Quan tâm giảng dạy văn hóa lễ hội trong trường học
Học sinh Trường Tiểu học Chi Lăng, phường Chi Lăng thành phố Lạng Sơn tham dự lễ hội hoa đào |
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao – Du lịch tỉnh, trên địa bàn tỉnh hằng năm có trên 300 lễ hội với tính chất, quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Trong đó có đến 90% là lễ hội dân gian truyền thống, điển hình nhất là lễ hội Lồng tồng – lễ hội cầu mùa, cầu cho mưa thuận gió hòa vừa mang những đặc trưng của lễ hội cổ truyền Việt Nam vừa mang sắc thái riêng của vùng văn hóa Xứ Lạng. Đáng chú ý, Lạng Sơn hiện đã có các lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ, thành phố Lạng Sơn; lễ hội Bủng Kham, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định; lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Qua đó, để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, thời gian qua, các đơn vị, trường học trên địa bàn đã lựa chọn giới thiệu về truyền thống văn hóa, lễ hội tiêu biểu vào trong chương trình học, thông qua việc đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy như: dạy tích hợp, liên môn, lồng ghép nội dung chương trình với các hoạt động ngoại khóa… đã tạo môi trường lý tưởng giúp học sinh chủ động tìm hiểu, khám phá và nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, từ đó tham gia trực tiếp vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị đó trong cuộc sống.
Điển hình như lễ hội Lồng tồng Bủng Kham, thuộc thôn Nà Phái, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Đây là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người dân miền núi Xứ Lạng. Bởi vậy, để gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống đó, thời gian qua, các trường học trên địa bàn xã đã quan tâm giới thiệu về lễ hội này cho học sinh. Gặp và trao đổi với chúng tôi, cô Dương Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học II, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định cho biết: Để giúp học sinh có cái nhìn đúng về lễ hội của địa phương, nhà trường đã lồng ghép việc giới thiệu về lịch sử cũng như đặc điểm của lễ hội lồng tồng trong các môn học và các buổi sinh hoạt ngoại khóa… Điều này giúp các em học sinh nâng cao nhận thức về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng.
Cùng chung cách làm đó là Trường Tiểu học Chi Lăng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Cô Nguyễn Thị Bích, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trong dịp cận Tết Nguyên đán vừa qua, nhà trường đã tổ chức cho các em học sinh tham dự lễ hội “Hoa đào Xứ Lạng”, vừa cho học sinh tìm hiểu thực tế, vừa giới thiệu về phong tục ngày tết của dân tộc. Khi lễ hội Chùa Tiên được tổ chức, nhà trường đã cho một số học sinh đến tham dự để các em biết về sự tích cũng như các hoạt động của phần lễ và phần hội được diễn ra… Bên cạnh đó, trong mỗi năm học, nhà trường đều có các hoạt động ngoại khóa phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức cho học sinh học tập và tìm hiểu về lịch sử.
Thực tế, hầu hết các xã, phường, thị trấn đều lưu giữ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó có những di sản, lễ hội có giá trị quốc gia. Bởi vậy, việc giảng dạy di sản văn hóa truyền thống và các lễ hội tiêu biểu cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp các em hiểu biết hơn về bản sắc văn hóa của con người Xứ Lạng. Do đó, hiện đa phần các trường học đã chú trọng đến việc tuyên truyền và giới thiệu về các đặc trưng văn hóa này, đồng thời khuyến khích việc tuyên truyền nét đặc sắc văn hóa đến du khách nhằm tăng cường hiểu biết và thúc đẩy du lịch ngày càng phát triển.
Để công tác bảo tồn và phát huy nền tảng văn hóa của dân tộc, thời gian tới, việc giảng dạy các di sản văn hóa cần có sự phối hợp tham gia của các nhà chuyên môn nghiên cứu về lịch sử, văn hóa. Trong chương trình giảng dạy cần có những chương trình trải nghiệm thực tiễn cho học sinh, tham quan các di tích, bảo tàng, các lễ hội truyền thống… để học sinh được trải nghiệm và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Ý kiến ()