Quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Một buổi học và thảo luận về kỹ năng lập đề án và phát triển |
Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTT&DL), toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 4.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 2.200 lao động trực tiếp, chia làm 3 lĩnh vực: quản lý nhà nước, sự nghiệp và kinh doanh. Trong đó, hơn 90% lao động làm việc trong lĩnh vực kinh doanh (tại 207 cơ sở lưu trú và 5 công ty kinh doanh lữ hành).
Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, nhiều năm qua, Sở VHTT&DL đã đề xuất với UBND tỉnh ban hành những chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch.
Đối với cán bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch, tỉnh đã phối hợp, tạo điều kiện để đội ngũ này được tham dự các lớp tập huấn do Tổng cục Du lịch và Bộ VHTT&DL tổ chức với hàng chục lượt cán bộ được tập huấn hằng năm. Đồng thời, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị liên quan trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển của thị trường du lịch trong và ngoài nước, trung bình mỗi năm, Sở VHTT&DL tổ chức khoảng 10 lớp tập huấn về du lịch cho hàng trăm lượt cán bộ tham gia.
Hằng năm, ngành du lịch tỉnh phối hợp với các trường chuyên nghiệp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về hướng dẫn viên du lịch, lễ tân, buồng, bàn, bar, quản lý cơ sở lưu trú… Trong 5 năm (2012 – 2017), Sở VHTT&DL đã chỉ đạo tổ chức trên 20 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng nghìn lượt nhân viên ở các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, các cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, nhằm tôn vinh những người hoạt động trong kinh doanh du lịch, tiến tới chuẩn hóa nhân sự ngành theo tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam, Sở VHTT&DL đã tổ chức thành công nhiều cuộc thi dành cho đội ngũ hướng dẫn viên, các nhân viên hoạt động trong các cơ sở lưu trú du lịch và học sinh được đào tạo về du lịch tham gia.
Từ năm 2013 đến nay, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật (TCVHNT) tỉnh đã đào tạo hệ trung cấp du lịch với 2 mã ngành: hướng dẫn du lịch và nghiệp vụ lễ tân, thu hút trên 30 học sinh theo học, đồng thời trường đã mở 15 lớp đào tạo nghề ngắn hạn về du lịch cho gần 500 lượt người làm trong các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh. Ông Nông Quốc Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường TCVHNT tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, thời gian tới, trường sẽ tiếp tục mở rộng quy mô các loại hình đào tạo, xét hồ sơ tuyển sinh; tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn đào tạo, hướng nghiệp tại các huyện. Cùng với đó, các lớp học về kỹ thuật chế biến món ăn do các trung tâm dạy nghề tổ chức cũng tạo thêm cơ hội cho người lao động được tiếp cận với kiến thức mới, học hỏi, nâng cao nghiệp vụ. Nhờ đó, trình độ chuyên môn của lao động trực tiếp tại các điểm du lịch, các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ đã từng bước được nâng lên, góp phần thu hút khách du lịch đến với Lạng Sơn.
Để tạo nguồn nhân lực ổn định, vững mạnh cho ngành du lịch, Chương trình hành động số 74/CTr-TU ngày 28/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị Quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã xác định một trong những giải pháp tỉnh tập trung chỉ đạo, đó là chuẩn hoá và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Mục tiêu phát triển du lịch của Lạng Sơn đến năm 2020 là đón 3,7 triệu lượt khách, tạo việc làm cho khoảng 14.000 lao động, trong đó có 5.700 lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Với những giải pháp quyết liệt, cụ thể, hy vọng rằng trong tương lai không xa, du lịch sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Xứ Lạng.
Ý kiến ()