Quan tâm công tác giáo viên chủ nhiệm lớp
(LSO) – Giáo viên chủ nhiệm lớp (GVCN) là cầu nối giữa ban giám hiệu, giữa các tổ chức trong trường, giữa các giáo viên bộ môn với tập thể học sinh lớp chủ nhiệm. Do đó, hằng năm, ngành giáo dục tỉnh luôn quan tâm tăng cường bồi dưỡng đội ngũ GVCN nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác GVCN, nhất là GVCN trong các trường trung học, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng quản lý lớp cho đội ngũ GVCN. Theo thống kê từ năm học 2017 – 2018 đến nay, toàn ngành đã tổ chức được 165 buổi tập huấn, hội thảo, sinh hoạt chuyên môn về công tác GVCN cho 2.598 lượt cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS; tổ chức 65 buổi tập huấn, hội thảo, sinh hoạt chuyên môn về công tác chủ nhiệm cho 2.182 cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT. Các buổi hội thảo, tập huấn đều xoay quanh công tác quản lý lớp học, quản lý học sinh; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch giáo dục; đôn đốc, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập, tu dưỡng của học sinh trong lớp.
Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3, Trường Tiểu học Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia khẩu phần cho học sinh trong giờ ăn trưa
Cô Vi Thị Hải, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Trong hơn 20 năm vừa giảng dạy, làm công tác Đoàn, tôi đã có hơn 10 năm tham gia công tác chủ nhiệm lớp. Để làm tốt nhiệm vụ của một GVCN lớp thì người GVCN phải nắm bắt về mọi mặt của học sinh lớp mình phụ trách. Theo đó tôi luôn chủ động tìm hiểu học sinh, gần gũi, quan tâm, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, chủ động phối hợp các tổ chức đoàn, đội và hội phụ huynh, thầy giáo, cô giáo bộ môn để quản lý giáo dục, định hướng học sinh.
Cùng với công tác bồi dưỡng, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã thường xuyên phát động phong trào “Giáo viên giúp đỡ giáo viên, giáo viên giúp đỡ học sinh”. Tính riêng trong năm học 2017 – 2018, cấp THCS có 2.634 giáo viên giúp đỡ 2.570 giáo viên, kết quả có 1.223 giáo viên tiến bộ về chuyên môn và 527 giáo viên tiến bộ về công tác chủ nhiệm; có 3.800 giáo viên giúp đỡ 9.994 học sinh, kết quả có 6.729 học sinh tiến bộ về học tập, 3.191 học sinh tiến bộ về hạnh kiểm. Cấp THPT có 901 giáo viên giúp đỡ 951 giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng giáo dục, kết quả có 543 giáo viên tiến bộ về chuyên môn, 217 giáo viên tiến bộ về công tác chủ nhiệm; có 1.446 giáo viên giúp đỡ 5.092 học sinh, trong đó có 3.730 học sinh tiến bộ về học tập, 997 học sinh tiến bộ về rèn luyện ý thức.
Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Có thể nói GVCN là người quyết định mọi sự phát triển và tiến bộ của lớp, người chịu ảnh hưởng nhiều nhất về mọi hoạt động của học sinh. Do đó, trong mỗi năm học, sở luôn quan tâm, chỉ đạo các nhà trường hướng dẫn đội ngũ GVCN phải lập kế hoạch công tác năm, chú trọng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với giáo viên bộ môn để tìm hiểu tình hình học tập, nắm được những em học giỏi, học yếu bộ môn; với Đoàn – Đội, GVCN xin ý kiến nhận xét về đoàn – đội viên của lớp, về triển vọng của một số em để kịp thời giúp đỡ, động viên; với gia đình, GVCN có thể liên hệ chặt chẽ với một vài phụ huynh có con em cần quan tâm kịp thời như: quậy phá, học yếu, nghỉ học thường xuyên… nhằm góp phần giáo dục toàn diện nhân cách, lối sống và kiến thức cho học sinh, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.
Ý kiến ()