Quan tâm công tác giáo dục vùng khó
(LSO) – Là một tỉnh miền núi phía Đông Bắc của tổ quốc, Lạng Sơn có trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số với 125 xã khu vực 3 và 141 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực 2. Những năm qua, thực hiện Đề án cải thiện chất lượng giáo dục vùng khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã tập trung thực hiện tốt các chính sách phát triển giáo dục đặc thù, ưu tiên đối với giáo dục vùng khó, nổi bật là hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú… Qua đó, đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Năm học 2019 – 2020, toàn tỉnh có 694 đơn vị, trường học, cụ thể: có 235 trường mầm non; 194 trường tiểu học; 68 trường tiểu học – THCS; 155 trường THCS; 27 trường trung học phổ thông; 3 trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS & THPT; 2 trung tâm giáo dục thường xuyên; 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Quy mô trường, lớp trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, mạng lưới trường lớp tiểu học đã đến tận các thôn bản, tạo điều kiện cơ bản thuận lợi cho việc tới lớp của học sinh là con em ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng xã hội học tập.
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS xã Công Sơn, huyện Cao Lộc vui chơi sau giờ học
Cùng với việc phát triển mạng lưới trường học, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh củng cố hệ thống các Trường phổ thông dân tộc nội trú (11 trường), thành lập các loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú (trên 100 trường) nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số khu vực xã khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, việc thành lập các trường phổ thông dân tộc bán trú đã phần nào giảm khó khăn cho học sinh theo học các cấp học và tạo thuận lợi cho việc sinh hoạt, đi lại của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, củng cố vững chắc phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS.
Những ngày cuối tháng 12/2019, cúng tôi có dịp đến thăm Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS xã Bắc Ái II, huyện Tràng Định. Đây là ngôi trường nằm ở khu vực đặc biệt khó khăn của huyện, khó khăn cả về đường đi lại và khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. Thầy giáo Lương Văn Thuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước những khó khăn đó, từ năm học 2013 – 2014, nhà trường được chuyển đổi sang mô hình trường bán trú, học sinh được hưởng các chế độ của nhà nước về ăn, ở, học tập, thể thao đã giảm bớt phần nào khó khăn khi các em đến trường. Nhờ đó, đến nay, trường không còn tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng hoặc học sinh bỏ học, chất lượng giáo dục được nâng lên.
Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo các đơn vị, trường học triển khai thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, chế độ cho học sinh dân tộc thiểu số theo quy định. Như chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng học bổng; miễn giảm học phí; trợ cấp xã hội, hỗ trợ học tập; chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người…. Trong đó, có thể kể đến như chính sách đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh các trường nội trú là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh hằng năm đều được miễn học phí và hưởng học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước trong 12 tháng/năm, được cấp hiện vật, hỗ trợ học phẩm… Với học sinh ở các trường phổ thông dân tộc bán trú, học sinh tiểu học, THCS và học sinh THPT là người dân tộc thiểu số ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở, 15 kg gạo/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh…
Em Triệu Thị Múi, học sinh lớp 7, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình chia sẻ: Thời gian học tập tại trường, em luôn nhận được sự quan tâm của thầy, cô, cùng đó, em được nhà nước hỗ trợ ăn bán trú và miễn giảm học phí, được cấp sách vở và đồ dùng học tập nên thời gian đi học bố mẹ không phải lo lắng về mua sắm vật dụng phục vụ học tập cho chúng em, chúng em cũng chuyên tâm hơn vào việc học hành. Trong năm học 2018 – 2019 vừa qua, em đã đạt được thành tích tốt trong học tập và được nhà trường cử tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi môn Văn cấp huyện và đạt giải khuyến khích.
Từ các chương trình, dự án, chính sách của Nhà nước kết hợp với sự đầu tư của các địa phương đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; giúp các em đến lớp đều đặn hơn, các đơn vị trường học duy trì sĩ số ổn định hơn. Ðiều đó thể hiện qua việc huy động học sinh ra lớp đầu năm học 2019 – 2020, tỷ lệ huy động học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%. Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên so với trước. Tính riêng trong năm học 2018 – 2019, phần lớn học sinh tiểu học hoàn thành và hoàn thành tốt môn học (với 99,3% hoàn thành môn Toán và 99,5% hoàn thành môn Tiếng Việt); 94% học sinh vùng dân tộc thiểu số cấp THCS có học lực từ trung bình trở lên; trên 80% học sinh vùng dân tộc thiểu số cấp THPT có học lực trung bình trở lên.
Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Công tác giáo dục vùng khó luôn được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đặc biệt quan tâm từ việc đảm bảo chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hình thành xã hội học tập cả ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Ðào tạo tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho học sinh, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu xây dựng một môi trường học tập đáp ứng yêu cầu giáo dục cho học sinh.
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()