Quan tâm giáo dục truyền thống cho học sinh
– Thời gian qua, các trường học trên địa bàn đã quan tâm đẩy mạnh giáo dục truyền thống lịch sử địa phương thông qua lồng ghép trong các giờ học, tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm di tích, địa danh lịch sử trên địa bàn… Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết và lòng yêu nước cho học sinh.
Nhiều năm nay, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường đưa nội dung giáo dục lịch sử địa phương vào chương trình dạy học tại các trường học, không chỉ giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử của địa phương mà còn vun đắp tình yêu quê hương, rèn luyện đạo đức và lý tưởng cách mạng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc giảng dạy được các nhà trường thực hiện tích hợp trong giờ dạy chính khóa, các môn học như: Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân,… Giáo dục lịch sử không chỉ bó gọn ở những tiết học trên lớp mà các nhà trường còn lồng ghép trong nhiều hoạt động khác, như ngoại khóa dạy – học trải nghiệm tại khu di tích; tọa đàm, nói chuyện về truyền thống lịch sử cách mạng.
Học sinh Trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng tỉnh
Cô Bùi Thu Trang, giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THPT Tràng Định, huyện Tràng Định cho biết: Để học sinh nắm được lịch sử nơi mình sinh sống, chúng tôi đã lồng ghép những câu chuyện lịch sử của quê hương Tràng Định một cách thích hợp vào bài giảng, sao cho mỗi tiết học là một niềm vui, là sự khám phá thú vị của các em. Qua đó, giúp cho việc học lịch sử không còn khô khan, cứng nhắc, mà tạo sự hấp dẫn hơn đối với học sinh. Các em thêm yêu thích môn lịch sử, hiểu thêm truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước.
Cùng với lồng ghép giảng dạy, việc tổ chức cho học sinh tham gia trải nghiệm thực tế tại các di tích cũng được các trường linh hoạt thực hiện. Bởi Lạng Sơn là một trong những địa phương giàu truyền thống cách mạng với nhiều di tích, danh thắng thể hiện truyền thống của dân tộc. Theo Quyết định phê duyệt và công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Quyết định số 73/QĐ-UBND, ngày 10/1/2019), toàn tỉnh có 335 di tích gồm di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, di tích danh lam thắng cảnh. Trong đó, có 112 di tích lịch sử (1 khu di tích quốc gia đặc biệt). Những địa chỉ đỏ này đã và đang là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các lớp thế hệ học sinh khi đến tham quan, trải nghiệm.
Đơn cử như trong học kỳ I, năm học 2020 – 2021 vừa qua, Trường THCS thị trấn Đồng Mỏ phối hợp với Ban quản lý di tích lịch sử huyện Chi Lăng tổ chức buổi ngoại khóa “Em yêu lịch sử truyền thống quê em” tại nhà trưng bày, đài tượng niệm Ải Chi Lăng, với sự tham gia của hơn 150 học sinh và 30 giáo viên, nhân viên của trường. Tại đây, học sinh được tham quan, nghe giới thiệu về các điểm di tích lịch sử Ải Chi Lăng, núi Mặt Quỷ, Lũy ải, các hiện vật, tư liệu trưng bày tại nhà bảo tàng… được nghe kể về những chiến công lừng lẫy của cha ông trong các trận đánh tại ải Chi Lăng. Qua hoạt động này giúp các em học sinh hiểu sâu sắc hơn về di tích Ải Chi Lăng – nơi đã ghi dấu nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc mà tiêu biểu là chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang năm 1427.
Việc giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho học sinh còn được các nhà trường thực hiện thông qua các buổi mít tinh, phối hợp với hội cựu chiến binh các cấp tổ chức hoạt động nói chuyện chuyên đề. Cụ thể như tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, hằng năm, nhà trường linh hoạt tổ chức các tiết học lịch sử địa phương, thông qua mời các đồng chí lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử đến nói chuyện. Thầy Đặng Tuấn Cường, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Đây là những “bằng chứng sống”, có sức thuyết phục và lan tỏa lớn đối với học sinh. Cùng với những kiến thức được thầy, cô giáo giảng dạy trên lớp, những câu chuyện thời chiến do các bác cựu chiến binh kể khiến các em ghi nhớ được lâu.
Ngoài ra, để học sinh hiểu rõ hơn giá trị văn hoá lịch sử của địa phương, nhiều trường học còn chủ động phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức hoạt động sinh hoạt ngoại khoá, trải nghiệm theo chuyên đề tại Bảo tàng tỉnh; phối hợp tổ chức chiếu các clip, phim về di sản văn hóa lồng ghép với việc tham quan, giới thiệu lịch sử truyền thống tại nhà trưng bày của bảo tàng và duy trì vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn trong năm.
Em Bế Gia Như, học sinh lớp 8A, Trường THCS Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Sau khi được thầy cô giảng dạy, kể chuyện về lịch sử quê hương trong các giờ học, lại được đi trải nghiệm thực tế tham quan tại Bảo tàng tỉnh, được ngắm nhìn các hiện vật lịch sử, nghe thuyết minh đã giúp chúng em hiểu hơn về lịch sử, truyền thống cách mạng quê hương Xứ Lạng. Em càng thêm tự hào về quê hương mình, về những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 204.600 học sinh, sinh viên. Có thể thấy, những trải nghiệm thực tế như vậy sẽ là bài học sinh động, giúp học sinh có cái nhìn chân thực về lịch sử, những cảm nhận không dễ có được khi chỉ đọc những tư liệu. Cùng đó, việc đẩy mạnh giáo dục truyền thống lịch sử địa phương thông qua lồng ghép trong các giờ học, các hoạt động ngoại khóa,… sẽ góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, rèn luyện đạo đức cho học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ đó để các em thấy yêu và tự hào hơn về quê hương mình, nỗ lực vươn lên trong học tập, lao động.
Ý kiến ()