Quan tâm hơn nữa chế độ đãi ngộ Phó Bí thư Ðoàn cơ sở
Phó Bí thư Đoàn ở cơ sở tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho thanh niên. Ảnh: PHƯƠNG GIANG Cả nước hiện có khoảng 11 nghìn phó bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã). Theo quy định của Chính phủ, chức danh Phó bí thư Đoàn xã thuộc đối tượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; họ không có lương mà chỉ có phụ cấp do HĐND tỉnh quy định, với mức cụ thể không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung.Hơn năm năm làm Phó Bí thư Đoàn xã, đến thời điểm hiện tại, mức phụ cấp mà Tạ Văn Sông, Phó Bí thư Đoàn xã Hợp Châu (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) nhận được hằng tháng là 664 nghìn đồng. Sông tâm sự: "Với địa bàn miền núi rộng, công việc nhiều, mức phụ cấp này chỉ đủ để phục vụ cho việc đi lại và liên hệ trao đổi công tác. Để duy trì cuộc sống không còn cách nào khác là phải làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập...". Phó Bí thư Đoàn thị trấn Đoan Hùng...
Phó Bí thư Đoàn ở cơ sở tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho thanh niên. Ảnh: PHƯƠNG GIANG |
Hơn năm năm làm Phó Bí thư Đoàn xã, đến thời điểm hiện tại, mức phụ cấp mà Tạ Văn Sông, Phó Bí thư Đoàn xã Hợp Châu (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) nhận được hằng tháng là 664 nghìn đồng. Sông tâm sự: “Với địa bàn miền núi rộng, công việc nhiều, mức phụ cấp này chỉ đủ để phục vụ cho việc đi lại và liên hệ trao đổi công tác. Để duy trì cuộc sống không còn cách nào khác là phải làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập…”. Phó Bí thư Đoàn thị trấn Đoan Hùng (Đoan Hùng, Phú Thọ) Trần Thị Lý Hồng có thâm niên 12 năm làm công tác Đoàn, bảy năm là Phó Bí thư Đoàn thị trấn nhưng mức phụ cấp hiện nay cũng chỉ là 450 nghìn đồng/tháng. “Mức phụ cấp cho Phó Bí thư chẳng thấm tháp vào đâu trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều. Phó Bí thư Đoàn cấp xã cũng chịu nhiều thiệt thòi như khi ốm đau không có bảo hiểm y tế, về lâu dài không có chế độ bảo hiểm xã hội…”. Hồng chia sẻ. Mới vào “nghề” hơn một năm, Nguyễn Văn Lên, Phó Bí thư Đoàn xã Gia Hòa I (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi bản thân là lao động chính trong gia đình. Số tiền 778 nghìn đồng nhận được hằng tháng anh dùng chi phí cho công tác và phụ giúp phần nào cho gia đình. Ngoài thời gian công tác, Lên cùng gia đình làm ruộng, chăn nuôi tăng gia sản xuất kiếm thêm thu nhập. Anh phân trần: “Công tác Đoàn đối với mình là một niềm đam mê nhưng nếu không làm thêm nhiều việc thì không thể bảo đảm cuộc sống gia đình… Cán bộ Đoàn cần có thu nhập ổn định từ đó mới yên tâm công tác, đem hết khả năng và lòng nhiệt huyết phục vụ quê hương”.
Cùng chung tâm sự trên, nhiều Phó Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn cho biết: Mức phụ cấp cho Phó Bí thư hiện nay là không đủ để bảo đảm cuộc sống. Trong khi tổ chức các hoạt động ở cơ sở, nhiều lúc đồng chí Phó Bí thư phải bỏ tiền túi “ứng trước” để chi trả. Bên cạnh đó, yêu cầu của công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên ngày càng cao, khối lượng công việc nhiều, nhất là những dịp đón các em học sinh về sinh hoạt hè ở các khu dân cư; đôi khi có việc đột xuất của địa phương không riêng gì đồng chí Bí thư mà cả Phó Bí thư tham gia cả ngày lẫn đêm…
Nếu tính theo hệ số 1,0 mức phụ cấp của Phó Bí thư Đoàn cấp xã là 830 nghìn đồng/tháng. Nhưng trên thực tế, mức phụ cấp chi trả cho Phó Bí thư Đoàn cấp xã ở các địa phương trên cả nước có sự khác nhau. Tại các tỉnh phía nam (khu vực đồng bằng sông Tiền, sông Hậu) hầu hết Phó Bí thư Đoàn cấp xã đều nhận được mức phụ cấp 1,0; bên cạnh đó nhiều địa phương còn tạo nguồn để hỗ trợ thêm… Tại các tỉnh miền bắc và miền trung, mức phụ cấp chi trả cho Phó Bí thư dao động trong khoảng 0,5 – 0,8 tức là khoảng từ 415 nghìn đến 664 nghìn đồng/tháng. Với mức phụ cấp này thì tổng “thu nhập” trong một năm của Phó Bí thư Đoàn cấp xã chưa bằng một nửa so với bình quân thu nhập đầu người trong một năm của cả nước (năm 2010 bình quân tổng thu nhập trên đầu người của cả nước là khoảng 1.200 USD).
Không thể phủ nhận vai trò, vị trí của Phó Bí thư Đoàn cấp xã khi yêu cầu của công tác Đoàn ở cơ sở ngày càng cao. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ do Đoàn cấp trên chỉ đạo, Đoàn cơ sở còn thực hiện các nhiệm vụ do cấp ủy địa phương, chính quyền giao. Đồng chí Bí thư Đoàn “đứng” cùng một lúc “nhiều vai” không phải lúc nào cũng có mặt để tổ chức thực hiện được các nhiệm vụ đó mà cần sự hỗ trợ đắc lực từ Phó Bí thư. Ở các xã miền núi, vùng cao, nhiều đồng chí Bí thư Đoàn được cử đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cho nên công việc tại cơ sở do đồng chí Phó Bí thư Đoàn đảm nhận.
Có thể thấy vai trò quan trọng của Phó Bí thư Đoàn cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác ở cơ sở nhưng lại không phải là cán bộ chuyên trách chính thức, mức phụ cấp thấp. Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ chất lượng cán bộ Đoàn ở cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cho chức danh không chuyên trách cấp xã không ổn định. Tính kế thừa, phát triển và bổ sung nguồn cán bộ trẻ cho phong trào, việc phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của cán bộ trẻ nhằm tạo ra động lực mới, có lợi cho tổ chức và phong trào… còn nhiều hạn chế.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Bí thư huyện Đoàn Kim Bôi (Hòa Bình) Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ: “Để bảo đảm cuộc sống, Phó Bí thư Đoàn cơ sở phải tìm nhiều cách để phát triển kinh tế, tăng thu nhập nhằm ổn định cuộc sống cho cá nhân và gia đình. Cho nên, tình trạng thường xuyên biến động Phó Bí thư Đoàn cơ sở là không tránh khỏi. Việc lựa chọn, tuyển dụng đối với chức danh này vì thế cũng gặp nhiều khó khăn… Đoàn cơ sở thường xây dựng đồng chí Phó Bí thư là nguồn nhân sự kế cận thay thế Bí thư Đoàn khi đồng chí này trưởng thành. Nếu không có chính sách thu hút họ thì khó có nguồn cán bộ trẻ để thay thế”.
Hiện nay, hoạt động Đoàn ở nhiều xã, phường, thị trấn, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng biển còn yếu và không hiệu quả do số lượng đoàn viên giảm, cán bộ Đoàn thường xuyên biến động là một thực tế. Tổ chức Đoàn cần tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn vì đây chính là nền tảng của Đoàn. Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các Bí thư và Phó Bí thư Đoàn cấp xã bày tỏ mong muốn các cấp có thẩm quyền quan tâm hơn nữa đến chế độ đãi ngộ cho cán bộ Đoàn ở cơ sở nói chung và chức danh Phó Bí thư Đoàn cấp xã nói riêng. Đây cũng là cách tạo cho họ có điều kiện gắn bó, tâm huyết với công tác Đoàn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()