăng 0,8%. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của tỉnh ta cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế như: trình độ chuyên môn thấp, số lao động chưa qua đào tạo nghề còn chiếm tỷ lệ khá cao (41,8%); trình độ ngoại ngữ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu hội nhập trong giai đoạn hiện nay (chỉ có 38,7% lao động biết ngoại ngữ); thiếu các chuyên gia, nghệ nhân giỏi trong ngành… Được biết, ngoài chuyên ngành Văn hóa Du lịch được thành lập và đi vào hoạt động (tháng 5/2013) với 3 mã ngành chính (hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ khách sạn nhà hàng), từ tháng 7/2014, Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật tỉnh được cấp phép đào tạo nghề ngắn hạn (lễ tân, nấu ăn…) đã tạo điều kiện cho lao động địa phương có cơ hội được học nghề và cấp chứng chỉ để hành nghề. Bà Dương Thị Hạnh, Phó Trưởng Khoa Văn hoá – Du lịch, Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật tỉnh cho biết: “không chỉ đào tạo, khoa còn tăng cường liên kết với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ, Hiệp hội du lịch tỉnh để giới thiệu việc làm cho các học sinh sau khi ra trường. Thế nhưng công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do trình độ nhận thức của một bộ phận dân cư về du lịch còn hạn chế, thậm chí có nhiều quan điểm lệch lạc. Khoa đã cử cán bộ đi đến các xã để tuyển sinh các lớp trung cấp du lịch nhưng đến nay mới có 18 học viên.”
Khách du lịch chọn mua hàng tại hội chợ thương mại quốc tế Việt – Trung Ảnh: BT |
Để khắc phục những khó khăn trên, bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh cho biết: thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hoá du lịch trong đội ngũ lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch và cộng đồng dân cư. Đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực từng bước chuẩn hoá đội ngũ lao động, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 80% cán bộ quản lý từ tỉnh đến cơ sở, đơn vị sự nghiệp được bồi dưỡng chuyên sâu về du lịch; 70% lao động phục vụ trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu; các cơ sở đào tạo du lịch xây dựng được chương trình giảng dạy đáp ứng yêu cầu thực tiễn với 90% giáo viên được chuẩn hoá và các cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy theo hướng hiện đại.
Ý kiến ()