Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn
LSO-Thực hiện Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, thời gian qua công tác dạy nghề đã được sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) quan tâm, chú trọng đa dạng hoá các ngành nghề để hỗ trợ người dân thêm cơ hội có việc làm, tăng thu nhập.
Học viên Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn tìm hiểu về cơ chế hoạt động của thiết bị máy móc tại công xưởng |
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động sau đào tạo, thời gian qua Sở LĐTB&XH đã khảo sát, điều tra đối tượng và nhu cầu học nghề trên địa bàn. Qua đó, nắm bắt nhu cầu nguyện vọng chính đáng của lao động nông thôn, để tư vấn chọn nghề phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp truyền đạt cho phù hợp với người học và theo sát nhu cầu của thị trường lao động.
Chị Nguyễn Thị Hà, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước đây, gia đình chủ yếu sống dựa vào nghề nông, công việc chỉ diễn ra trong thời vụ, nên mỗi khi nông nhàn tôi đều phải tìm thêm các công việc khác để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đến năm 2014, khi có thông tin về việc mở lớp dạy may công nghiệp cho lao động nông thôn do Trung tâm Dạy nghề Công đoàn tỉnh tổ chức, tôi cùng với một số chị em trên địa bàn đã đăng ký tham gia học. Sau khi học song, tôi được nhận vào cơ sở may tư nhân trên địa bàn thành phố để làm việc.
Thực tế cho thấy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững. Thời gian qua công tác đào tạo, tập huấn cho giáo viên nghề và mở các lớp liên kết đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng dạy nghề trên địa bàn đã góp phần tạo ra các mô hình sản xuất hiệu quả, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân.
Theo đó, từ đầu năm 2017 đến nay, Sở LĐTB&XH đã tổ chức tập huấn triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho 70 cán bộ phòng LĐTB&XH và giáo viên dạy nghề tại các trung tâm trên địa bàn. Các trung tâm dạy nghề ở các huyện, thành phố đã tăng cường mở các lớp dạy nghề ngắn hạn với trên 3.100 học viên tham dự, với các ngành nghề chính như: kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, chăm sóc rừng; phối hợp liên kết đào tạo dạy nghề cao đẳng, trung cấp kỹ thuật cho 850 học viên về các lĩnh vực sửa chữa máy nông nghiệp, hàn, xì, cơ khí, nghề điện…
Ông Trương Minh Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở LĐTB&XH cho biết: Cùng với việc đào tạo nghề, công tác tư vấn, giới thiệc việc làm và phổ biến các chính sách pháp luật cho người lao động sau học nghề cũng được quan tâm. Từ đầu năm 2017 đến nay, trung tâm đã tổ chức nhiều chương trình tư vấn việc làm và giới thiệu việc làm cho hơn 5.100 lao động nông thôn. Nhiều người sau đó đã có công việc ổn định tại địa phương. Trong đó có không ít người đã có được việc làm phù hợp tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh, với mức thu nhập ổn định. Qua đó, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()