Quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao
LSO-Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm đầu tư, xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách để phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nhiều dự án, công trình văn hóa được đầu tư từ các nguồn lực trong xã hội, nhất là khối các doanh nghiệp, qua đó đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thay đổi diện mạo về văn hóa, thể thao của tỉnh.
Sân thể thao xã là nơi diễn ra các hoạt động của ngày hội xuân xã Hải Yến, huyện Cao Lộc – Ảnh: VIỆT THỊNH |
Theo đó, thời gian qua, tỉnh đã ban hành một số văn bản quan trọng như: Quyết định số 564/QĐ-UBND ngày 4/5/2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thể dục thể thao tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 29/7/2016 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, khối phố; sân tập thể dục thể thao xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 52/2016/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 về chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, khối phố, sân tập thể dục thể thao xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020… Các chính sách này quy định mức hỗ trợ tối đa như: hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa mới 100 triệu đồng/nhà, nâng cấp 70 triệu đồng/nhà cho 5 xã đặc biệt khó khăn tỉnh chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ xây mới 80 triệu đồng/nhà, nâng cấp 50 triệu đồng/nhà cho các xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới đến năm 2020; hỗ trợ cho các xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 chưa có sân tập thể dục thể thao: 100 triệu đồng/sân… Đến nay, sau gần một năm thực hiện Quyết định số 52/2016/QĐ-UBND đã góp phần hỗ trợ hiệu quả cho chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2017.
Hiện nay, ở cấp tỉnh có 1 trung tâm văn hóa, 1 thư viện, 1 bảo tàng, 1 ban quản lý di tích, 1 sân vận động và 1 nhà tập luyện và thi đấu thể thao. Các thiết chế này đều được quản lý, vận hành tốt, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí, nâng cao sức khỏe, tinh thần cho nhân dân. Các huyện, thành phố đều đã có trung tâm văn hóa, thể thao, sân vận động, hội trường đa năng, sân khấu để hội họp và tổ chức các hoạt động hội thi, hội diễn, liên hoan của địa phương. Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh từ nhiều nguồn lực khác nhau, đến nay, toàn tỉnh có 77/226 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, đạt 34,07%; 2.155/2.314 nhà văn hóa thôn, khu phố, đạt 93%.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh như: cơ cấu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn, việc phân bổ để đầu tư các thiết chế văn hóa còn chưa đồng bộ vào các công trình trọng điểm, thiết yếu; kinh phí để tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao tại các thiết chế còn ít, nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn, ít có sự đổi mới; đội ngũ cán bộ văn hoá tác nghiệp còn thiếu và yếu… Những hạn chế này cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ để hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở trong giai đoạn tiếp theo được phát triển tương xứng, phát huy được hiệu quả trong thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội của địa phương.
NGUYÊN CHÍNH
Ý kiến ()