Quan tâm công tác giáo dục thường xuyên
Giờ học ngoại khóa của học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc |
Toàn tỉnh hiện có 2 trung tâm giáo dục thường xuyên, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và 226 trung tâm học tập cộng đồng. Thực tế, nhờ có hệ thống giáo dục thường xuyên phát triển rộng khắp đã góp phần đảm bảo công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân. Theo đó, tính đến tháng 10/2015, tỉnh Lạng Sơn đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non. Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục THCS tiếp tục được củng cố và duy trì ở 226/226 xã, phường, thị trấn. Tính từ năm học 2011 – 2012 đến hết năm học 2015 – 2016, thông qua triển khai đề án mở lớp bổ túc xã, cụm xã hệ thường xuyên, toàn tỉnh đã mở được 147 lớp, huy động được hơn 2.680 học viên vùng khó khăn tham gia học tập chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Góp phần đảm bảo công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Văn Đông, Phó Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên – giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Thông qua việc mở rộng quy mô, xây dựng các mô hình đào tạo thường xuyên đa dạng như: phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo các huyện thực hiện xóa mù, phổ cập, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn từng huyện; tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Dạy hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 tại các trường THCS trong các huyện. Tổ chức liên kết đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề… đã giúp giải quyết công tác xóa mù chữ và nâng cao trình độ dân trí tại các khu vực khó khăn.
Không chỉ quan tâm mở rộng quy mô và mạng lưới đào tạo thường xuyên, mà việc nâng cao chất lượng giáo dục cũng được quan tâm. Trong đó, ngoài công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, các đơn vị còn kết hợp triển khai mô hình đào tạo nghề kết hợp với học văn hóa chương trình THPT. Tăng cường phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp mở lớp bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên vùng xa; tổ chức liên kết đào tạo nghề trình độ trung cấp; lựa chọn đào tạo các ngành dễ bố trí việc làm cho học sinh khi ra trường…. Trong năm học 2016 – 2017, tổng số học sinh tuyển vào lớp 10 bổ túc THPT trong độ tuổi phổ thông trên địa bàn là 1.098, trong đó, số học viên học văn hóa kết hợp với học trung cấp chuyên nghiệp là 1.073 học viên, tỉ lệ tham gia học nghề đạt 97,3%. Cùng đó, thông qua các trung tâm đã tổ chức mở được 57 lớp tin học với 1.846 học viên; 67 lớp ngoại ngữ với 1.527 học viên; 59 lớp tiếng dân tộc với 2.726 học viên trên địa bàn tham gia học tập.
Với việc triển khai khá hiệu quả công tác giáo dục thường xuyên trên địa bàn, từ đầu năm học 2017 – 2018, các trung tâm, đơn vị trong hệ thống giáo dục thường xuyên đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển công tác giáo dục thường xuyên theo năm học. Đặc biệt, quan tâm đến công tác hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên đã chủ động phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố triển khai hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh THCS; tổ chức dạy nghề cho học sinh của trung tâm và một số trường THPT với nhiều ngành nghề khác nhau như: sửa chữa máy nông nghiệp, tin học, làm vườn… Ngoài ra, các trung tâm này còn duy trì sự phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh để tuyển sinh các lớp liên kết đào tạo các trình độ từ trung cấp lên đại học, đáp ứng yêu cầu của người lao động.
Ý kiến ()