Quan tâm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
(LSO) – Xác định tầm quan trọng của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (HTPLCDN), thời gian qua, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã quan tâm đa dạng hình thức HTPLCDN. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.
Hiện toàn tỉnh có trên 3.000 doanh nghiệp, trong đó 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đại đa số doanh nghiệp chưa có nhân viên pháp chế chuyên trách để tham mưu các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp. Vì vậy, các sở, ban, ngành tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động HTPLCDN nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo viên của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương giới thiệu Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) năm 2020 tại hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp do Sở Tư pháp tổ chức tháng 8/2020
Trước hết, các cơ quan, đơn vị chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp với những nội dung đa dạng như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội… Từ năm 2016 đến nay, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện thành phố đã tổ chức được trên 460 lớp tập huấn, hội nghị phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp với hơn 44 nghìn lượt người tham dự; biên soạn trên 41 nghìn tài liệu có nội dung về HTPLCDN. Chất lượng hội nghị tập huấn ngày càng được nâng cao với các lớp bồi dưỡng chuyên sâu nội dung doanh nghiệp quan tâm, mời báo cáo viên trung ương về giảng dạy.
Ông Lê Văn Ngọc, Giám đốc Công ty đấu giá hợp danh Đông Bắc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hằng năm, công ty được tham gia từ 5 đến 7 hội nghị bồi dưỡng pháp luật cho doanh nghiệp do các sở, ban, ngành tỉnh tổ chức, trong đó có những hội nghị của Sở Tư pháp với chuyên đề về công tác đấu giá tài sản. Qua tập huấn, chúng tôi được giải đáp thắc mắc, cập nhật kiến thức pháp luật mới về doanh nghiệp, từ đó phát triển công ty, hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố còn duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp trên các cổng thông tin điện tử (TTĐT). Hiện nay, toàn tỉnh có 46 cổng TTĐT, website của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố đang hoạt động. Các cổng TTĐT thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin pháp lý, đặc biệt là niêm yết các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp để doanh nghiệp thuận lợi tra cứu, tìm hiểu. Tiêu biểu như: Cổng TTĐT Sở Công Thương niêm yết các thủ tục hành chính lĩnh vực: thương mại – thị trường, xuất nhập khẩu, khuyến công và xúc tiến thương mại… Cổng TTĐT Sở Tư pháp trích đăng, giới thiệu về các văn bản pháp luật mới của trung ương và của tỉnh…
Cùng đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng ngành, địa phương như: thông qua gặp mặt, đối thoại, khảo sát, giải đáp bằng văn bản, điện thoại, đường dây nóng để tiếp nhận các vi phạm… Điển hình như: UBND tỉnh, thành phố Lạng sơn, một số huyện duy trì tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp hằng năm; Cục Thuế tỉnh trung bình hằng năm trả lời bằng văn bản cho trên 70 lượt doanh nghiệp… Qua đó, kịp thời giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh tuân thủ quy định của pháp luật.
Ông Vũ Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh dự thảo Chương trình HTPLCDN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, xác định cụ thể trách nhiệm, tăng cường phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, tổ chức đại diện doanh nghiệp trong thực hiện HTPLCDN. Đồng thời, chúng tôi tham mưu các nội dung mới để nâng cao hiệu quả công tác HTPLCDN như: xây dựng các chuyên trang, chuyên mục pháp luật cho doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin truyền thông; xây dựng tủ sách pháp luật, câu lạc bộ doanh nhân với pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận sự hỗ trợ của mạng lưới tư vấn viên của các bộ, ngành trung ương…
Công tác HTPLCDN trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh, của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đúng quy định của pháp luật, tạo việc làm cho nhiều lao động, đóng góp đáng kể vào ngân sách, công tác an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, trong năm 2020, doanh nghiệp hội viên đã tạo việc làm cho hơn 40 nghìn lao động với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng; đóng góp cho công tác an sinh xã hội hơn 23 tỷ đồng… |
Ý kiến ()