Quan tâm hài hoà các vùng miền, không mất cân bằng trong cơ chế chính sách
Sáng 27/10, sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, phát biểu giải trình làm rõ thêm cho dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn quan tâm hài hòa các vùng miền, không hề có sự mất cân bằng trong cơ chế chính sách.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình làm rõ thêm dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, đồng thời cũng nhấn mạnh, 4 địa phương nêu trên mong chờ nhất 2 vấn đề lớn là phân cấp đặc quyền và tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc trao cơ chế đặc thù để các địa phương bứt phá, không có sự mất cân bằng trong cơ chế chính sách. Chính sách, cơ chế đặc thù cho 4 địa phương vừa bảo đảm phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, làm đầu tàu cho phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Tuy nhiên trong tính toán, Chính phủ luôn quan tâm hài hòa các địa phương khác.
“Đảng, Nhà nước luôn quan tâm hài hòa các vùng miền, chúng ta đã có rất nhiều cơ chế chính sách đầu tư cho các vùng khó khăn, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều nằm ở các vùng khó khăn này. Đây chỉ là một số cơ chế chính sách để các tỉnh này bứt phá, chứ không hề có sự mất cân bằng trong cơ chế chính sách”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, dù có cơ chế tài chính đặc thù, điều tiết ngân sách nhưng phải phù hợp với các quy định, việc lựa chọn các địa phương cũng phải phù hợp với đường lối, phương hướng, tính hợp pháp, hợp hiến, nhằm tạo điều kiện bứt phá nhưng đề cao tự lực, tự cường và vươn lên của địa phương.
Đồng thời, phải phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nhưng không ảnh hưởng đến bội chi và nợ công của quốc gia.
Trước thắc mắc về phân cấp trách nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ “chỉ phân cấp 1 cấp và có cơ chế giám sát”. Để chính sách hiệu quả sẽ có cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp với năng lực của từng địa phương và “đó là các nguyên tắc cơ bản”.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn cho rằng, với quy định hiện nay, các địa phương vẫn chưa vay đủ theo hạn mức, qua thống kê chỉ đạt khoảng 27-28%, vậy khi có nghị quyết mới này với hạn mức vay cao hơn, liệu có cần thiết hay không. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xác định dư nợ vay phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển, khả năng hấp thụ vốn vay của từng địa phương. Mỗi tỉnh khác nhau sẽ có mức khác nhau. Đồng thời khẳng định việc tăng mức dư nợ vay được kiểm soát trong giới hạn, mức bội chi và nợ công quốc gia, được Quốc hội xem xét hằng năm.
“Nếu các địa phương chưa sử dụng hết mức dư nợ này, sẽ chủ động tính toán nhu cầu, thu xếp các nguồn vay để đầu tư hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Với những chính sách đặc thù cho địa phương, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vẫn phải đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, tránh việc dự toán không sát thực tế.
Bên cạnh đó, các địa phương có thể điều chỉnh chính sách phí, lệ phí trên địa bàn khác nhau; để các tỉnh phát huy hiệu quả, việc ban hành phải có lộ trình theo thực tế, hạn chế tác động tới người dân.
Ý kiến ()